Bitcoin (BTC) là đồng tiền điện tử có mức vốn hóa lớn nhất trên thị trường tiền số hiện nay. Ngoài kênh đầu tư đầu tiên phổ biến là giao dịch mua bán dựa trên chênh lệch giá, rất nhiều người làm giàu bằng cách đào Bitcoin.
Đào coin là gì?
Đào coin hay còn gọi là khai thác tiền điện tử, là một thuật ngữ dùng để diễn tả hoạt động khai thác đồng tiền kỹ thuật số mới bằng cách giải quyết các thuật toán cho phép liên kết các khối giao dịch (blockchain) lại với nhau. Phần thưởng được trả cho công việc này là một số tiền điện tử và chúng được gọi là “phần thưởng khối” (Block Reward).
Cũng giống như khai thác vàng, đào coin cần có “thợ đào” (miner). Các thợ đào coin dựa trên nền tảng hệ thống máy tính kỹ thuật số, sự thông minh, thành thạo thuật toán và kiên trì để tìm được “vàng kỹ thuật số”.
Ví dụ: Trên hệ thống blockchain của Bitcoin, thợ đào sẽ xác nhận thông tin giao dịch gửi, nhận giữa các người dùng với nhau gồm: Số lượng BTC, thời gian gửi nhận, địa chỉ đến, địa chỉ đi,… Sau khi xác nhận hoàn thành, các thông tin này sẽ được đưa vào trong một khối. Khi khối đó đầy, thì khối mới sẽ được tạo ra.
Loại tiền điện tử phổ biến nhất và được khai thác sớm nhất là Bitcoin.
Mục đích của việc đào coin
Để trả lời câu hỏi này, mình nhắc lại một chút về cách hoạt động của blockchain:
- Một hệ thống blockchain gồm có các giao dịch được thực hiện và ghi lại các thông tin vào từng khối của blockchain.
- Để có thể ghi lại các thông tin giao dịch lên block, thì blockchain đó cần có cơ chế đồng thuận chung.
- Một số blockchain sử dụng cơ chế đồng thuận là Proof of Work. Tức là những người tham gia cần phải thực hiện một công việc nhất định trên mạng lưới rồi mới được phép ghi lại thông tin đó vào block. Các công việc này thường là giải một thuật toán trên máy tính. Những người thực hiện việc giải thuật toán này gọi là miner. Công việc đó gọi là mining hay đào coin.
Như vậy, mục đích của đào coin mang ý nghĩa quan trọng, tham gia trực tiếp vào công việc vận hành của cả một blockchain. Không có các miner, hệ thống blockchain sẽ không vận hành được.
Đào coin có bị cấm không?
Câu trả lời này còn tùy vào quốc gia mà bạn đang sinh sống. Nhưng hiện tại vẫn chưa có pháp lý cụ thể về việc đào coin tại Việt Nam, nên có thể nói là không bị cấm.
Tuy nhiên, điều này cũng sẽ đồng nghĩa với việc nếu anh em bị lừa đảo trong quá trình đầu tư hoặc đào coin, thì nhà nước Việt Nam cũng sẽ không đảm bảo hay chịu trách nhiệm với bạn!
04 điều cần biết trước khi đào coin
Dưới đây là một số đặc điểm anh em cần nắm trước khi tham gia đào coin:
- Các blockchain sử dụng cơ chế đồng thuận Proof of Work (PoW) đều cần đào coin.
- Những người sử dụng sức mạnh máy tính của họ gọi là miner (thợ đào).
- Hashrate (hàm băm) là đơn vị thể hiện khả năng giải các thuật toán của thiết bị đào coin đó. Hashrate càng cao thì khả năng giải thuật toàn càng nhanh, coin đào ra càng nhiều.
- Một số máy đào chỉ tối ưu đào được một (vài) loại coin.
Quy trình đào coin cơ bản
Sau đây là 4 bước trong một quy trình đào coin:
Bước 1: Tạo Ví lưu trữ
Trước khi khai thác tiền điện tử, bạn cần tạo không gian lưu trữ chúng. Hiện nay, có 2 cách lưu trữ tiền điện tử chính:
- Ví lạnh: Lưu trữ bằng các thiết bị phần cứng.
