Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis thúc đẩy Đạo luật BITCOIN, đề xuất mua Bitcoin làm tài sản dự trữ quốc gia, nhằm giải quyết nợ công và duy trì vị thế đồng USD.
Giữa bối cảnh lo ngại về nợ công tăng cao và sự suy yếu tiềm tàng của đồng USD, Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis (Cộng hòa – Wyoming) đang thúc đẩy một dự luật táo bạo nhằm thiết lập kho dự trữ Bitcoin chiến lược quốc gia với khẩu hiệu “Mua đi, đừng ngại!”
Đạo luật BITCOIN (Boosting Innovation, Technology, and Competitiveness through Optimized Investment Nationwide) được Lummis trình lên Thượng viện vào ngày 11/3 nhằm luật hóa sắc lệnh hành pháp của cựu Tổng thống Donald Trump về việc thiết lập kho dự trữ Bitcoin chiến lược.
Đạo luật BITCOIN: Lá chắn cho đồng USD?
“Lý do nên thông qua Đạo luật BITCOIN và ‘mua đi, đừng ngại’: Đạo luật này sẽ giúp nước Mỹ kiểm soát nợ công; Chỉ có một quốc gia đủ năng lực để sở hữu lượng bitcoin đủ lớn để làm nền tảng cho đồng tiền dự trữ toàn cầu,” Lummis viết trên nền tảng X. Bà hiện đang giữ chức Chủ tịch Tiểu ban về Tài sản Kỹ thuật số thuộc Ủy ban Ngân hàng Thượng viện.
Đề xuất này xuất hiện trong bối cảnh Larry Fink, CEO BlackRock, cảnh báo trong Thư Chủ tịch thường niên 2025 rằng Hoa Kỳ có nguy cơ đánh mất vai trò đồng tiền dự trữ toàn cầu do nợ liên bang tăng không kiểm soát. Fink chỉ ra rằng chi phí trả lãi vay dự kiến sẽ vượt 952 tỷ USD trong năm nay—cao hơn cả chi tiêu quốc phòng—và đến năm 2030, toàn bộ nguồn thu liên bang có thể bị chiếm trọn bởi các khoản chi bắt buộc và trả nợ.
Dự luật của Lummis đề xuất cho phép chính phủ liên bang triển khai chương trình mua lên đến 1 triệu BTC trong một khung thời gian xác định. Bộ Tài chính sẽ phải xây dựng một mạng lưới kho Bitcoin phân tán với các biện pháp kiểm soát an ninh vật lý và an ninh mạng nghiêm ngặt.
“Bitcoin không đơn thuần là một cơ hội công nghệ, mà là một yêu cầu chiến lược quốc gia để Hoa Kỳ duy trì vai trò dẫn dắt tài chính trong thế kỷ 21,” Lummis tuyên bố khi công bố dự luật.
Điểm đáng chú ý là nguồn vốn thực hiện đề xuất sẽ đến từ việc tái cơ cấu và đa dạng hóa các tài sản hiện có trong Hệ thống Dự trữ Liên bang và Bộ Tài chính—không sử dụng thêm ngân sách từ người nộp thuế. Đồng thời, đạo luật khẳng định quyền tự lưu ký (self-custody) của người sở hữu Bitcoin và quy định rằng Cục Dự trữ Liên bang không được can thiệp vào tự do tài chính cá nhân.