Thông tin từ Nhật báo Vedomosti cho biết, Rosbank – ngân hàng lớn đầu tiên thuộc hệ thống ngân hàng Nga đã đưa ra các giải pháp thanh toán ngoại thương bằng tiền mã hóa. Đại diện ngân hàng này nhấn mạnh, họ sẽ tuân thủ quy định chính sách của pháp luật cũng như quy định của Ngân hàng Trung ương Nga (BOR). Hiện Rosbank đã thực hiện các giao dịch thí điểm với các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.
Vedomosti sau đó đã gửi yêu cầu bình luận đến 50 ngân hàng lớn nhất Nga, nhưng chưa có ngân hàng nào xác nhận việc cung cấp các dịch vụ như Rosbank. Ông Alexei Voylukov, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Nga lưu ý, đây là lần đầu tiên ông chứng kiến một ngân hàng lớn triển khai giải pháp này.
Đại diện BOR xác nhận, quan điểm của Ngân hàng Trung ương đối với tiền mã hóa là không thay đổi, khi họ không ủng các hoạt động giao dịch bằng tiền mã hoá ở trong nước. BOR chỉ cho phép thực hiện các giao dịch tương tự nằm ngoài cơ sở hạ tầng của Nga và sử dụng trong các giao dịch xuyên biên giới. Luật pháp Nga cũng chưa thiết lập cơ sở pháp lý cho việc lưu thông tiền mã hoá, nhưng luật về tài sản tài chính kỹ thuật số (DFA) có ‘lệnh cấm đối với cư dân Nga sử dụng loại tài sản này để thanh toán trong các giao dịch hàng hóa và dịch vụ’.
Các tính toán được thực hiện như thế nào?
Công nghệ để hỗ trợ cho các giải pháp của Rosbank được cung cấp bởi B-crypto, một công ty dịch vụ fintech tại Nga chuyên cung cấp các giải pháp thanh toán xuyên biên giới. Ông Evgeny Kaplin, CEO B-crypto cho biết, họ đang cung cấp cơ sở hạ tầng công nghệ, tư vấn pháp lý và quy trình hoạt động cho những bên tham gia hoạt động kinh tế ngoại thương (FEA) muốn sử dụng công nghệ blockchain một cách “tuân thủ pháp luật“.
Theo dữ liệu từ hệ thống SPARK, B-crypto được đăng ký hoạt động vào tháng 10/2022.
Các quy trình thanh toán của chế độ thí điểm được thực hiện như sau:
- Nếu một công ty Nga muốn thanh toán bằng tiền mã hoá cho hàng hóa hoặc dịch vụ nhập khẩu, trong hợp đồng với nhà cung cấp họ phải chứng minh được khả năng thanh toán và chỉ định ví tiền mã hóa dùng để thực hiện thanh toán. Sau đó đối tác nước ngoài sẽ xuất hóa đơn thanh toán cho công ty Nga và mô tả thông tin về hàng hóa và dịch vụ, cũng như thông báo giá trị đơn hàng bằng tiền mã hóa và cung cấp địa chỉ ví nhận tiền.
- Các bên tham gia giao dịch sẽ ký hợp đồng, sau đó công ty nhập khẩu sẽ gửi tiền pháp định vào tài khoản tại Rosbank, đồng thời gửi yêu cầu đăng ký dịch vụ. Rosbank sẽ chuyển số tiền đó cho B-crypto để công ty này tiến hành mua tiền mã hoá tại các sàn giao dịch được cấp phép trên toàn cầu. Cuối cùng là thực hiện lệnh gửi tiền mã hoá cho đối tác bán hàng vào ví đã chỉ định.
Cần lưu ý, các công ty nhập khẩu của Nga phải tiến hành quy trình KYC tại Rosbank và B-crypto. Đại diện Rosbank không công bố về mức phí để thực hiện quy trình thanh toán này.