- Ví nóng (hay ví điện tử): Lưu trữ trong môi trường kỹ thuật số.
Thông thường, các thợ đào sẽ tạo ví lạnh vì khả năng lưu trữ số lượng lớn coin với mức độ bảo mật cao.
Bước 2: Chọn cách thức đào
Đào coin miễn phí bằng điện thoại
Nếu bạn có ý tưởng khai thác coin từ điện thoại của mình thì xin chúc mừng, chúng hoàn toàn có thể thông qua các phần mềm, app đào coin. Tuy nhiên các app này chủ yếu là đào Bitcoin với Ethereum mà thôi.
Cách này phù hợp với những bạn chưa có vốn và kinh nghiệm, mới bắt đầu tham gia vào đội ngũ “thợ đào”, còn đang bỡ ngỡ không biết bắt đầu từ đâu hoặc chỉ đơn giản là muốn trải nghiệm.
Đào coin bằng máy đào (Hardware Mining)
Nếu bạn yêu thích việc đầu tư dài hạn, có vốn lớn và có kiến thức am hiểu về phần cứng máy tính, bạn có thể chọn đào coin bằng hình thức này. Dưới đây là các chi phí cơ bản nhất đối với các bạn mua máy và tự đào coin:
- Chi phí mua phần cứng máy đào coin
- Các chi phí vận hành: Tiền điện chạy máy đào coin, Tiền thuê nhân công, Tiền nâng cấp phần cứng (nếu hoạt động trong thời gian dài). Trong đó, tiền điện là chiếm phần chi phí lớn nhất khi vận hành. Các bạn nếu muốn tiết kiệm chi phí này thì nên tìm nguồn điện chuyên dành cho sản xuất.
Giờ lấy ví dụ trung bình 1 chiếc máy tính dùng để đào coin mà có hiệu quả thì sẽ có giá tầm $1,400. Nếu bạn gắn thêm 5 card đồ họa vào nữa thì giá của nó sẽ thành $4,400 (khoản 102 triệu VNĐ).
Khi chạy full một tháng bằng hệ thống 6 GPU này, bạn sẽ đào được tầm 0.348 ETH/tháng, khoảng $550 (~ 12.7 triệu VND). Thường thì các hệ thống đào sẽ có rất nhiều máy như thế này để kiếm ra nhiều tiền hơn cho chủ nhân của chúng, nhưng cũng có những người chỉ chơi 1 máy đào mà thôi.
Sử dụng các dịch vụ Cloud Mining
Trong hoạt động này sẽ có hai bên:
- Nhà cung cấp dịch vụ mining: Họ sẽ cung cấp máy đào hoặc bán hashrate từ xa cho người mua. Một số bên đang cung cấp dịch vụ này: Minergate, Hashing 24, Hashflare, Genesis Mining.
- Người sử dụng dịch vụ (nhà đầu tư): Họ là những nhà đầu tư. Những người dùng này bỏ tiền để thuê/mua từ xa các máy đào này/hashrate này. Và họ sẽ nhận về phần coin tương ứng theo hợp đồng.
Đây được xem như một giải pháp thay thế và khiến cho việc tham gia khai thác trở nên dễ dàng, cần ít vốn cũng như linh hoạt hơn phương pháp sử dụng phần cứng truyền thống (Hardware Mining).
Khá dễ dàng để bắt đầu tham gia vào Cloud Mining. Tất cả những gì bạn cần làm là mở tài khoản với một trong những công ty khai thác trên nền tảng đám mây này. Bạn trả tiền cho công ty và thuê một số phần cứng của công ty đó.
Dựa trên số hashpower thuê được, bạn sẽ kiếm được lợi nhuận theo tỷ lệ đã thỏa thuận trên hợp đồng. Hashpower và thời hạn hợp đồng của bạn càng cao, chi phí khai thác sẽ càng cao.
