Nhiều nhân viên OpenAI đã gửi đơn tố cáo lên SEC, cáo buộc công ty cản trở họ báo cáo các rủi ro nghiêm trọng của công nghệ AI.
Đơn khiếu nại dài 7 trang gửi tới Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) vào đầu tháng này đã được tờ The Washington Post đăng tải độc quyền, tố cáo OpenAI áp dụng các thỏa thuận lao động, thôi việc và bảo mật thông tin ngặt nghèo, có khả năng dẫn đến hình phạt đối với những nhân viên dám lên tiếng về lo ngại của họ.
Cụ thể, các nhân viên tố cáo OpenAI đã yêu cầu họ từ bỏ quyền được nhận bồi thường khi tố cáo sai phạm theo quy định của luật pháp. Thêm vào đó, mọi thông tin muốn chia sẻ với chính quyền liên bang, dù là về nguy cơ bảo mật hay vi phạm pháp luật, đều phải được OpenAI đồng ý trước.
Các điều khoản này được cho là đi ngược lại luật pháp liên bang vốn thiết lập để bảo vệ những người dám đứng lên phơi bày hành vi sai trái trong các tổ chức.
Các luật sư đại diện cho nhóm nhân viên cho rằng OpenAI vi phạm nghiêm trọng luật bảo vệ người tố cáo, cản trở nỗ lực giám sát, quản lý lĩnh vực AI non trẻ của chính phủ. “Những hợp đồng này như một lời đe dọa ngầm: ‘Đừng bao giờ nghĩ đến chuyện báo cáo với chính quyền“, một nhân viên giấu tên chia sẻ.
Phía OpenAI đã lên tiếng phủ nhận các cáo buộc, khẳng định chính sách công ty vẫn đảm bảo quyền lợi của người tố cáo. “Chính sách của chúng tôi bảo vệ quyền tiết lộ thông tin được pháp luật bảo vệ của người lao động”, phát ngôn viên của OpenAI, Hannah Wong, cho biết.
Bên cạnh đó, bà Wong cũng nhấn mạnh OpenAI khuyến khích các cuộc tranh luận nghiêm túc về công nghệ AI và đã có những thay đổi trong chính sách thôi việc để xóa bỏ các điều khoản gây tranh cãi.
Tuy nhiên, vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ các công ty công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực AI đang lợi dụng kẽ hở pháp lý để bịt miệng người lao động và né tránh trách nhiệm giải trình.
Giới chuyên gia kêu gọi SEC và các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh tay hơn để ngăn chặn các hành vi cản trở người tố cáo, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực công nghệ then chốt này.
Vụ việc của OpenAI diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về tốc độ phát triển “chóng mặt” của AI và nguy cơ công nghệ này bị lạm dụng cho mục đích xấu.
Sự việc đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý và cộng đồng cần chung tay thiết lập một hành lang pháp lý đủ mạnh, để vừa khuyến khích sự đổi mới sáng tạo, vừa kiểm soát hiệu quả các rủi ro tiềm ẩn, đảm bảo AI thực sự phục vụ lợi ích của con người.