Với cơ chế phi tập trung, bảo mật cao và minh bạch thông tin, blockchain được xem là cơ hội cho ngành ngân hàng tối ưu các hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế cản trở quá trình này.
Trong khuôn khổ Hội thảo “Cơ hội và thách thức ứng dụng blockchain vào vận hành trong ngành tài chính-ngân hàng” diễn ra ngày 26/10 tại Hà Nội, nhiều đại diện Ngân hàng thương mại đã có những chia sẻ, thảo luận về tiềm năng, cơ hội cũng như thách thức khi ứng dụng blockchain.
Theo bà Vũ Thị Hồng Nhung – Phó Trưởng Phòng Chính sách Bán buôn Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), quá trình tìm hiểu ứng dụng blockchain trong các hoạt động kinh doanh đã diễn ra khá lâu, tuy nhiên Vietcombank vẫn chưa công bố những kết quả đã đạt được do đang trong quá trình nghiên cứu.
Hiện Vietcombank đã kết hợp với ngân hàng HSBC thực hiện các giao dịch thí điểm ứng dụng blockchain trong phát hành LC vào tháng 12/2020, đến tháng 9/2021, đã ban hành chương trình BCB Reward, bên cạnh đó là những nghiên cứu mở rộng ứng dụng blockchain kết hợp với một số công ty Fintech.
Bà Nhung chia sẻ mục tiêu của Ngân hàng này đến giai đoạn 2025-2030 là trở thành Ngân hàng Số đứng số 1 tại Việt Nam, nên việc ứng dụng blockchain hay nhiều công nghệ tiên phong khác vào các hoạt động kinh doanh luôn được quan tâm, đặc biệt trong hoạt động thanh toán.
Những ưu điểm của blockchain như tính phi tập trung, bảo mật cao, minh bạch thông tin đều được các diễn giả tại Hội thảo ghi nhận và đánh giá cao, nhưng đến nay đa số các Ngân hàng thương mại đều chưa thể tích hợp blockchain vào hoạt động thanh toán. Lý giải điều này, bà Nhung chỉ ra một số tồn đọng hạn chế,
Đầu tiên là các bên tham gia giao dịch chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng khi các hoạt động thanh toán có rất nhiều đầu mối như các hãng tàu, các bên mua bán, công ty bảo hiểm, hay các cơ quan nhà nước như Tổng cục hải quan và Bộ Công thương.
Thứ hai là chương trình số hoá, hiện tại Vietcombank vẫn đang thực hiện trên hệ thống back-end, hệ thống nhắn tin Liên ngân hàng SWIFT và chưa thực hiện trên bất kỳ nền tảng blockchain nào vì chương trình số hoá chưa hoàn thiện.
Thứ ba là nhu cầu khách hàng. Hiện nay không chỉ với Vietcombank mà tại nhiều ngân hàng thương mại khác, việc tiếp cận khách hàng có nhu cầu sử dụnh thanh toán trên nền tảng blockchain là rất hiếm, nếu có chỉ xuất phát từ các khách hàng nước ngoài.
Thứ tư là chi phí giao dịch. Khi bắt đầu xây dựng một hệ thống thanh toán mới sẽ đẩy giá dịch vụ lên cao, mặc dù có thể mang đến giải pháp tốt hơn hiện tại tuy nhiên câu hỏi đặt ra là khách hàng có sẵn sàng trả thêm phí không? Hay việc đầu tư hệ thống này có mang lại lợi nhuận không?
Thứ năm là vấn đề tích hợp. Khi ứng dụng blockchain, các ngân hàng sẽ phải tham gia cùng một bên thứ ba. Ví dụ hiện tại tham gia hệ thống ConTour, Vietcombank vẫn chưa đầu tư các node đầy đủ nên chưa thực hiện được các API trên nền tảng đó, khi cần vẫn phải tải về từ hệ thống của bên thứ ba.
Cuối cùng là vấn đề về bộ chứng từ. Hiện quy định về bộ chứng từ điện tử trong các giao dịch thương mại của các quốc gia là khác nhau và chưa thống nhất trong một khuôn khổ nào. Mặc dù có nhưng ưu điểm vượt trội tuy nhiên việc tích hợp blockchain vào hệ thống hiện tại vẫn chưa thể làm được.
Bên cạnh những vấn đề trên, bà Nhung cho rằng việc thiếu hành lang pháp lý và những hướng dẫn từ cơ quan quản lý nước sẽ mang đến nhiều rủi ro như chưa có quy chuẩn về đánh giá độ uy tín của các tổ chức cung cấp dịch vụ thứ ba, hay các tiêu chí xếp hạng để các ngân hàng có thể tham khảo lựa chọn.
Hiện các tổ chức ngân hàng thương mại trên toàn cầu đang sử dụng mạng lưới nhắn tin liên ngân hàng SWIFT cho các giao dịch xuyên biên giới, tuy nhiên mạng lưới blockchain hiện có quá nhiều nhà cung cấp và chưa có tổ chức ngân hàng nào thống nhất sẽ sử dụng chung mạng lưới blockchain nào cho toàn hệ thống.
Mặc dù vậy, bà Nhung đánh giá cao về cơ hội phát triển của công nghệ blockchain, khi nền tảng công nghệ mới này đang nhận được sự quan tâm lớn của các cơ quan Nhà nước. Với việc ra đời của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, bà hi vọng trong thời gian tới các tổ chức cùng phối hợp để khắc phục những hạn chế nêu trên. Đồng thời các Ngân hàng thương mại nên nhìn nhận nghiêm túc và nắm bắt cơ hội với blockchain.