Điều này là do khi hashpower càng cao, điện năng tiêu thụ trong quá trình khai thác càng cao. Các hợp đồng khai thác đám mây thường nằm trong khoảng từ 6 – 36 tháng. Một số nền tảng thậm chí có thể cung cấp thời gian hợp đồng dài hơn hoặc ngắn hơn.
Bước 3: Cài đặt và sử dụng phần mềm đào coin
Phần mềm đào tiền điện tử sẽ giúp giám sát đầu vào và đầu ra của mỏ hoặc của máy khai thác cùng với các số liệu thống kê như: tốc độ đào, tỷ lệ băm (hash-rate), tốc độ quạt và nhiệt độ.
Nếu đào trên nền tảng đám mây thì bạn không cần cài đặt phần mềm.
Bước 4: Tìm một sàn giao dịch coin
Sau khi khai thác được tiền điện tử, bạn cần phải bán chúng để chi trả chi phí đầu tư và chốt lời.
Bạn cần tìm những sàn giao dịch uy tín để bảo vệ hoạt động giao dịch mua bán. Đồng thời sàn giao dịch phải có khối lượng mua bán hàng ngày lớn để tiết kiệm thời gian mua bán của bạn.
Các thuật ngữ liên quan
ASIC: ASIC là một vi mạch được tích hợp cho một ứng dụng cụ thể. Trong lĩnh vực tiền điện tử, ASIC là một con chip với sức mạnh giải mã vô cùng hiệu quả so với CPU và GPU, giúp tăng tốc độ đào coin cho các máy đào.
Block reward: Block reward là phần thưởng khối. Với cơ chế Proof of Work, các máy đào phải cạnh tranh để có thể giải các bài toán phực tạp nhằm xác minh một khối. Thợ đào nào giải được trước sẽ có quyền tạo khối và nhận được phần thưởng cho việc tạo khối đó.
Block time: Block time là thời gian một thợ đào cần có để hoàn thành xác minh một khối.
Ví dụ với Bitcoin, block time trung bình là 10 phút/block còn Dash là khoảng 2,5 phút/block. Trong trường hợp các máy đào hoàn thành xác thực khối sớm hơn thời gian trung bình thì độ khó khi xác minh khối sẽ tăng lên và ngược lại.
Hash rate/Hashpower: Hashrate/Hashpower hay còn gọi là tỷ lệ băm, là đơn vị đo lường khả năng giải thuật toán của các thiết bị đào coin. Nói đơn giản hơn, nó là đơn vị đo lường tốc độ hoạt động của một máy đào coin. Hash là đầu ra của một hàm băm. Do việc đào coin bao gồm phải giải các thuật toán để xác nhận giao dịch, do đó các thợ đào cần phải có máy đào đủ khỏe để tìm ra hash trong thời gian ngắn nhất.
Miner: Người vận hành các máy đào coin để kiếm lợi nhuận bằng việc cung cấp năng lực tính toán để thực hiện việc xác thực các giao dịch cho mạng lưới tiền kỹ thuật số.
Mining pool: Mining Pool là một nhóm các thợ đào (miner) cùng đóng góp sức mạnh tính toán để khai thác coin để tăng cơ hội được chọn xác minh một block và nhận phần thưởng khối.
SHA: SHA hay thuật toán băm an toàn, là thuật toán được chấp nhận bởi FIPS dùng để chuyển một đoạn dữ liệu nhất định thành một đoạn dữ liệu có chiều dài không đổi với xác suất khác biệt cao. Nó có nhiều phiên bản như SHA-1, SHA-2, SHA-3.
X11: Tương tự SHA, X11 cũng là một thuật toán băm dùng cho Dash. Thuật toán X11 sử dụng 11 thuật toán băm kết nối với nhau, đầu ra của hàm băm với thuật toán này lại được làm đầu vào cho hàm băm của thuật toán kia. Đây là cách làm tăng độ khó cho việc đào coin và đảm bảo an toàn cho các giao dịch.
PCB Tổng hợp