Năm 2021, Trung Quốc đã gây ra làn sóng lo ngại đối với lĩnh vực blockchain khi ban hành lệnh cấm nghiêm ngặt đối với hoạt động khai thác Bitcoin và giao dịch tiền mã hoá.
Chính phủ Trung Quốc đã thi hành lệnh cấm theo từng giai đoạn, đến cuối tháng 9/2021, quốc gia này cấm hoàn toàn giao dịch tiền mã hóa, bên cạnh tỷ lệ băm Bitcoin giảm đáng kể trong thời gian sau đó.
Các sàn giao dịch tiền mã hoá tại Trung Quốc cũng rời khỏi nước này, khiến những người ủng hộ Bitcoin tỏ ra lo ngại về tương lai của ngành sau quyết định của Bắc Kinh.
Với vai trò là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, quyết định của Trung Quốc tạo ra những ảnh hưởng đến việc áp dụng tiền mã hoá toàn cầu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mọi hy vọng của Bitcoin bị dập tắt.
Thật thú vị, lệnh cấm tiền mã hóa của Trung Quốc còng đóng vai trò như một nghiên cứu điển hình đối với các quốc gia khác về mức độ phức tạp của việc đặt tiền mã hóa ngoài vòng pháp luật.
Lịch sử cấm tiền mã hóa của Trung Quốc
Mặc dù lệnh cấm tiền mã hóa vào thời điểm năm 2021 của Trung Quốc được đánh giá là động thái nghiêm trọng, nhưng đối với những người tham gia vào ngành công nghiệp tiền mã hoá, điều này không quá sốc.
Những nhà đầu tư lâu năm từng nhiều lần chứng kiến Trung Quốc “cấm Bitcoin“. Vì vậy, việc xem xét lịch sử các hạn chế về Bitcoin của Trung Quốc là điều quan trọng để hiểu nguyên nhân của lệnh cấm khai thác tiền mã hoá năm 2021.
2011: Sự quan tâm đến Bitcoin dần tăng cao
Cha đẻ của Bitcoin, Satoshi Nakamoto đã xuất bản sách trắng về Bitcoin: Hệ thống tiền mã hoá ngang hàng vào năm 2008. Mặc dù Bitcoin có sẵn vào năm 2009, nhưng phải đến năm 2011, công dân Trung Quốc mới bắt đầu chú ý đến tiền mã hóa.
Lý do chính khiến việc áp dụng Bitcoin tại Trung Quốc tăng lên là do sự ra đời của sàn giao dịch tiền mã hoá Bitcoin China, do kỹ sư phần mềm Bobby C. Lee (anh trai của Charlie Lee – người sáng tạo ra đồng Litecoin) thành lập vào năm 2011. Trong giai đoạn đầu của thị trường tiền mã hoá, Bitcoin China đã chiếm một phần lớn khối lượng giao dịch Bitcoin trên toàn cầu.
2013: Trung Quốc lần đầu cấm tiền mã hóa
Bitcoin trở nên phổ biến ở Trung Quốc đến mức nhiều doanh nghiệp bắt đầu chấp nhận nó như một phương thức thanh toán. Đáng chú ý, công cụ tìm kiếm lớn nhất của Trung Quốc – Baidu thông báo rằng, họ hoan nghênh các khoản thanh toán bằng Bitcoin vào năm 2013.
Trong thời gian này, nhiều người Trung Quốc đã tìm hiểu về thuật toán bằng chứng công việc (PoW) của Bitcoin, và ngành công nghiệp khai thác Bitcoin của quốc gia này cũng bắt đầu phát triển mạnh.
Để đáp ứng nhu cầu khai thác tiền mã hóa, Micree Zhan và Jihan Wu đã thành lập công ty sản xuất phần cứng, ASIC Bitmain. ASIC, viết tắt của “application specific integrated circuit” có nghĩa là mạch tích hợp dành riêng cho ứng dụng, dùng để chỉ các máy tính được thiết kế đặc biệt để giải các thuật toán trên blockchain Bitcoin. Đến nay, Bitmain vẫn đóng vai trò là nhà sản xuất thiết bị khai thác Bitcoin quan trọng trên thế giới.
