Nghiên cứu của BIS chỉ ra trái phiếu chính phủ token hóa có chênh lệch giá mua-bán thấp hơn (19 điểm cơ bản), cho thấy thanh khoản cải thiện so với trái phiếu truyền thống.
Một nghiên cứu mới từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) lần đầu tiên đưa ra bằng chứng định lượng rõ ràng về hiệu quả của trái phiếu chính phủ token hóa. Nghiên cứu phân tích 15 đợt phát hành trái phiếu trị giá tổng cộng 1,9 tỷ USD và kết luận rằng, các công cụ nợ dạng token có mức chênh lệch giá mua-bán trung bình chỉ khoảng 19 điểm cơ bản, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 30 điểm cơ bản của trái phiếu truyền thống.
Dù chi phí phát hành ban đầu giữa hai loại trái phiếu vẫn tương đương, mức chênh lệch giá thấp hơn đã phản ánh rõ nét sự cải thiện về thanh khoản – lợi ích cốt lõi mà công nghệ blockchain hứa hẹn mang lại.
Theo BIS, sự gia tăng tính thanh khoản này đến từ nhiều yếu tố. Thứ nhất, việc nhiều nền tảng token hóa kết nối trực tiếp với các trung tâm lưu ký chứng khoán quốc gia (CSDs) giúp các nhà đầu tư tổ chức truyền thống dễ dàng tham gia hơn.
Thứ hai, mức đầu tư tối thiểu trung bình của trái phiếu token hóa khoảng 110.000 USD, thấp hơn mức 185.000 USD của các đợt phát hành truyền thống, từ đó mở rộng đối tượng nhà đầu tư và gia tăng tính thanh khoản.
Tuy nhiên, báo cáo cũng ghi nhận một số trái phiếu token hóa có lợi suất thấp hơn, đồng nghĩa với giá trái phiếu cao hơn. Các tác giả cho rằng đây vẫn chỉ là những dấu hiệu ban đầu, chưa đủ mạnh để đưa ra kết luận cuối cùng.
Công nghệ blockchain và trái phiếu kỹ thuật số không chỉ cải thiện thanh khoản mà còn giúp tối ưu toàn bộ quy trình phát hành, rút ngắn thời gian thanh toán nhờ cơ chế giao hàng đổi tiền (Delivery versus Payment – DvP) gần như tức thời, qua đó giảm thiểu rủi ro đối tác.
Bên cạnh đó, việc sử dụng hợp đồng thông minh còn giúp tự động hóa các quy trình vận hành và quản lý tài sản, từ đó giảm đáng kể chi phí. Theo ước tính của nền tảng token hóa Cashlink tại Đức, khoản tiết kiệm này có thể lên đến 1,2% tổng giá trị phát hành trong vòng đời 8 năm của một trái phiếu.
Dù vậy, để áp dụng rộng rãi công nghệ này vẫn gặp nhiều trở ngại. Rào cản lớn nhất được BIS chỉ ra là sự thiếu rõ ràng về pháp lý, đặc biệt trong vấn đề liệu trái phiếu token hóa có được chấp nhận làm tài sản thế chấp hay không – đây là chức năng then chốt của trái phiếu chính phủ.
Ngoài ra, cần phát triển thêm các nền tảng phát hành có khả năng mở rộng và hạ tầng công nghệ đủ mạnh để đáp ứng khối lượng giao dịch lớn, trước khi công nghệ này có thể thực sự thay đổi diện mạo thị trường nợ toàn cầu trị giá 80 nghìn tỷ USD.