Các trung tâm tài chính lớn nhất châu Á dường như mong muốn khuyến khích sự phát triển của ngành công nghiệp tiền mã hoá đồng thời bảo vệ người dùng và ngăn ngừa sự lây lan nếu có sự cố xảy ra.
Nhật Bản, Hồng Kông và Singapore đã có một số quy định tài chính hoàn thiện. Do đó các cuộc thảo luận về điều chỉnh tiền mã hoá đã bắt đầu từ nhiều năm trước, mặc dù đã có những hướng đi khác nhau.
Nhật Bản rất nỗ lực trong việc bảo vệ người dùng nhưng gần đây đã nới lỏng các yêu cầu đối với việc niêm yết token và đưa ra thông điệp chào đón hơn đối với các công ty trong lĩnh vực blockchain và tiền mã hóa.
Trong khi Trung Quốc cấm giao dịch tiền mã hóa và kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, Hồng Kông đã thực hiện quyền tự chủ của mình để vạch ra con đường riêng, mở cửa cho các công ty tiền mã hóa để duy trì vị thế trung tâm tài chính quốc tế.
Tại Singapore, các quy định đang liên tục bị thắt chặt. Sự sụp đổ của các công ty nổi tiếng vào năm ngoái như Three Arrows Capital và Terraform Labs, đã khiến quy trình quản lý trở nên khắt khe hơn.
Bất chấp sự khác biệt, “các nền kinh tế phát triển ở châu Á khá tiên tiến trong việc cung cấp sự rõ ràng về những quy định nằm trong khuôn khổ nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP)“, Vivien Khoo, đồng sáng lập Liên minh Tiền mã hóa Châu Á lưu ý rằng Hồng Kông và Singapore có khuôn khổ VASP “khá tương đồng”. Ông cho biết sự hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực sẽ ngày càng trở nên khăng khít hơn.
Nhật Bản
Theo một nguồn tin cá nhân, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (FSA) đã soạn thảo bộ luật về tiền ảo để thực hiện một thỏa thuận được đưa ra vào năm 2014 với các thành viên của Tổ chức Ủy ban Chứng khoán Quốc tế (IOSCO).
Vào đầu năm 2017, khi chính phủ Trung Quốc đóng cửa một số sàn giao dịch, Nhật Bản đã trở thành một trong những khu vực năng động nhất trên thế giới về tiền mã hóa. Quốc gia này từng chịu ảnh hưởng của vụ sụp đổ của sàn giao dịch tiền mã hóa Mt Gox năm 2014. Ngoài ra, vụ hack 530 triệu USD của sàn giao dịch địa phương CoinCheck vào năm 2018 cũng khiến các cơ quan quản lý thực hiện một bước ngoặt chính sách cho nghành công nghiệp tiền mã hóa Nhật Bản.
Đã xuất hiện một số luật bảo vệ người dùng tại đây, các yêu cầu đối với các sàn giao dịch được đặt ra, bao gồm cả việc bắt buộc họ phải tách biệt tài sản của sàn giao dịch và khách hàng, đồng thời giữ hầu hết tài sản của khách hàng trong ví lạnh.
Cụ thể, sau sự cố sụp đổ sàn giao dịch FTX, các khách hàng của FTX Nhật Bản sẽ nhận được tiền, trong khi các thực thể liên quan khác đang chịu tổn thất nặng nề. Các nhà lập pháp Nhật Bản đang cho thấy, đây là thời điểm tốt để các công ty tiền mã hoá và blockchain thành lập chi nhánh tại nước này.
Các chính trị gia Nhật Bản đã nỗ lực đẩy nhanh quá trình quản lý của họ vào năm ngoái. Vào tháng 12/2022, nước này thông qua một thay đổi quan trọng về thuế, sẽ được ký thành luật trong năm nay. Các dự án có thể phát hành token mà không phải trả thuế doanh nghiệp.
“Đó chắc chắn là một tín hiệu rõ ràng từ chính phủ Nhật Bản rằng chúng tôi ủng hộ tiền mã hóa,” Akihisa Shiozaki, chính trị gia Đảng Dân chủ Tự do cho biết.
