Một nghiên cứu mới nhận định các khoản thanh toán thông qua tiền số của ngân hàng trung ương (CBDC) dự kiến đạt 213 tỷ USD hàng năm vào năm 2030. Trong đó 92% giao dịch CBDC sẽ dùng để thanh toán nội địa.
Theo báo cáo của Juniper Research về tiền số của ngân hàng trung ương (CBDC), giá trị thanh toán thông qua CBDC hằng năm sẽ tăng từ 100 triệu USD (năm 2023) lên 213 tỷ USD vào năm 2030. Mức tăng trưởng hơn 260.000% này cho thấy những ứng dụng của CBDC đang ở giai đoạn đầu và giới hạn ở các dự án thí điểm.
Báo cáo cho thấy quá trình áp dụng sẽ gia tăng khi các chính phủ tận dụng CBDC để thúc đẩy tài chính toàn diện và tăng cường kiểm soát đối với hình thức thanh toán kỹ thuật số. CBDC sẽ cải thiện khả năng tiếp cận thanh toán kỹ thuật số, đặc biệt ở các nền kinh tế mới nổi – nơi sử dụng nền tảng di động thường cao hơn việc sử dụng các nền tảng ngân hàng.
Báo cáo chỉ ra một số CBDC hiện tại sẽ chủ yếu tập trung giải quyết các thách thức thanh toán nội địa do các ngân hàng trung ương phát hành, các khoản thanh toán xuyên biên giới sẽ được triển khai trong tương lai khi các hệ thống cơ sở hạ tầng được thiết lập và các liên kết được tạo ra giữa các CBDC của từng quốc gia.
Tác giả của báo cáo, ông Nick Maynard lưu ý: “Mặc dù các khoản thanh toán xuyên biên giới hiện có chi phí cao và tốc độ giao dịch chậm, nhưng đây không phải là trọng tâm của việc phát triển CBDC, do quá trình áp dụng CBDC sẽ cụ thể theo từng quốc gia dẫn đến các mạng thanh toán xuyên biên giới sẽ phải liên kết với nhau nhằm cho phép ngành thanh toán rộng hơn được hưởng lợi từ CBDC”.
Báo cáo cũng cho rằng thị trường tài chính hiện tại vẫn còn nhiều hạn chế do chưa phát triển được các sản phẩm thương mại cho CBDC, ngoài ra có rất ít nền tảng được xác định rõ ràng để các ngân hàng trung ương sử dụng.
Theo công cụ theo dõi tiền số của ngân hàng trung ương Atlantic Council’s, hiện có 114 quốc gia, chiếm hơn 95% GDP toàn cầu đang khám phá CBDC và 11 quốc gia đã ra mắt chính thức.
PCB Tổng hợp