Một báo cáo bí mật trình lên Liên Hợp Quốc cho biết, trong năm 2022 các cuộc tấn công mạng của Triều Tiên đã trở nên tinh vi và gây ra thiệt hại nhiều hơn bao giờ hết.
Theo Reuters, báo cáo bí mật của Liên Hợp Quốc đề nghị ban hành lệnh trừng phạt đối với 15 nhân vật đến từ Triều Tiên, được cho là có liên quan đến các vụ tấn công gây thiệt hại từ 630 triệu đến 1 tỷ USD.
Đáng lưu ý, các cuộc tấn công mạng đã trở nên vô cùng tinh vi so với những năm trước khiến việc truy tìm số tiền mã hóa bị đánh cắp trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Vào ngày 1/2, công ty phân tích chuỗi khối Chainalysis cũng đưa ra một báo cáo tương tự kết luận các hacker Triều Tiên đã đánh cắp số tiền mã hóa trị giá ít nhất 1,7 tỷ USD vào năm 2022, khiến đây là năm tồi tệ nhất của hoạt động hack tiền mã hóa.
Chainalysis nhấn mạnh: “Trong bối cảnh tổng kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên vào năm 2020 đạt giá trị 142 triệu USD, việc hack tiền mã hóa được xem là một món hời đối với trong nền kinh tế của quốc gia này”.
Theo Chainalysis, năm 2022 có ít nhất 1,1 tỷ USD trong số tiền bị đánh cắp đến từ các vụ hack giao thức tài chính phi tập trung (DeFi), trong đó Triều Tiên là nước dẫn đầu.
Triều Tiên thường xuyên bác bỏ cáo buộc về các cuộc tấn công mạng, tuy nhiên báo cáo mới của Liên Hợp Quốc chỉ ra Cục tình báo thuộc Tổng cục trinh sát của Triều Tiên đã sử dụng một số nhóm như Kimsuky, Lazarus Group và Andariel Special cho các cuộc tấn công mạng.
Báo cáo lưu ý: “Những kẻ này tiếp tục nhắm mục tiêu một cách bất hợp pháp vào các nạn nhân để kiếm tiền và thu thập thông tin có giá trị cho CHDCND Triều Tiên, bao gồm các chương trình vũ khí của nước này”.
Báo cáo đầy đủ về lệnh trừng phạt 15 nhân vật đến từ Triều Tiên sẽ được công bố cụ thể vào cuối tháng này hoăc đầu tháng 3/2022.
PCB Tổng hợp