Năm nay, các nhà lập pháp sẽ tiếp tục hợp pháp hóa các tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) và quy định có thể được ban hành vào một thời điểm trong phiên họp lập pháp năm nay, kết thúc vào tháng 6/2023.
Ông Shiozaki nói rằng việc hợp pháp các DAO mục đích để tăng thêm sự minh bạch trong thuế và cấu trúc pháp lý của việc đưa ra trách nhiệm hữu hạn cho các thành viên tham gia vào các dự án.
Hồng Kông
Trong những năm gần đây, Hồng Kông đang dần đánh mất vị thế dẫn đầu. Các công ty lo sợ Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng Tương lai (SFC) sẽ bắt đầu kiểm tra việc niêm yết token.
Khi lệnh cấm mới nhất của Trung Quốc đối với tiền mã hóa được công bố, một số công ty đã tự hỏi liệu quyền tự chủ của Hồng Kông có bị đe dọa hay không. Trong khi đó, chính sách Zero-Covid và cách ly kéo dài càng làm mọi thứ trở nên tồi tệ. Sự kiện tiền mã hóa hàng đầu châu Á – Token 2049, đã rời Hồng Kông để đến tổ chức tại Singapore.
Nếu thành phố thực sự cấm tiền mã hóa, các nhà quản lý sẽ có cảnh báo sớm từ các cường quốc bên kia biên giới và sẽ không tốn nhiều thời gian để soạn thảo quy định. Tuy nhiên, nhiều công ty đã không nhận được thông điệp đó.
Mặc dù vậy, trong năm 2022, các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn liên tục đầu cơ vào các NFT và giao dịch tại các sàn giao dịch không được cấp phép, giới nhà giàu trong thành phố đã bàn luận về metaverse, các ATM bitcoin và các địa điểm giao dịch tiền mã hóa mọc lên ở khắp nơi trong thành phố. Triết lý của họ dường như là cứ kiếm tiền trước – quy định để sau.
Các công ty đã phàn nàn rằng cơ quan quản lý thiếu minh bạch trong quy trình cấp phép tham gia của các doanh nghiệp, cơ quan chỉ gửi cho các công ty vài câu hỏi mỗi tháng. Và duy nhất một công ty có giấy phép (một công ty khác đã được phê duyệt về nguyên tắc) vào thời điểm Tuần lễ FinTech Hồng Kông bắt đầu.
Các cơ quan quản lý đã chứng kiến việc chảy máu nhân tài và các công ty tiềm năng, điều này ảnh hưởng đến vị thế của Hồng Kông như một trung tâm tài chính quốc tế. Chính vì thế, họ đã nỗ lực thay đổi, liên tục nhấn mạnh quyền tự chủ của thành phố về quy định tài chính với Trung Quốc.
Chế độ VASP sắp tới, như đã tuyên bố vào đầu năm ngoái, có nghĩa chỉ những sàn giao dịch có giấy phép được hoạt động trong thành phố và họ không thể phục vụ các giao dịch bán lẻ. VASP sẽ có hiệu lực vào tháng 3/2023 (nhưng được lùi lại đến tháng 6/2023).
Các cuộc tham vấn chính thức về các yêu cầu đối với các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo để cung cấp dịch vụ bán lẻ sẽ sớm bắt đầu, theo một nguồn tin từ chính phủ.
Vào ngày 11/1/2023, CEO Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai Hồng Kông (SFC) – Julia Leung tiết lộ họ đang chuẩn bị một danh sách các token mà các nhà đầu tư bán lẻ có khả năng đầu tư. Jason Chan, cộng sự cấp cao tại công ty luật Dechert, nói rằng có khả năng danh sách token ban đầu mà các sàn giao dịch có thể cung cấp cho các đối tượng bán lẻ sẽ rất hạn chế vì SFC chỉ cho phép những gì họ cảm thấy an toàn.
SFC đang tích cực làm việc trên một khuôn khổ phái sinh nhưng các cuộc thảo luận vẫn còn khá sơ bộ và khó có thể đi đến bất kỳ quy định cụ thể nào trong năm nay.
