Cựu Tổng thống Mỹ, Donald Trump đề xuất sử dụng Bitcoin để trả khoản nợ công 35.000 tỷ USD, làm dấy lên tranh luận về vai trò của tài sản số trong nền kinh tế.
Trong cuộc phỏng vấn với Fox News vào ngày 17/07, ông Trump, ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa năm 2024, một lần nữa ca ngợi ngành công nghiệp tiền mã hoá. Ông khẳng định nếu Mỹ không đổi mới trong lĩnh vực tài sản số, các quốc gia khác sẽ làm.
Cựu tổng thống sau đó gợi ý về vai trò của Bitcoin trong việc giải quyết khoản nợ công khổng lồ của Mỹ.
“Biết đâu đấy, có thể chúng ta sẽ trả khoản nợ 35.000 tỷ USD của mình, đưa cho họ một tấm séc tiền mã hoá, phải không? Chúng ta sẽ đưa cho họ một ít Bitcoin và xóa sổ khoản nợ 35.000 tỷ USD”, ông Trump nói.
Tuyên bố trên một lần nữa dấy lên làn sóng ủng hộ tiềm năng của Bitcoin, loại tài sản có nguồn cung hạn chế – trong việc hấp thụ lạm phát của đồng USD. Bitcoin nhiều lần được ca ngợi có thể tạo ra một hệ thống tài chính mới, minh bạch và phi tập trung hơn dựa trên công nghệ blockchain.
Bitcoin là giải pháp cho bài toán nợ công?
Trong bối cảnh chính phủ Mỹ tiếp tục phá giá đồng USD bằng cách in thêm tiền để trả các khoản nợ trước đó, giá Bitcoin có thể tiếp tục tăng so với đồng đô la.
Để dễ hình dung, Mỹ trải qua khoảng 200 năm để nợ công vượt mốc 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên ngày nay, cứ khoảng ba tháng, khoản nợ quốc gia của Mỹ lại tăng thêm 1.000 tỷ USD do chi tiêu thâm hụt.
Theo số liệu thống kê, trong tháng 6, khoảng 76% tổng thu từ thuế thu nhập đã được dùng để trả lãi cho khoản nợ trên, biến chi trả lãi suất trở thành một trong những gánh nặng lớn nhất trong ngân sách liên bang Mỹ.
Do đó Bitcoin được cho có thể giải quyết vấn đề này, bằng cách chuyển giá trị từ hệ thống USD hiện tại sang tài sản số có nguồn cung hạn chế, ngăn chặn sự sụp đổ hoàn toàn của đồng tiền.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ứng cử viên tổng thống Robert F. Kennedy Jr. cho rằng việc thiết lập dự trữ Bitcoin có thể giúp chính phủ trả nợ công khi giá trị của loại tài sản này sẽ tiếp tục tăng.
Bên cạnh đó, Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis gần đây cũng đã đề xuất dự luật thiết lập dự trữ Bitcoin chiến lược tại Mỹ. Mục tiêu là chống lại tác động tiêu cực của việc in tiền ồ ạt và duy trì vị thế thống trị của đồng USD trên thị trường tài chính toàn cầu.
Thượng nghị sĩ bang Wyoming còn gây chú ý, khi đặt mục tiêu cho Bộ Tài chính Mỹ mua lại 5% tổng nguồn cung Bitcoin và nắm giữ loại tài sản này trong ít nhất 20 năm, như một biện pháp đối phó với sự mất giá tiền tệ do chính sách tài khóa yếu kém.
Tuy nhiên, mọi đề xuất sẽ cần phải cân nhắc và đánh giá kỹ lưỡng, bởi Bitcoin vẫn là một tài sản biến động mạnh. Việc sử dụng Bitcoin để trả nợ công là một ý tưởng táo bạo, mới mẻ nhưng cũng sẽ đi kèm nhiều rủi ro tiềm ẩn.