Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ tuyên bố rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024, đề cử Phó Tổng thống Kamala Harris là ứng cử viên của Đảng Dân chủ. Quyết định này làm dấy lên nhiều đồn đoán về tương lai của ngành công nghiệp tiền mã hóa, vốn chưa có được chỗ đứng vững chắc dưới thời Biden.
Trong tuyên bố ngày 21/7, Tổng thống Biden không nêu rõ lý do rút lui, chỉ khẳng định đó là quyết định “tốt nhất cho Đảng và quốc gia”. Động thái diễn ra chỉ hai tuần sau khi ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump thoát khỏi một vụ ám sát, làm tăng khả năng ông Trump sẽ tái đắc cử.
Giới phân tích nhận định, quyết định của ông Biden có thể xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm tuổi tác (80 tuổi), sức khỏe, và nguy cơ thất bại trước ông Trump trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đối mặt nhiều thách thức.
Di sản tiền mã hóa của Biden
Nhiệm kỳ của Tổng thống Biden chứng kiến nhiều quan điểm trái chiều về tiền mã hóa, thường thể hiện sự thận trọng, thậm chí cứng rắn trong việc điều chỉnh thị trường non trẻ này. Điển hình là việc ông phủ quyết nghị quyết Thông báo Kế toán Nhân viên số 121 (SAB No. 121) của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) vào ngày 1/6, vốn nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động của các công ty khai thác tiền mã hóa. Động thái đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng.
Cody Carbone, Giám đốc chính sách của Phòng Tiền mã hóa, đã chỉ trích gay gắt quyết định của ông Biden, gọi đó là “cái tát vào sự đổi mới và tự do tài chính”. Giới phân tích cho rằng, cách tiếp cận của ông Biden xuất phát từ lo ngại về rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố và bảo vệ nhà đầu tư. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra môi trường pháp lý thiếu rõ ràng, cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp blockchain tại Mỹ.
Liệu có tia hy vọng từ sự thay đổi của Trump?
Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump, người từng chỉ trích tiền mã hóa vào năm 2019, đã có sự chuyển biến rõ rệt trong quan điểm. Không chỉ công khai ủng hộ Bitcoin, ông Trump còn phát hành bộ sưu tập NFT cá nhân gặt hái nhiều thành công. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Bloomberg, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Mỹ dẫn đầu về tiền mã hóa, ngăn chặn các quốc gia khác chiếm ưu thế trong lĩnh vực này.
Ông Trump dự kiến sẽ tiếp tục khẳng định lập trường ủng hộ tiền mã hóa tại Hội nghị Bitcoin vào ngày 27/7 tới. Chiến thắng tiềm năng của ông, cùng với kế hoạch gia hạn cắt giảm thuế doanh nghiệp, được kỳ vọng sẽ mang đến “làn gió mới” cho thị trường, thu hút đầu tư và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực blockchain, theo chuyên gia kinh tế vĩ mô Lyn Alden.
Kamala Harris – bài toán năng lực và chiến lược
Giữa bối cảnh chính trị biến động, bà Kamala Harris, ứng cử viên của Đảng Dân chủ, đứng trước bài toán khó. Bà vừa phải tạo dấu ấn riêng, vừa phải tìm cách thu hút cử tri trong cuộc đua dự kiếnsẽ rất khốc liệt với ông Trump.
Tuy nhiên, khác với cả hai người tiền nhiệm, bà Harris chưa từng đưa ra quan điểm rõ ràng về tiền mã hóa. Là Phó Tổng thống, bà gần như im lặng trước các chính sách về tiền mã hóa của chính quyền Biden. Báo cáo tài chính năm 2023 cho thấy bà và chồng không sở hữu bất kỳ loại tài sản số nào.
Liệu bà Harris có mạo hiểm theo đuổi lập trường ủng hộ tiền mã hóa để thu hút cử tri, giống như đối thủ của mình? Hay bà sẽ kế thừa cách tiếp cận thận trọng, thậm chí “áp lực” từ chính quyền Biden? Câu trả lời sẽ quyết định tương lai của ngành công nghiệp tiền mã hóa tại Mỹ, ít nhất là trong 4 năm tới.