Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã cùng phối hợp trong một cuộc điều tra nhằm triệt phá mạng lưới thao túng thị trường tiền mã hóa, đặc biệt là các loại memecoin, theo thông cáo báo chí từ cả 3 cơ quan vào ngày 9/10.
DOJ thông tin rằng vụ án liên quan đến 18 cá nhân và tổ chức, với hơn 25 triệu USD tài sản tiền mã hóa bị thu giữ. Cuộc điều tra với tên gọi Operation Token Mirrors, do FBI khởi xướng bằng cách tạo ra một dự án tiền mã hóa giả mang tên NexFundAI, cùng token trên nền tảng Ethereum nhằm thâm nhập vào mạng lưới gian lận.
Động thái trên không chỉ thể hiện tính nghiêm trọng của vụ án mà còn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc giám sát thị trường tài sản số, nơi các hành vi gian lận đang ngày càng trở nên phức tạp và khó phát hiện.
Phương thức ‘bơm giá và xả hàng’ – Pump and Dump
FBI cho biết, các dự án tiền mã hóa như Saitama đã thực hiện các giao dịch giả (wash trading) nhằm tạo ra khối lượng giao dịch lớn, từ đó khiến giá trị token tăng cao một cách giả tạo. Hành động này không chỉ đơn thuần là thao túng khối lượng giao dịch mà còn phục vụ cho một chiến lược tinh vi hơn, được gọi là “bơm giá và xả hàng” (pump and dump).
Chiến lược trên bao gồm việc quảng bá sự gia tăng giá trị của token, khiến nhà đầu tư tin rằng họ đang đầu tư vào một tài sản có tiềm năng tăng trưởng mạnh, trong khi thực tế các giao dịch giả này không có giá trị kinh tế thực. Khi giá token đạt đến mức cao giả tạo, các nhà tạo lập sẽ nhanh chóng bán ra (xả hàng) để thu lợi nhuận, để lại những nhà đầu tư nhỏ lẻ phải chịu thiệt hại khi giá trị token giảm.
Tại thời điểm đỉnh cao, Saitama từng có vốn hóa thị trường lên tới 7,5 tỷ USD. Tuy nhiên, phần lớn giá trị này là kết quả của các giao dịch được thực hiện bởi bot giao dịch tự động – công cụ mà các nhà tạo lập như ZM Quant, CLS Global, MyTrade hay Gotbit đã sử dụng để thao túng giá. Các bot này có khả năng thực hiện hàng triệu giao dịch mỗi ngày, tạo ra một bức tranh ảo về tính thanh khoản và khối lượng giao dịch của token.
Theo FBI, ZM Quant, CLS Global và một công ty khác là MyTrade đã bị cáo buộc tham gia vào việc thao túng token giả trong cuộc điều tra. Đây cũng là lần đầu tiên FBI sử dụng phương thức tạo dự án và token giả để phát hiện và triệt phá các hành vi thao túng trong lĩnh vực tiền mã hóa.
Hiện Gotbit Consulting và giám đốc tiếp thị Fedor Kedrov đang bị SEC cáo buộc thao túng thị trường thông qua các giao dịch giả, nhằm hỗ trợ cho những cá nhân thực hiện công việc quảng bá các đồng tiền mã hoá như Saitama và Robo Inu.
Vy Phạm, công dân Việt Nam sống tại California, đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá các dự án tiền mã hóa trên. Cô bị SEC buộc tội chào bán chứng khoán chưa đăng ký, gian lận trong việc chào bán và thao túng thị trường. Tương tự, Nam Trần, một công dân Việt Nam khác cũng bị SEC cáo buộc thao túng thị trường và tham gia vào các giao dịch giả nhằm tạo ra sự quan tâm giả cho các đồng tiền này.
SEC đánh giá những hành vi trên không chỉ lừa đảo các nhà đầu tư nhỏ lẻ mà còn nguy cơ lớn làm xói mòn lòng tin của các nhà đầu tư vào thị trường tiền mã hóa.