Mặc dù việc áp dụng Bitcoin ngày càng tăng, nhưng năm 2013 đánh dấu nỗ lực đầu tiên của Trung Quốc nhằm ngăn chặn hoạt động giao dịch Bitcoin. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) đã ban hành các quy tắc mới liên quan đến giao dịch tiền mã hóa tại các tổ chức tài chính, theo đó, các ngân hàng tại Trung Quốc không còn được phép nắm giữ hoặc giao dịch các loại tiền ảo như Bitcoin.
Lệnh cấm Bitcoin đầu tiên này chưa xác định việc công dân Trung Quốc mua, lưu trữ hoặc gửi tiền mã hóa là bất hợp pháp. Tuy nhiên, PBC đã khiến việc truy cập tiền mã hóa từ các sàn giao dịch như Bitcoin China trở nên khó khăn hơn. Kết quả là Bitcoin China đột ngột tuyên bố không chấp nhận nộp tiền lên sàn bằng đồng Nhân dân tệ.
2017: Trung Quốc cấm ICO
Vào thời điểm thị trường tăng giá năm 2017, các quan chức Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động giao dịch tiền mã hóa. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào chuyển khoản ngân hàng hoặc khai thác Bitcoin, họ đặc biệt quan tâm tới các đợt phát hành token lần đầu (ICO).
Kể từ khi xuất hiện các blockchain hợp đồng thông minh như Ethereum (ETH) và tình trạng đầu cơ bùng nổ trong giai đoạn thị trường tăng giá vào năm 2017, số lượng các giao dịch ICO đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, do thiếu quy định trong lĩnh vực tiền mã hoá, nhiều ICO này sau đó đã biến thành các trò lừa đảo.
Để hạn chế nhu cầu về cơn sốt này, chính quyền Trung Quốc đã cấm tất cả các nền tảng cung cấp dịch vụ ICO. Nếu vi phạm, các nền tảng sẽ phải trả lại tiền cho nhà đầu tư. Trung Quốc cũng buộc nhiều sàn giao dịch tập trung (CEX) ngừng hoạt động. Trong thời gian này, Bitcoin China đổi tên thành BTCC và chuyển trụ sở chính đến Vương quốc Anh.
2021: Trung Quốc cấm khai thác tiền mã hóa
Trung Quốc đã cân nhắc về việc cấm khai thác Bitcoin vào năm 2019, nhưng phải đến năm 2021, họ mới áp đặt các hạn chế nghiêm trọng đối với lĩnh vực này.
Khi Bitcoin dao động quanh mức 55.000 USD/BTC, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã công bố lệnh cấm chính thức đối với hoạt động khai thác. Ngay sau đó, tỷ lệ băm Bitcoin đã giảm 50%, giá BTC cũng giảm mạnh xuống dưới 30.000 USD trong những tháng tiếp theo.
Cùng với lệnh cấm khai thác Bitcoin, các cơ quan quản lý Trung Quốc còn cấm tất cả các giao dịch tiền mã hoá. Hiện tại, bất kỳ ai làm việc cho một công ty công nghệ Trung Quốc liên quan đến tiền mã hoá đều có thể phải đối mặt với án tù. Việc người dân gửi tiền mã hóa cũng như các doanh nghiệp và ngân hàng chấp nhận các loại tài sản số như Bitcoin và Ethereum cũng là bất hợp pháp.
Lệnh cấm tiền mã hóa của Trung Quốc bao gồm những gì?
Lệnh cấm tiền mã hóa của Trung Quốc nhắm vào 3 khía cạnh trong lĩnh vực trong tài sản số:
- Khai thác Bitcoin: Sau khi Trung Quốc cấm khai thác Bitcoin, việc người dân và doanh nghiệp Trung Quốc khai thác tiền mã hóa theo cơ chế PoW đã trở thành bất hợp pháp.