Để làm rõ các ý kiến trái chiều về tính hợp pháp của quy trình mới, ông Andrey Tugarin, đối tác quản lý quỹ của hãng luật GMT Legal cho biết hoạt động của B-crypto hoàn toàn tuân thủ các quy định của luật pháp. “Luật DFA chỉ áp dụng đối với các sàn giao dịch sử dụng các yếu tố cơ sở hạ tầng thông tin của Nga, trong khi dịch vụ này thực hiện các giao dịch mua tiền mã hoá từ các sàn giao dịch ở nước ngoài”, ông dẫn chứng.
Thị trường ngách cho các ngân hàng vừa và nhỏ
Quan hệ thương mại và dịch vụ hỗ trợ hợp đồng xuất nhập khẩu đã trở nên phức tạp hơn, khi một số bên tham gia hoạt động kinh tế ngoại thương buộc phải sử dụng các ví tiền mã hoá bán hợp pháp và thiếu niềm tin để giải quyết các vấn đề. Trong khi đó các ngân hàng luôn có các quy trình kinh doanh chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho tài sản cũng như quản trị rủi ro, bao gồm cả việc chọn đối tác.
Hiện tại, Duma Quốc gia Nga đang xem xét các sửa đổi của luật DFA để cho phép thực hiện các giao dịch với tiền mã hoá trong khuôn khổ chế độ pháp lý thử nghiệm (sanbox), dự kiến sẽ thông qua bằng một tổ chức đặc biệt được uỷ quyền để thành lập. Ông Tugarin, chuyên gia từ hãng luật GMT Legal đánh giá, những sáng kiến này nhằm đảm bảo khả năng giao dịch bằng tiền mã hoá mà không phụ thuộc vào các nhà cung cấp từ nước ngoài, đồng thời đảm bảo sự quản lý nhà nước đối với các hoạt động giao dịch xuyên biên giới. Biện pháp mới được cho sẽ đơn giản hóa của các dịch vụ tương tự như B-crypto.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Nga, việc giao dịch ngoại thương bằng tiền mã hóa là phân khúc thuộc về các ngân hàng nhỏ đối với nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông cho rằng các ngân hàng lớn không nên vội vàng tham gia vào hoạt động này vì tính thanh khoản của tiền mã hoá không đủ để thực hiện các giao dịch thương mại quốc tế của các công ty lớn. Vì vậy nếu khối lượng giao dịch bằng tiền mã hoá bằng hình thức này không đủ lớn, nó sẽ không hấp dẫn với các ngân hàng lớn vì có thể không mang lại lợi nhuận đáng kể.
“Để thực hiện với các giao dịch ngoại thương bằng tiền mã hoá cần phải điều chỉnh cơ sở pháp lý, vì triển khai các dịch vụ liên quan đến tiền mã hoá luôn đi kèm với những rủi ro. Tuy nhiên đây vẫn được xem là hướng đi có triển vọng khi nhu cầu về các dịch vụ như vậy sẽ rất cao, trong khi kỹ thuật không còn là vấn đề khó khăn”, ông Sergey Mikhailov – Giám đốc phòng thương mại và đầu tư của Ngân hàng Absolute nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông Voylukov nghi ngờ về việc các dịch vụ thanh toán xuyên biên giới bằng tiền mã hóa sẽ tạo ra nhu cầu lớn do rủi ro và chi phí cao, khi phải nhiều lần chuyển đổi giữa tiền mã hóa và tiền pháp định. Tuy nhiên trong điều kiện các dịch vụ thanh toán bị hạn chế và không thể thực hiện, phương pháp này được đánh giá là phù hợp và ít để lại dấu vết.
Mặc dù vậy, một đại diện của ngân hàng Zenit nhấn mạnh, họ không thấy sự cần thiết nào để phát triển các dịch vụ như trên cho đến khi một khung pháp lý phù hợp được hình thành trong nước.
PCB Tổng hợp