Hội đồng quản trị Rủi ro Hệ thống Châu Âu (ESRB), một cơ quan giám sát thuộc Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã công bố báo cáo vào thứ Năm, phác thảo một số kịch bản rủi ro hàng đầu, nêu bật một cuộc khủng hoảng lĩnh vực tiền mã hoá có thể xảy ra và gây ra “rủi ro hệ thống” đối với nền tài chính thổng thể.
Tài liệu dài 77 trang nhấn mạnh về việc lĩnh vực tiền mã hoá đang phát triển nhanh chóng và ngày càng có mối liên hệ mật thiết với thị trường tài chính truyền thống (TradFi). Mặc dù những sự kiện tiêu cực trong năm 2022 không gây ra thiệt hại tương tự trong TradFi, nhưng các hệ thống giám sát rủi ro hiện tại không đủ để theo dõi các xu hướng đáng lo ngại trong những năm tới.
ESRB đề xuất cải thiện năng lực giám sát của Liên minh Châu Âu (EU) đối với không gian tiền mã hóa và nghiên cứu tầm ảnh hưởng của thị trường này đối với nền tài chính tổng thể. Cơ quan này khuyến nghị EU thúc đẩy việc báo cáo công khai các bộ tiêu chuẩn từ các ngân hàng và quỹ đầu tư liên quan đến tiền mã hóa.
Báo cáo đặc biết lưu ý về stablecoin, ngay trong kịch bản rủi ro đầu tiên, họ đã đề cập đến “rủi ro thâm hụt tài sản dự trữ stablecoin”. Các khoản dự trữ stablecoin thường bao gồm trái phiếu chính phủ hoặc trái phiếu doanh nghiệp; Cổ phiếu; Tiền tệ pháp định và các tài sản khác. ESRB đề cập đến sự thiếu minh bạch liên quan đến stablecoin và đưa ra ví dụ thực tế về Tether (USDT), với vốn hóa thị trường đạt 83 tỷ USD, trong khi có rất ít tài liệu chi tiết về các khoản dự trữ của công ty này.
Sự hoảng loạn của Stablecoin không có gì mới đối với ngành công nghiệp tiền mã hoá. Vào tháng 5/2022, Tether đã phải chịu áp lực rút tiền lên tới hàng tỷ USD, nhưng vẫn cố gắng giữ tỷ giá cố định của mình với đồng USD. Một sự cố khác là việc đồng USDC bất ngờ giảm giá mạnh vào tháng Ba, sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank, ngân hàng nắm giữ phần lớn tài sản dự trữ của đồng tiền này.
Tiền mã hoá cũng được kết nối với TradFi thông qua các ngân hàng và các tổ chức khác đang tạo điều kiện chuyển đổi giữa tài sản tiền mã hoá và tiền tệ fiat. ESRB lưu ý rằng các tổ chức này có thể phải đối mặt với tình trạng bankrun và sụp đổ tương tự như Silicon Valley Bank, Silvergate Bank và Signature Bank.
Ngoài ra, ESRB cũng đề cập đến tình trạng thiếu các quy tắc trong luật Thị trường Tài sản tiền mã hóa (MiCA) sắp tới, liên quan đến các “tập đoàn tiền mã hóa” – được gọi là “crypto-asset conglomerates”. Theo định nghĩa của ESRB, các tập đoàn này là những công ty cung cấp nhiều loại dịch vụ tiền mã hoá khác nhau như quản lý vào giao dịch; lưu ký; cho vay. Việc kết hợp các loại dịch vụ này trong một tổ chức có nguy cơ rủi ro cao và kêu gọi các nhà quản lý cần nghiên cứu về các tổ chức này.
PCB Tổng hợp