Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 21/3, đã thông qua Nghị quyết AI toàn cầu do Mỹ bảo trợ, nhằm định hình lại cách thế giới tiếp cận và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Với sự ủng hộ của hơn 120 quốc gia, Nghị quyết không chỉ làm rõ yêu cầu về một hệ thống AI an toàn, bảo mật và đáng tin cậy mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng phải bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong kỷ nguyên số.
Theo đó, Nghị quyết kêu gọi một hành động toàn cầu để đảm bảo các công nghệ AI tuân thủ luật pháp quốc tế về quyền con người, đồng thời góp phần hiện thực hoá 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Đặc biệt, Nghị quyết đề cao nguyên tắc “các quyền trực tuyến tương đương với các quyền ngoại tuyến”, khẳng định cam kết bảo vệ quyền lợi của người dùng trong không gian số.
Đây là lần đầu Liên Hợp Quốc thông qua một Nghị quyết điều chỉnh lĩnh vực công nghệ mới này. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, ông Jack Sullivan đã mô tả sự kiện như một “bước tiến lịch sử” trong việc phát triển và sử dụng AI một cách an toàn.
Ngoài ra, Bà Linda Thomas-Greenfield, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cũng nhấn mạnh, cần phải tạo dựng một khung pháp lý toàn cầu cho AI, coi đây là bước đệm để định hình các cuộc thảo luận về AI trong tương lai, từ hoà bình, an ninh đến phát triển bền vững.
Giữa bối cảnh ngành công nghệ phát triển với tốc độ chóng mặt, Nghị quyết còn kêu gọi mạnh mẽ trong hợp tác quốc tế, đặc biệt là hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển, giúp họ tiếp cận và tận dụng được những lợi ích từ AI, cũng như giảm bớt khoảng cách kỹ thuật số giữa các dân tộc.
Bằng cách này, Liên Hợp Quốc sẽ đặt ra các chuẩn mực mới về hoạt động phát triển và triển khai AI, khẳng định vai trò của mình như một diễn đàn toàn cầu trong việc xây dựng sự đồng thuận quốc tế về các vấn đề quan trọng.
Những nỗ lực pháp lý gần đây
Nghị viện Châu Âu đã chính thức thông qua Đạo luật AI hôm 13/3, đánh dấu bước tiến lớn trong việc thiết lập các tiêu chuẩn quản trị sử dụng AI trên toàn Liên minh. Sự kiện này phản ánh cam kết mạnh mẽ của châu Âu đảm bảo các ứng dụng AI tuân thủ nguyên tắc đạo đức và pháp lý.
Ngay sau đó, ngày 14/3, Ủy ban Châu Âu đã mở cuộc điều tra mới dựa trên Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số, nhắm vào các công ty công nghệ trực tuyến lớn đang sử dụng AI. Mục đích nhằm đánh giá mức độ tuân thủ của các doanh nghiệp đối với các quy định hiện hành, và đảm bảo họ không lạm dụng AI để xâm phạm quyền lợi người dùng.
Trong khi đó, bên kia Đại Tây Dương chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã ban hành lệnh hành pháp vào tháng 10/2023, nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến an toàn và bảo mật trong phát triển và sử dụng AI ở Mỹ. Sắc lệnh nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo ra một khuôn khổ quản lý rõ ràng để hỗ trợ phát triển an toàn và có trách nhiệm của AI.
Tại châu Á, Ấn Độ cũng không đứng ngoài cuộc đua. Trước cuộc bầu cử quốc gia sắp diễn ra, nước này đã ban hành các yêu cầu cụ thể về tuân thủ AI vào đầu tháng 3, đảm bảo công nghệ được sử dụng có trách nhiệm và góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Những diễn biến trên cho thấy xu hướng thiết lập quy định pháp lý cho AI trên toàn cầu đang được định hình, với mục đích chính là bảo vệ người dùng, thúc đẩy một tương lai công nghệ an toàn, bảo mật và đáng tin cậy.