Vai trò của các nhà tạo lập thị trường – ‘market makers’
Đặc biệt, các công ty tạo lập thị trường như ZM Quant, CLS Global, MyTrade và Gotbit đóng vai trò quan trọng trong việc thao túng thị trường tiền mã hóa thông qua các giao dịch giả. Theo tài liệu của SEC, những công ty này đã sử dụng bot giao dịch để thao túng thị trường, tạo ra khối lượng giao dịch giả mạo nhằm thổi phồng giá trị của khoảng 60 token khác nhau.
ZM Quant đã quảng cáo khả năng thực hiện từ 10 đến 20 giao dịch mỗi phút thông qua bot, nhằm tăng giá trị token một cách giả tạo. CLS Global cũng bị cáo buộc sử dụng các thuật toán giao dịch tự động để tạo ra các giao dịch giả, làm cho hoạt động mua bán token trông có vẻ “sôi động,” mặc dù thực tế có thể không có giao dịch thực sự từ người dùng.
MyTrade có một chút khác biệt khi đã cung cấp cho các khách hàng một bảng điều khiển trên trang web của mình, qua đó các khách hàng có thể chỉ định số lượng giao dịch giả mỗi ngày. MyTrade không chỉ tập trung vào việc tạo ra giao dịch giả mà còn giúp khách hàng tối ưu hóa các giao dịch để né tránh sự phát hiện của các cơ quan giám sát. Công ty này quảng cáo dịch vụ của mình như một giải pháp “hỗ trợ khối lượng giao dịch”, cho phép thực hiện hàng triệu giao dịch giả mỗi ngày.
DOJ, với vai trò truy tố hình sự đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng bất kỳ hành vi gian lận nào cũng sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Joshua Levy, quyền công tố viên Mỹ tại Boston, tuyên bố: “Dù tiền mã hóa có là công nghệ mới mẻ, nếu sử dụng nó để lừa đảo nhà đầu tư, đó vẫn là gian lận.” Tuyên bố không chỉ là cảnh báo đối với các kẻ lừa đảo mà còn khẳng định vai trò quan trọng của các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo tính minh bạch và ổn định lâu dài của thị trường tiền mã hóa.
Trong khi Fedor Kedrov và Qawi Jalili đã bị buộc tội liên quan đến thao túng thị trường, Aleksei Andriunin, CEO của Gotbit cũng đã bị bắt tại Bồ Đào Nha vào ngày 8/10 và đang chờ dẫn độ về Mỹ. Họ có thể phải đối mặt với mức án lên đến 20 năm tù, cùng với khoản phạt 5 triệu USD và yêu cầu bồi hoàn thiệt hại cho các nhà đầu tư, theo DOJ.
Tác động lâu dài đến thị trường
Cuộc điều tra đồng thời từ FBI, DOJ và SEC không chỉ là dấu hiệu chỉ ra sự nghiêm trọng của vụ án mà còn cho thấy bước tiến mới trong việc quản lý và giám sát thị trường tài sản số.
Theo FBI, chiến dịch Operation Token Mirrors đã giúp phát hiện và truy tố các đối tượng tham gia vào hoạt động thao túng thị trường tiền mã hóa một cách tinh vi. Ngoài ra, SEC cũng đánh giá vụ án đã minh chứng cho sự cần thiết phải áp dụng các quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ nhà đầu tư và duy trì tính minh bạch trên thị trường, đặc biệt trong bối cảnh khung pháp lý tại Mỹ còn khá phân mảnh.
Việc các cơ quan liên quan đồng loạt vào cuộc có thể dẫn đến các biện pháp giám sát chặt chẽ hơn đối với các công ty kinh doanh trong lĩnh vực tiền mã hoá trong tương lai. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng sẽ phải cẩn trọng hơn khi tham gia vào thị trường, bởi những rủi ro từ các hành vi thao túng vẫn luôn tiềm ẩn.
Trước đó, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật quản lý thị trường tiền mã hoá, bất chấp cảnh báo xuất hiện những rủi ro tài chính mới từ SEC. Luật công nghệ và đổi mới tài chính cho thế kỷ 21 – FIT 21, đã được Hạ viện Mỹ thông qua với tỷ lệ ủng hộ 279 – 136 trong cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng vào ngày 22/5, với kỳ vọng thay đổi toàn diện hành làng pháp lý tiền mã hoá tại thị trường Mỹ.