Tuy nhiên, điều được mong đợi trong năm nay là khung quy định của stablecoin, với việc Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông ban hành một tài liệu thảo luận nêu rõ quan điểm rằng chỉ những công ty có giấy phép mới có thể phát hành stablecoin và cung cấp thanh toán xuyên biên giới. Ngoài ra, năm nay sẽ chứng kiến các thông báo tiếp theo từ SFC về việc phát hành các dịch vụ token chứng khoán và các sản phẩm cấu trúc tài sản ảo.
Singapore
Trong khi thuế doanh nghiệp đối với việc phát hành token ở Nhật và Hồng Kông có vẻ kém thân thiện, tại Singapore các công ty trong lĩnh vực blockchain và tiền mã hóa chỉ cần tuân thủ khung pháp lý khá dễ dàng khi làm việc với cơ quan chính phủ.
Một nhà sáng lập công ty khởi nghiệp Web3 chia sẻ rằng: Nhiều người Singapore không xem các sàn giao dịch tiền mã hóa là sòng bạc, mà xem đây là các ngân hàng kỹ thuật số để tạo dựng đòn bẩy tài chính và đầu tư vào các sản phẩm mang lại lợi nhuận.
“Hệ thống ngân hàng của chúng tôi quá bảo thủ để cung cấp các sản phẩm tương tự, hoặc họ làm nhưng tính phí vô lý cho các sản phẩm tài chính phức tạp không cần thiết“, ông nhận xét. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Singapore từng đóng góp đáng kể lượng truy cập hàng tháng của FTX.com.
Năm ngoái, Terraform Labs, quỹ đầu cơ tiền mã hóa Three Arrows Capital, công ty cho vay tiền mã hóa Hodlnaut, và một số công ty từng đăng ký ở Singapore đều lần lượt sụp đổ. Những sự kiện này đã thúc đẩy xu hướng quản lý rủi ro gia tăng và tập trung cao độ vào việc bảo vệ người tiêu dùng.
Được biết, cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đã ban hành các cuộc tham vấn trong năm nay về stablecoin và giảm các tác động tiêu cực lên người dùng và ngành bán lẻ.
Trong số các biện pháp được đề xuất sẽ bao gồm việc hạn chế các công ty cho vay tiền mã hoá. Biện pháp này được đưa ra bắt nguồn từ sự sụp đổ của các nền tảng cho vay khi hoạt động này hiện không được kiểm soát.
Trong khi MAS đang xem xét các yêu cầu đối với việc giảm thiểu rủi ro cho vay và đặt cọc, cơ quan quản lý dường như đang nghiêng về phía cấm hoàn toàn, Nizam Ismail, CEO Ethikom Consultancy và chủ tịch tiểu ban pháp lý và tuân thủ của Hiệp hội Blockchain Singapore nói: “Bằng cách đưa ra các lệnh cấm toàn diện, các nền tảng có trụ sở tại Singapore sẽ gặp bất lợi khi không thể cung cấp các dịch vụ này”.
Rahul Advani, giám đốc chính sách (APAC) tại Ripple nhận định, đề xuất trên sẽ có tác động đối với tài chính phi tập trung (DeFi). Ông cho rằng các giao thức DeFi như Automated Market Makers (AMM) cung cấp một số lợi ích, như cho phép các token thanh toán kỹ thuật số được giao dịch tự động bằng cách sử dụng các nhóm thanh khoản thay vì thị trường truyền thống giữa người mua và người bán. Các hạn chế sẽ làm giảm đáng kể cách người dùng tương tác với DeFi. Ông cũng đặt câu hỏi rằng, các ngân hàng và nhà môi giới có thể cho vay chứng khoán, thì tại sao các tài sản kỹ thuật số lại bị đối xử khác biệt.
Về stablecoin, ngành đang chờ xem liệu các tổ chức phát hành stablecoin (không phải là ngân hàng) có phải tuân theo các yêu cầu về vốn tương tự hay không. Ngoài ra còn có một câu hỏi về cách MAS sẽ đối xử với các nhà phát hành stablecoin được đăng ký tại đây nhưng không được phát hành tại thị trường địa phương.
Tuy nhiên có một rủi ro tiềm ẩn là các nhà cung cấp dịch vụ không được cấp phép và không được kiểm soát đang trở thành địa điểm hấp dẫn để công chúng Singapore giao dịch tài sản kỹ thuật số.