- Giao dịch tiền mã hóa: Các nhà đầu tư Trung Quốc không được phép mua, gửi hoặc thực hiện các giao dịch sử dụng tiền mã hoá như Bitcoin hoặc Ethereum. Ngoài ra, có nhiều chính sách cấm đối với việc giao dịch các tài sản số như NFTs.
- Việc làm trong lĩnh vực tiền mã hóa: Chính phủ Trung Quốc muốn ngăn cản sự đổi mới trong lĩnh vực tiền mã hoá. Nếu bất kỳ công ty công nghệ hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp nào tham gia giao dịch tiền mã hoá, họ có thể phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc.
Mặc dù việc sử dụng và mua bán tiền mã hóa là bất hợp pháp, nhưng không có chính sách cụ thể nào chống lại việc nắm giữ các tài sản số như Bitcoin, Dogecoin hoặc Ethereum. Do đó, người dân Trung Quốc đang nắm giữ tiền mã hóa không vi phạm bất kỳ luật hiện hành nào.
Tại sao Trung Quốc cấm tiền mã hóa?
Ngoài những tin đồn rằng, Trung Quốc có thể đang hạn chế truy cập vào tài sản số phi tập trung trước khi triển khai các loại tiền mã hoá được kiểm soát tập trung bởi chính phủ, các quan chức Trung Quốc đã công khai đề cập đến một số lý do cho việc cấm tiền mã hoá của họ, bao gồm:
- Nguy cơ về lừa đảo và hoạt động tài chính bất hợp pháp: Chính phủ Trung Quốc quan ngại về sự gia tăng của các hoạt động lừa đảo và giao dịch tài chính không hợp pháp liên quan đến tiền mã hoá, và họ muốn bảo vệ người dân khỏi rủi ro tiềm ẩn này.
- Nguy cơ về rửa tiền và vi phạm an ninh quốc gia: Chính phủ Trung Quốc cũng lo ngại rằng tiền mã hoá có thể được sử dụng để rửa tiền và gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia.
- Thiếu giám sát và kiểm soát: Thị trường tiền mã hoá phần lớn không được kiểm soát và giám sát chặt chẽ bởi chính phủ, dẫn đến nguy cơ không ổn định và tăng cường khả năng tiềm ẩn cho các hoạt động không hợp pháp.
- Tiềm năng ảnh hưởng đến nền kinh tế: Chính phủ lo ngại rằng việc tham gia vào giao dịch tiền mã hoá có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế và hệ thống tài chính trong nước.
- Mất giá đồng Nhân dân tệ: Khi giá trị của Bitcoin tiếp tục tăng cao, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã không thể vượt qua nhiều loại tiền tệ cạnh tranh trên thị trường ngoại hối. Chính phủ Trung Quốc cho rằng họ lo ngại BTC có thể làm tăng thêm sự cạnh tranh đối với tiền tệ quốc gia.
- Các mục tiêu quốc gia về môi trường: Sau khi ký kết Hiệp định Paris năm 2015, Trung Quốc đã cam kết giảm lượng khí thải carbon. Theo chính phủ Trung Quốc, yêu cầu năng lượng cao của Bitcoin không phù hợp với kế hoạch của họ về một tương lai thân thiện với môi trường.
- Kiểm soát CBDC và Metaverse: Trong khi Trung Quốc phản đối tiền mã hoá phi tập trung, họ không hoàn toàn phản đối Web3. Trung Quốc đang tích cực thí điểm CBDC trên toàn quốc. Bên cạnh đó, các thành phố như Thượng Hải cũng đã cam kết đầu tư hàng tỷ USD để phát triển các dự án vũ trụ số quốc gia. Trung Quốc có thể muốn loại bỏ các đồng tiền cạnh tranh như Bitcoin và Ethereum trong khi triển khai các dự án blockchain này.
Các lệnh cấm gây ra hậu quả gì?
Lệnh cấm khai thác Bitcoin của Trung Quốc đã gây ra sự sụt giảm đáng kể về tỷ lệ băm trên blockchain Bitcoin.
