Ngày 22/5, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật mang tính bước ngoặt, nhằm thiết lập khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho thị trường tiền mã hoá.
Với 279 phiếu thuận và 136 phiếu chống, Dự luật Đổi mới Tài chính và Công nghệ cho Thế kỷ 21 (FIT21 – H.R.4763) đã nhận được sự ủng hộ từ cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa. Cụ thể, 71 nghị sĩ Đảng Dân chủ đã cùng 208 nghị sĩ Đảng Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ dự luật.
FIT21, nếu được Thượng viện thông qua và Tổng thống ký ban hành, sẽ trao thêm quyền lực và ngân sách cho Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) để giám sát thị trường tiền mã hoá giao ngay và “hàng hóa kỹ thuật số”, đặc biệt là Bitcoin.
Dự luật cũng tạo ra quy trình cho phép giao dịch thứ cấp các loại hàng hóa kỹ thuật số nếu chúng “ban đầu được chào bán như một phần của hợp đồng đầu tư”. Các quy định về stablecoin và chống rửa tiền cũng được đề cập trong dự luật.
Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, Hạ nghị sĩ Patrick McHenry cho biết: “Thật không may, khuôn khổ pháp lý hiện tại của chúng ta đang cản trở sự đổi mới của tài sản số phát huy hết tiềm năng. SEC và CFTC hiện đang tranh giành quyền kiểm soát các loại tài sản này.”
Tuy nhiên, dự luật cũng vấp phải sự phản đối từ một số nghị sĩ Đảng Dân chủ. Hạ nghị sĩ Maxine Waters cho rằng FIT21 sẽ đẩy tiền mã hóa vào “vùng đất không luật lệ”, tạo điều kiện cho các công ty tài chính truyền thống hoạt động mà không bị SEC giám sát.
Bà Waters nhận định: “Đây có lẽ là đề xuất tồi tệ và nguy hiểm nhất mà tôi từng thấy trong một thời gian dài. Dự luật này sẽ bãi bỏ quy định đối với tiền mã hóa và một số chứng khoán truyền thống đến mức tôi và các chuyên gia khác lo ngại nghiêm trọng rằng nó có thể gây ra khủng hoảng thị trường và suy thoái.”
Dự kiến, Hạ viện sẽ tiếp tục thảo luận và bỏ phiếu về Dự luật Ngăn chặn Giám sát Nhà nước đối với Tiền số của Ngân hàng Trung ương (H.R. 5403), nhằm không cho Cục Dự trữ Liên bang phát hành đồng đô la kỹ thuật số thông qua các trung gian.
Động thái của Hạ viện diễn ra trong bối cảnh SEC đang xem xét đơn đăng ký ETF Ethereum giao ngay và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 đang đến gần, trong khi tiền mã hoá đang là chủ đề được nhiều cử tri quan tâm. Đặc biệt vừa hôm qua, Cựu Tổng thống Donald Trump đã trở thành ứng cử viên Tổng thống Mỹ đầu tiên chấp nhận quyên góp bằng tiền mã hoá cho chiến dịch tái tranh cử của mình.