Cơ quan Thị trường Vốn Ô-man (CMA), mong muốn thiết lập một khung pháp lý mới cho lĩnh vực tài sản ảo ở quốc gia Hồi giáo này.
Theo thông cáo báo chí ngày 14/2/2023, Cơ quan Thị trường Vốn của Ô-man (CMA) mong muốn thiết lập một khung pháp lý mới cho lĩnh vực tài sản ảo. Quy định mới bao gồm giám sát các hoạt động về tài sản ảo, quy trình cấp phép cho các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) và khuôn khổ để xác định và giảm thiểu rủi ro xung quanh loại tài sản này.
Một số hoạt động dịch vụ tài sản ảo nằm trong quy định mới bao gồm: phát hành tài sản tiền mã hóa, token, sản phẩm và dịch vụ giao dịch tiền mã hoá, ICO, và một số hoạt động liên quan khác.
CMA đã hợp tác với nhà tư vấn chính sách nổi tiếng XReg Consulting Limited, và công ty luật Said Al-Shahry and Partners để soạn thảo các quy định mới. Khung pháp lý mới được đánh giá phù hợp với tầm nhìn đến năm 2040 của Ô-man trong tham vọng số hóa nền kinh tế và thu hút người dùng toàn cầu đến nước này.
Trong khi Ô-man đang thể hiện tham vọng trở thành nước dẫn đầu trong việc áp dụng tài sản ảo ở Trung Đông, Ngân hàng Trung ương nước này lại tỏ ra khá thận trọng đối với tiền mã hóa. Vào tháng 10/2022, Ngân hàng Trung ương Oman (CBO) kêu gọi người dân thận trọng khi giao dịch bằng tiền mã hóa, do có “nhiều nguy cơ lừa đảo”. CBO cảnh báo họ chưa cấp phép cho bất kỳ cơ quan, tổ chức nào giao dịch tiền mã hóa trong nước. Luật ngân hàng tiền tệ cũng không nhắc đến bất kỳ loại tiền kỹ thuật số nào và các hoạt động liên quan đến việc sử dụng chúng.
Bất chấp cảnh báo, người dân Ô-man vẫn nắm giữ và đầu tư vào tài sản kỹ thuật số. Theo khảo sát của Souq Analyst, khoảng 65.000 cư dân nước này, tương đương 1,9% dân số trưởng thành đang sở hữu tiền mã hóa. 62% trong số đó sở hữu tiền mã hóa trong thời gian dài, trong khi 25% cho biết họ sử dụng tài sản kỹ thuật số để học tập và giáo dục, phần còn lại sử dụng cho các giao dịch hàng ngày.
PCB Tổng hợp