Theo Cambridge Bitcoin Electricity Consumption Index (CBECI), Trung Quốc đã đóng góp 70,9 exahashes mỗi giây (Eh/s) vào tháng 5/2021, nhưng con số này đã giảm về 0 vào tháng 7/2021. Tổng tỷ lệ băm của Bitcoin giảm từ hơn 150 Eh/s xuống 100 Eh/s trong cùng kỳ.
Nhiều nhà khai thác Bitcoin của Trung Quốc đã chuyển đến các quốc gia thân thiện hơn với ngành công nghiệp tiền mã hoá. Cụ thể tại Kazakhstan, tỷ lệ phần trăm tổng tỷ lệ băm của Bitcoin đã tăng cao sau lệnh cấm của Trung Quốc.
Đáng chú ý, ngay cả trong những tháng tiếp theo, tổng tỷ lệ băm của Bitcoin vẫn tiếp tục tăng. Vào tháng 1/2022, tỷ lệ băm của Bitcoin đạt gần 200 Eh/s, cao hơn đáng kể so với trước khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm.
CBECI cũng nhận thấy rằng, hoạt động khai thác ở Trung Quốc đã xuất hiện trở lại trên mạng Bitcoin vào tháng 9/2021. Rõ ràng, nhiều nhóm khai thác ở Trung Quốc vẫn đang hoạt động ngầm. Đầu năm 2022, Trung Quốc chiếm hơn 20% tỷ lệ băm của Bitcoin, chỉ đứng sau Mỹ.
Tại sao tiền mã hóa khó bị cấm?
Mặc dù Trung Quốc đã nỗ lực hạn chế việc sử dụng tiền mã hoá, nghiên cứu từ Đại học Cambridge cho thấy hoạt động khai thác Bitcoin vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Dưới đây là những lý do khiến việc kiểm soát tiền mã trở nên khó khăn:
- Ẩn danh: Tiền mã hoá thường cho phép người dùng giữ thông tin cá nhân ẩn danh, điều này làm cho việc theo dõi và xác định chủ sở hữu trở nên khó khăn cho các cơ quan chính phủ.
- Phân quyền: Tiền mã hoá thường hoạt động trên mạng lưới phân tán, không có một tổ chức trung gian hay cơ quan nào kiểm soát toàn bộ hệ thống. Điều này khiến việc kiểm soát và can thiệp vào hoạt động của tiền mã hoá trở nên phức tạp.
- Bản chất toàn cầu: Tiền mã hoá có thể sử dụng và giao dịch trên phạm vi toàn cầu, không bị ràng buộc bởi ranh giới quốc gia. Do đó, việc kiểm soát sẽ yêu cầu sự hợp tác và phối hợp giữa các quốc gia. Trong khi Trung Quốc cấm Bitcoin, các quốc gia như El Salvador và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã bắt đầu chấp nhận tiền mã hóa.
- Sự phổ biến: Ngoài Bitcoin, có hàng trăm loại tiền mã hoá khác tồn tại trên thị trường. Việc xuất hiện ngày càng nhiều loại tiền mã hoá khác nhau làm cho việc theo dõi và kiểm soát trở nên phức tạp hơn.
- Sử dụng các sàn giao dịch phi tập trung: Người dùng có thể giao dịch tiền mã hoá trên các sàn giao dịch phi tập trung, nơi không có sự can thiệp của cơ quan quản lý, làm cho việc kiểm soát giao dịch trở nên khó khăn.
Tóm lại, lệnh cấm tiền mã hóa của Trung Quốc đã gây ra những tác động đáng kể đối với hoạt động khai thác và giao dịch tiền mã hóa. Hiện nay, 1,4 tỷ dân Trung Quốc không được phép tiếp cận các loại tiền mã hoá như Bitcoin. Tuy nhiên, dữ liệu gần đây về hoạt động khai thác Bitcoin ở Trung Quốc cho thấy, vẫn có một sự quan tâm mạnh mẽ đối với tiền mã hoá.
PCB Tổng hợp