Theo S&P Global Ratings, các giao thức tài chính phi tập trung có thể thu hút sự quan tâm của các tổ chức nếu chúng được chứng khoán hóa đúng cách.
Theo một báo cáo nghiên cứu mới từ cơ quan xếp hạng tín dụng S&P Global Ratings, tài chính phi tập trung (DeFi) có thể được ứng dụng rộng rãi trong tài chính truyền thống vào những năm tới khi ngày càng có nhiều các giao thức mới hỗ trợ chứng khoán hóa tài sản trong thế giới thực.
Trong một báo cáo có tiêu đề “Các giao thức DeFi để chứng khoán hóa: Quan điểm rủi ro tín dụng”, S&P cho biết mặc dù DeFi vẫn chỉ đang ở giai đoạn sơ khai nhưng nó có thể mang lại nhiều lợi ích cho thị trường chứng khoán hóa như giảm chi phí giao dịch, cải thiện tính minh bạch của nhóm tài sản, giảm rủi ro đối tác và cho phép thanh toán nhanh hơn.
“Ban đầu, DeFi chủ yếu tập trung phát triển ở các ứng dụng dịch vụ tài chính trong hệ sinh thái tiền mã hóa như cho vay được thế chấp bằng tài sản tiền mã hóa, công cụ đầu tư tài sản tiền mã hóa và nền tảng giao dịch tiền mã hóa”, các nhà phân tích Andrew O’Neill, Alexandre Birry, Lapo Guadagnuolo và Vanessa Purwin viết thêm: “Những trường hợp sử dụng ban đầu này nhìn chung không liên quan đến nền kinh tế thực. Tuy nhiên, việc cấp vốn theo RWA đã nổi lên như một chủ đề trong không gian DeFi gần đây. Theo cách này, các giao thức cho vay cung cấp các khoản vay bắt nguồn từ cách truyền thống – dựa trên bảo lãnh phát hành của người vay thay vì được được thế chấp bằng tài sản tiền mã hóa”.
Tuy nhiên, chứng khoán hóa DeFi không an toàn tuyệt đối. S&P xác định một số rủi ro có thể kể đến như pháp lý, phát hành, cũng như khả năng xảy ra sự không tương đồng giữa tài sản định danh bằng tiền tệ fiat và nợ phải trả bằng tiền kỹ thuật số.
Mặc dù là một trong ba cơ quan xếp hạng uy tín nhất ở Phố Wall, và đang có những nghiên cứu sâu rộng về các giao thức DeFi nhưng hiện tại S&P Global Ratings vẫn chưa xếp hạng bất kỳ dự án nào.
Quay ngược về quá khứ, DeFi đã nổi lên như một hiện tượng vào năm 2020 với nhiều lời hứa về lợi suất cao, khả năng tiếp cận thị trường tín dụng dễ dàng. Hoạt động của DeFi đạt đỉnh vào quý 3/2021, tổng giá trị bị khóa (TVL) trên các nền tảng DeFi đã vượt mốc 180 tỷ USD.
Ý tưởng mã hóa tài sản hay phát hành token chứng khoán đại diện cho tài sản có thể giao dịch thực từ lâu được xem là ứng dụng tiềm năng của công nghệ blockchain. Theo cơ quan tư vấn tài chính nổi tiếng Ernst & Young, mã hóa tài sản tạo ra cầu nối giữa tài sản thực và khả năng tiếp cận của chúng trong thế giới kỹ thuật số mà không cần trung gian, đồng thời bơm tiền cho các thị trường kém thanh khoản.
PCB Tổng hợp