Dù phí giao dịch cao, stablecoin được dự đoán sẽ bùng nổ tại thị trường mới nổi, với khối lượng thanh toán dự kiến đạt 15 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) cùng với BVNK có trụ sở tại Vương Quốc Anh, vừa công bố báo cáo cho thấy người dùng và doanh nghiệp tại 17 thị trường mới nổi đang phải trả mức phí trung bình cao hơn 4,7% so với giá đô la tiêu chuẩn khi giao dịch stablecoin. Con số này thậm chí lên tới 30% ở một số quốc gia như Argentina. Theo báo cáo, tổng chi phí giao dịch stablecoin ước tính sẽ đạt 25,4 tỷ USD vào năm 2027.
Nghiên cứu được thực hiện trong bối cảnh stablecoin đang ngày càng phổ biến, đặc biệt tại các quốc gia có đồng nội tệ biến động mạnh. Với tổng vốn hóa thị trường đạt 165 tỷ USD vào giữa năm 2024, stablecoin đã hỗ trợ hàng nghìn tỷ USD giao dịch mỗi năm, cung cấp giải pháp thay thế ổn định cho các loại tiền mã hóa biến động như Bitcoin. Tether (USDT) và USD Coin (USDC) hiện là 2 stablecoin lớn nhất với vốn hóa thị trường lần lượt là 83 tỷ USD và 28 tỷ USD.
Báo cáo nhấn mạnh vai trò quan trọng của stablecoin trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực của biến động tiền tệ, đặc biệt tại các thị trường mới nổi. Thực tế cho thấy, từ năm 1992 đến 2022, biến động tiền tệ đã gây ra tổn thất GDP trung bình 9,4% tại 17 quốc gia được nghiên cứu, tương đương 1,2 nghìn tỷ USD. Stablecoin đã giúp giảm thiểu thiệt hại này bằng cách cung cấp công cụ lưu trữ giá trị đáng tin cậy. Điển hình như tại Brazil và Indonesia, nơi biến động tỷ giá hối đoái đe dọa sự ổn định kinh tế, stablecoin đã trở thành phương tiện bảo vệ tài chính cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích rõ ràng, báo cáo cũng chỉ ra rằng chi phí giao dịch stablecoin cao đang là rào cản đáng kể. Mặc dù stablecoin giúp giải phóng vốn bị “mắc kẹt” trong các hệ thống thanh toán xuyên biên giới truyền thống, ước tính khoảng 11,6 tỷ USD, nhưng người dùng vẫn phải chịu mức phí đáng kể. Việc này đặt ra câu hỏi về tính bền vững của stablecoin như một giải pháp tài chính dài hạn cho các thị trường mới nổi.
Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan và Brazil đang là những quốc gia dẫn đầu trong áp dụng stablecoin. Các doanh nghiệp tại đây ngày càng phụ thuộc vào stablecoin để bảo vệ bảng cân đối kế toán và đảm bảo giá ổn định trong các hợp đồng dài hạn. Dự báo đến năm 2030, khối lượng thanh toán bằng stablecoin sẽ đạt 15 nghìn tỷ USD, với vốn hóa thị trường có thể vượt 1 nghìn tỷ USD.