Tòa án Tối cao Liên bang Đức bác đơn kháng cáo của Apple, buộc công ty tiếp tục chịu chế độ kiểm soát lạm dụng đặc biệt trong 5 năm, gây áp lực lên chính sách bảo mật và quảng cáo của hãng.
Là một trong những công ty có giá trị lớn nhất thế giới không giúp Apple thoát khỏi sự giám sát đặc biệt tại thị trường Đức. Hôm thứ Ba, Tòa án Tối cao Liên bang Đức đã bác bỏ đơn kháng cáo của Apple, xác nhận quyết định của Cơ quan Cartel Liên bang (FCO) về việc đặt công ty dưới chế độ kiểm soát lạm dụng đặc biệt trong vòng năm năm kể từ tháng 4/2023.
Phán quyết này đánh dấu thất bại pháp lý đáng kể đối với gã khổng lồ công nghệ Mỹ, buộc họ phải đối mặt với các quy định cạnh tranh nghiêm ngặt tại một trong những thị trường quan trọng nhất của châu Âu, bên cạnh các luật hiện hành khác như Quy định về Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của Liên minh châu Âu.
Áp lực lên chính sách bảo mật của Apple
Quyết định này có thể có tác động trực tiếp đến chính sách bảo mật và quảng cáo của Apple. Mới đây, FCO đã bày tỏ quan ngại về khung App Tracking Transparency (ATT) của công ty, cho rằng đây có thể là hành vi tự ưu tiên – điều bị cấm theo chế độ kiểm soát lạm dụng đặc biệt. Theo đó, Apple có thể buộc phải áp dụng tiêu chuẩn đối xử bình đẳng giữa việc thu thập dữ liệu quảng cáo của chính mình và của các ứng dụng bên thứ ba.
Phản ứng với phán quyết này, Apple đã gửi tuyên bố bày tỏ sự không đồng tình: “Chúng tôi không đồng ý với quyết định của Tòa án Tối cao Liên bang, vì quyết định này không đánh giá đúng giá trị của một mô hình kinh doanh đặt sự riêng tư và an ninh của người dùng lên hàng đầu.” Apple cũng khẳng định rằng họ vẫn đối mặt với “cạnh tranh gay gắt tại Đức” và tự hào là “động lực của sự đổi mới, tạo ra việc làm và cạnh tranh ở mọi thị trường”.