Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) hợp tác với 4 ngân hàng trung ương triển khai dự án Mandala, ứng dụng công nghệ để tự động hóa quy trình tuân thủ trong giao dịch xuyên biên giới, hứa hẹn giảm chi phí và tăng tốc độ xử lý.
Ngày 28/10, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) vừa công bố hợp tác với các ngân hàng trung ương Australia, Hàn Quốc, Malaysia và Singapore trong dự án Mandala, sáng kiến nhằm giải quyết các thách thức về tuân thủ quy định trong giao dịch xuyên biên giới. Dự án do Trung tâm Đổi mới BIS tại Singapore dẫn đầu, hướng đến việc đơn giản hóa và tự động hóa quy trình tuân thủ, từ đó giảm thiểu chi phí và thời gian xử lý giao dịch.
Các giao dịch xuyên biên giới hiện nay thường đối mặt với nhiều rào cản về tuân thủ do sự khác biệt trong khung pháp lý giữa các quốc gia. Điều này dẫn đến chi phí gia tăng đáng kể cho các tổ chức tài chính và kéo dài thời gian xử lý giao dịch, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và thương mại quốc tế. Dự án Mandala ra đời với mục tiêu giải quyết những trở ngại trên, đồng thời vẫn đảm bảo duy trì các tiêu chuẩn giám sát cần thiết.
Công nghệ thúc đẩy tuân thủ
Dự án Mandala áp dụng phương pháp “tuân thủ theo thiết kế” (compliance-by-design), đảm bảo bảo mật thông tin cá nhân và tính toàn vẹn của quy trình kiểm tra, giám sát. Hệ thống hoạt động dựa trên hạ tầng phi tập trung, tích hợp chặt chẽ tuân thủ quy định giữa các ngân hàng trung ương và tổ chức tài chính. Ba thành phần chính của Mandala bao gồm: hệ thống nhắn tin ngang hàng (peer-to-peer), bộ xử lý quy tắc (rules engine) và bộ kiểm chứng (proof engine).
Cơ chế này cho phép hệ thống tự động hoàn tất mọi kiểm tra tuân thủ trước khi giao dịch được khởi tạo. Khi các bước kiểm tra hoàn tất, Mandala sẽ tạo chứng chỉ tuân thủ đi kèm với tài sản thanh toán số hoặc lệnh thanh toán xuyên biên giới.
Bà Maha El Dimachki, Giám đốc Trung tâm Đổi mới BIS tại Singapore, cho biết: “Dự án Mandala đã đạt đến giai đoạn chứng minh khái niệm (proof-of-concept), phù hợp với các ưu tiên của G20 về cải thiện thanh toán xuyên biên giới. Khả năng giảm chi phí, tăng tốc giao dịch và đảm bảo tuân thủ là những lợi ích nổi bật mà dự án mang lại“.
Một điểm đáng chú ý khác là Mandala được thiết kế để tích hợp hiệu quả với cả hệ thống thanh toán tài sản số mới nổi, gồm các loại tiền số bán buôn của ngân hàng trung ương (CBDC), và hệ thống nhắn tin thanh toán truyền thống như SWIFT. Khả năng tích hợp kép này mang đến cho Mandala sự linh hoạt, thích ứng với cả hệ sinh thái tài sản số tương lai và hạ tầng tài chính hiện tại.
Hơn nữa, dự án đã triển khai tuân thủ có thể lập trình cho tài sản số, cho phép nhúng các điều khoản tuân thủ trực tiếp vào hợp đồng thông minh một cách liền mạch. Điều này mở ra tiềm năng to lớn trong việc tự động hóa và tối ưu hóa quy trình tuân thủ trong lĩnh vực tài chính số.