Trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 8/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết các cơ quan chức năng đang nghiên cứu và sẽ bổ sung quy định về tài sản số.
“Trước sự quan tâm của dư luận, cần làm rõ những khái niệm về tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền ảo, tài sản ảo”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Đối với tiền ảo và tài sản ảo, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lấy ví dụ về đồng Bitcoin. Hiện tại, mỗi nước đều có cách quản lý khác nhau, có nước coi tiền ảo, tài sản ảo như một loại tài sản hay chứng khoán để áp thuế, cấp phép giao dịch.
“Đây không phải đồng tiền pháp định do ngân hàng trung ương các nước phát hành mà do tổ chức khu vực tư nhân tạo ra dựa trên hệ thống mạng máy tính. Do đó, loại tiền này chỉ được thừa nhận trong một số cộng đồng nhất định”, Thống đốc lưu ý.
Với Việt Nam, Chính phủ đã đã giao các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý. Trong đó, NHNN có vai trò phối hợp cùng với cơ quan chức năng.
Thống đốc cho biết tiền điện tử được xem là đồng tiền pháp định do ngân hàng trung ương phát hành, thay vì lưu hành dưới dạng tiền giấy, tiền xu, tiền điện tử được lưu trữ trên các thiết bị điện tử như điện thoại di động hay mạng máy tính.
Ngoài ra, tiền điện tử phải có tỷ lệ 1:1 với tiền pháp định, đồng thời được phép thanh toán. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục làm rõ khái niệm này trong Nghị định sửa đổi Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt.
Bà cho biết hiện một số nước trên thế giới đang bắt đầu quá trình nghiên cứu, thử nghiệm tiền kỹ thuật số, hay là điện tử, Chính phủ cũng giao NHNN thành lập ban nghiên cứu về tiền kỹ thuật số nhằm nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Ngoài ra, một trong những vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm là tình hình triển khai dịch vụ thanh toán di động Mobile Money.
Theo đó, NHNN đã chấp thuận cho 3 doanh nghiệp viễn thông gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone triển khai Mobile Money. Sau gần 5 tháng, tính đến cuối tháng 3, cả nước có khoảng 1,1 triệu tài khoản được mở tại các doanh nghiệp thí điểm. Số lượng giao dịch đạt 8,5 triệu đơn vị với tổng giá trị hơn 370 tỷ đồng.
Đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu ,vùng xa, hải đảo, số tài khoản lên tới 660.000 đơn vị, chiếm hơn 60% tổng số tài khoản.
Bên cạnh đó, đã có hơn 3.000 điểm kinh doanh được thiết lập. Trong đó, khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo chiếm 900 điểm, tương đương 30%. Tổng số đơn vị chấp nhận thanh toán dịch vụ vượt 12.800 đơn vị.
Tuy vẫn đang trong giai đoạn thí điểm, Thống đốc NHNN đánh giá kết quả trên cho thấy dịch vụ thanh toán di động Mobile Money đã đi vào cuộc sống người dân. Thời gian tới, NHNN cùng với bộ, ban, ngành sẽ tiếp tục đánh giá, theo dõi, từ đó tổng kết thí điểm để tham mưu đề xuất về hành lang pháp lý cũng như cách thức tổ chức sau này.