Một nghiên cứu cho thấy, có 461 vụ tấn công vào không gian tiền mã hoá dẫn đến thiệt hại khoảng 16,7 tỷ USD kể từ năm 2011. Riêng năm 2022 chứng kiến 4,17 tỷ USD rơi vào tay tin tặc.
Ngày 22/3, công ty phân tích dữ liệu chuỗi khối Crystal Blockchain đã phát hành một báo cáo cung cấp phân tích toàn diện về các hoạt động lừa đảo và tấn công bảo mật trong không gian tiền mã hoá kể từ năm 2011.
Báo cáo tiết lộ trong vòng 12 năm qua, đã có 461 sự cố tấn công bảo mât, bao gồm 231 vụ tấn công DeFi, 135 vụ tấn công bảo mật và 95 âm mưu lừa đảo xảy ra tại 45 quốc gia, dẫn đến thiệt hại khoảng 16,7 tỷ USD tiền mã hoá.
Theo báo cáo, có khoảng 7,5 tỷ USD bị đánh cắp do các vụ lừa đảo, các vụ hack DeFi xếp thứ hai với 4,81 tỷ USD giá trị thiệt hại, trong khi các vụ vi phạm bảo mật lấy đi hơn 4,5 tỷ USD.
Mỹ là quốc gia có tần suất xảy ra các vụ tấn công tiền mã hoá cao nhất. Tuy nhiên xét về giá trị tổng thể, Trung Quốc xếp hạng đầu tiên do hai vụ lừa đảo đình đám là Plus Token Ponzi năm 2019 và Wotoken Ponzi vào năm 2020.
Các nhà nghiên cứu của Crystal chỉ ra, đến năm 2021 các vụ tấn công phổ biến nhất đều nhằm vào các hệ thống bảo mật của các sàn giao dịch tiền mã hoá tập trung, điển hình là sự kiện sàn Coincheck với thiệt hại 535 triệu USD.
Kể từ đó, tin tặc đã chuyển tầm ngắm nhiều hơn vào không gian tài chính phi tập trung (DeFi) với vụ tấn công chấn động vào cầu nối Ronin Network gây thiệt hại hơn 650 triệu USD. Phần lớn số tiền bị đánh cắp từ Ronin đã được chuyển sang Tornado Cash, một giao thức trộn tiền mã hoá.
Tornado Cash cũng được xem là giao thức phổ biến nhất để rửa tiền trên không gian blockchain.
Rugpull trở nên phổ biến trong năm 2022. 54 trường hợp lừa đảo năm 2022 đã có 45 vụ liên quan đến rugpull. Đáng chú ý, 10 trong số các trường hợp đó xảy ra thông qua các dự án NFT giả. Nền tảng blockchain phổ biến nhất xảy ra rugpull là trên Chuỗi BNB Chain, tuy nhiên giá trị thiệt hại lớn nhất là trên blockchain Ethereum.
PCB Tổng hợp