Quy định MiCA chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của ngành tiền mã hóa tại châu Âu, mặc dù lo ngại về sự thắt chặt quản lý vẫn còn tồn tại.
Ngày 30/12, Quy định Thị trường về Tài sản Tiền mã hóa (MiCA) của Liên minh châu Âu – khung pháp lý toàn diện đầu tiên trên thế giới dành riêng cho ngành tiền mã hóa – đã chính thức áp dụng đối với các nhà cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa. Theo các chuyên gia, dù một số ý kiến bày tỏ quan ngại về khả năng quản lý quá mức trong giai đoạn đầu triển khai, MiCA vẫn được đánh giá là động lực tích cực cho sự tăng trưởng dài hạn của thị trường.
Ông Dmitrij Radin, nhà sáng lập Zekret kiêm Giám đốc Công nghệ của Fideum, nhận định rằng quy định này sẽ giúp thị trường trưởng thành hơn, từ đó thu hút thêm nguồn vốn đầu tư và mở rộng tệp người dùng.
Song song với những triển vọng, MiCA cũng mang lại các yêu cầu quản lý chặt chẽ hơn, đặc biệt đối với nhà đầu tư bán lẻ. Người dùng sẽ phải cung cấp nhiều thông tin cá nhân và tài chính hơn để đáp ứng yêu cầu tuân thủ pháp lý, đồng thời có nguy cơ đối mặt với các loại thuế liên quan đến tài sản mã hóa.
Hơn nữa, quy định này cho phép các chính phủ châu Âu khởi kiện các nền tảng vi phạm. Ông Radin cho rằng một trong những mục tiêu trọng tâm của MiCA là xác định và khắc phục các điểm yếu trong kiểm soát của thị trường tiền mã hóa, điều này đồng nghĩa với việc giám sát chặt chẽ hơn đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Bất chấp những thách thức ban đầu, các tổ chức tài chính lớn đang nhanh chóng điều chỉnh để phù hợp với MiCA. Société Générale, một trong những tập đoàn ngân hàng lớn nhất thế giới, đã hợp tác với Bitpanda để phát hành stablecoin EUR CoinVertible (EURCV), được neo giá bằng euro và tuân thủ các tiêu chuẩn của MiCA.
Đồng thời, công ty thanh toán tiền mã hóa MoonPay đã nhận được phê duyệt MiCA tại Hà Lan đúng vào ngày 30/12, thể hiện sự chuẩn bị chủ động của các doanh nghiệp trong việc thích ứng với môi trường pháp lý mới.