Mỗi sản phẩm được tạo ra trên các nền tảng blockchain khác nhau là riêng biệt, nơi người dùng chỉ có thể sử dụng và tương tác ở một nền tảng duy nhất. Khi nhu cầu sản phẩm càng tăng, việc triển khai multichain phần nào giải quyết được bài toán mở rộng tương tác sử dụng, giúp các sản phẩm tiếp cận đến nhiều người dùng hơn.
Vậy multichain là gì? Điều gì khiến multichain trở nên cần thiết. Hãy cùng Phổ cập Blockchain tìm hiểu về multichain
Multichain là gì?
Multichain một thuật ngữ mang nghĩa “đa chuỗi, đa nền tảng”. Cụ thể hơn trong thị trường tiền mã hoá, nếu một dự án nào đó được triển khai trên multichain đồng nghĩa với việc dự án đó đang được triển khai trên ít nhất hai chuỗi, đó có thể là Ethereum, Binance Smart Chain, Solana, Polkadot, Avalanche hoặc các blockchain khác.
Trong bối cảnh hiện nay, trong cùng một lĩnh vực là AMM DEX, trên mỗi nền tảng đều có những cái tên nổi bật như trên Ethereum có Uniswap, trên BNB Chain có Pancake Swap, hay Quickswap trên Polygon.
Tuy nhiên điểm hạn chế của mỗi dự án đều đang hoạt động độc lập và chưa tiếp cận được lượng người dùng lớn từ những hệ sinh thái khác. Do đó triển khai multichain là một lựa chọn khá tối ưu.
Ưu, nhược điểm của multichain
Ưu điểm
Ưu điểm chính của multichain là biến những blockchain riêng lẻ phức tạp, phân mảnh hiện nay thành một tập hợp các chuỗi có khả năng hoạt động liền mạch, không bị gián đoạn. Quá trình sẽ trở nên liền mạch đến mức người dùng thậm chí không thể biết họ đang hoạt động trên chuỗi nào.
Bên cạnh đó việc triển khai multichain còn giải quyết được bài toán mở rộng bằng cách tiếp cận lượng người dùng mới ở các hệ sinh thái khác nhau, cũng như khắc phục được khuyết điểm của chuỗi chính như tắc nghẽn, thông lượng thấp, phí cao… và tận dụng ưu điểm của các chuỗi khác như phí giao dịch rẻ, tốc độ nhanh,…
Khi một sản phẩm triển khai multichain còn gia tăng độ phổ biến của dự án trên nhiều hệ sinh thái khác nhau, giảm thiểu rủi ro cho chính dự án. Nếu có một nền tảng nào đó gặp sự cố thì dự án cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Thêm nữa, người dùng ở các hệ sinh thái có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ trên mạng lưới. Họ không bị bó buộc với các ứng dụng trên 1 blockchain duy nhất, đặc biệt là với những blockchain nhỏ có nhiều lĩnh vực chưa được triển khai.
Tuy nhiên, đối với công nghệ, đi kèm ưu điểm sẽ luôn tồn tại nhiều hạn chế của chính nó.
Nhược điểm
Về cơ bản, việc triển khai multichain vốn không phải dễ dàng. Các dự án sẽ phải dành nhiều thời gian nghiên cứu và điều chỉnh khi muốn triển khai trên 1 hệ sinh thái mới bởi mỗi hệ sinh thái sẽ có những đặc trưng khác nhau (ví dụ như ngôn ngữ lập trình, bộ công cụ hỗ trợ,…).
Các vấn đề như quản lý, duy trì hoạt động để các hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ, đồng đều và liền mạch là một khó khăn.
Multichain hiện chỉ ở những bước phát triển ban đầu, do đó, vẫn còn nhiều ý kiến quan ngại đối với mô hình công nghệ này.
Vấn đề bảo mật của multichain cũng vẫn còn nhiều tranh cãi. Có thể nói multichain hiện chưa đủ bảo mật, chưa đủ an toàn, chưa đủ nhanh,… để đáp ứng được nhu cầu phi tập trung của toàn ngành bởi blockchain vẫn còn là một lĩnh vực mới, cần nhiều thời gian nghiên cứu và phát triển.