Stablecoin chiếm tỷ trọng nhỏ trong thương mại điện tử toàn cầu dù sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội. Rào cản pháp lý và sự thiếu đa dạng về lựa chọn ngoài USD đang hạn chế sự phát triển của thị trường này.
Trong báo cáo mới đây của công ty tư vấn chiến lược Quinlan & Associates và nhà phát triển blockchain IDA đã chỉ ra rằng, mặc dù ngày càng phổ biến, stablecoin mới chỉ chiếm 0.2% giá trị giao dịch thương mại điện tử toàn cầu. Báo cáo, được công bố vào ngày 27/11, nhấn mạnh tiềm năng của stablecoin trong việc cách mạng hóa thanh toán trực tuyến nhưng đồng thời cũng chỉ ra những thách thức đáng kể đang cản trở sự phát triển của thị trường này.
Theo báo cáo, các tính năng nổi bật của stablecoin, được hỗ trợ bởi công nghệ blockchain, bao gồm khả năng lập trình, chi phí thấp, minh bạch cao, hoạt động 24/7 và tốc độ xử lý nhanh chóng, vượt trội so với hệ thống tài chính truyền thống.
Ông Lawrence Chu, đồng sáng lập và CEO của IDA, khẳng định những lợi thế trên có thể tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực thanh toán. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ứng dụng stablecoin vẫn chủ yếu tập trung trong hệ sinh thái Web3.
Rào cản pháp lý và sự thống trị của đồng USD
Một trong những trở ngại lớn nhất được xác định trong báo cáo là sự không chắc chắn về quy định. Theo khảo sát, 81% các nhà bán lẻ coi đây là rào cản chính trong việc chấp nhận tài sản số, bao gồm cả stablecoin, như một phương thức thanh toán chính thức. Ông Benjamin Quinlan, CEO của Quinlan & Associates, nhấn mạnh vấn đề này đang hạn chế đáng kể việc áp dụng stablecoin vào thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, sự phụ thuộc quá lớn vào đồng USD cũng được xem là yếu tố kìm hãm sự phát triển của stablecoin. Báo cáo chỉ ra rằng 83% các quốc gia trên thế giới không sử dụng USD làm đồng tiền chính thức hoặc đồng tiền phụ, và khoảng 40% thanh toán quốc tế được thực hiện bằng các đồng tiền khác ngoài USD. Điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết về các stablecoin được gắn với các đồng tiền khác ngoài USD.
Hiện tại, tổng vốn hóa thị trường stablecoin đạt khoảng 200 tỷ USD, nhưng phần lớn trong số đó là stablecoin gắn với USD. Tether (USDT) và USD Coin, hai stablecoin phổ biến nhất, chiếm lĩnh thị trường với vốn hóa lần lượt là 130 tỷ USD và 40 tỷ USD, theo dữ liệu từ CoinMarketCap.
Nhận thấy tiềm năng và nhu cầu thị trường, IDA đang có kế hoạch phát hành một stablecoin gắn với đồng đô la Hồng Kông (HKD) nhằm hỗ trợ thanh toán giữa Hồng Kông và các thị trường toàn cầu. Động thái cho thấy xu hướng đa dạng hóa stablecoin, hướng tới việc đáp ứng nhu cầu thanh toán quốc tế bằng các đồng tiền khác nhau.
Báo cáo cũng đề cập đến tác động của stablecoin lên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ ngắn hạn (Treasury bills). Bộ Tài chính Mỹ nhận định rằng sự tăng trưởng của stablecoin, với phần lớn tài sản đảm bảo là trái phiếu kho bạc hoặc các giao dịch thỏa thuận mua lại có bảo đảm bằng trái phiếu kho bạc, có thể đã góp phần làm tăng nhu cầu đối với các chứng khoán kho bạc kỳ hạn ngắn.
Vấn đề quy định stablecoin cũng đang được quan tâm tại Mỹ. Cựu Thượng nghị sĩ Pat Toomey dự đoán rằng các nhà lập pháp Mỹ sẽ đẩy mạnh ban hành quy định về stablecoin từ năm 2025. Ông cho rằng cần làm rõ các vấn đề liên quan đến yêu cầu dự trữ, bảo hiểm tiền gửi ngân hàng và quyền hạn pháp lý của các nhà phát hành stablecoin trước khi đưa ra khung pháp lý chính thức.
Một số dự luật quan trọng về tiền mã hóa, bao gồm dự luật “Clarity for Payment Stablecoins Act” của Thượng nghị sĩ Bill Hagerty, sẽ được xem xét trong kỳ họp quốc hội sắp tới.