Từng bị ví von như cơn sốt hoa Tulip thứ hai, nhưng tiền mã hóa đang dần trở thành một danh mục đầu tư phổ biến của người dân châu Á.
Năm 2022, tiền mã hóa không chỉ phổ biến trong danh mục đầu tư của giới nhà giàu châu Á mà nó còn được áp dụng rộng rãi trong đa số người dân.
Theo một nghiên cứu của KPMG China và Aspen Digital, 58% văn phòng gia đình và cá nhân có giá trị tài sản ròng cao (HNWI) ở Hồng Kông và Singapore đã đầu tư vào tài sản kỹ thuật số, 34% dân số khác có kế hoạch đầu tư vào loại tài sản này.
Theo báo cáo của Raffles Family Office và Campden Wealth, bất chấp những khó khăn của thị trường năm nay, những người đã đầu tư vẫn giữ nguyên quan điểm lạc quan với tiền mã hóa khi 59% văn phòng gia đình APAC trên thị trường có kế hoạch giữ khoản phân bổ của họ và 25% đang tìm cách tăng mức độ tiếp xúc với loại tài sản này.
Cơ sở đầu tư
Trên thực tế, nhu cầu về tiền mã hóa đang tăng cao đột biến đối trong giới những nhà đầu tư giàu có trong khu vực.
Vào tháng 9, DBS đã cho ra mắt sàn giao dịch kỹ thuật số DDEx để đáp ứng sự quan tâm ngày càng tăng của các khách hàng giàu có. Giao dịch tiền mã hóa trên DDEx trước đây chỉ giới hạn cho các nhà đầu tư tổ chức và doanh nghiệp, văn phòng gia đình và ngân hàng tư nhân (tối thiểu 5 triệu USD Singapore hoặc 3,7 triệu USD Singapore trong tài sản có thể đầu tư).
Theo một nghiên cứu từ Longitude Research và Matrixport, nhu cầu quan tâm của giới thượng lưu với tiền mã hóa đã tăng lên rõ ràng sau sự sụp đổ LUNA, từ mức 25% lên 50% vào tháng 5/2022.
Tâm lý từ các ngân hàng
Ngày càng có nhiều ngân hàng toàn cầu công khai bày tỏ sự lạc quan về triển vọng của các tài sản kỹ thuật số, đặc biệt do họ kỳ vọng về sự rõ ràng của các quy định sau sự sụp đổ của FTX.
Chiến lược gia vĩ mô Marion Laboure của Deutsche Bank cho biết: “Mặc dù các nhà đầu tư đã chịu tổn thất đáng kể, nhưng chúng tôi tin rằng mùa đông tiền mã hóa thứ hai này sẽ diễn ra tích cực vì sự sụp đổ của FTX sẽ đưa hệ sinh thái tiền mã hóa đến gần hơn với lĩnh vực tài chính đã được thiết lập”.
Trong khi đó, nhà phân tích vốn chủ sở hữu của JPMorgan, Steven Alexopoulos nhận xét, “trên thực tế, việc thiết lập một khung pháp lý là chất xúc tác cần thiết để thúc đẩy việc áp dụng tiền mã hóa của các tổ chức”. Ông cũng ví sự sụp đổ của FTX là “một bước lùi, hai bước tiến” cho thị trường.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều bị thuyết phục, Noel Quinn, Tổng giám đốc ngân hàng HSBC, nhấn mạnh họ không tham gia kinh doanh tiền mã hóa theo bất kỳ cách nào.
Trong khi đó, Tee Fong Seng, CEO công ty quản lý tài sản Pictet Châu Á nói với Bloomberg hiện tại tiền mã hóa không có chỗ đứng trong các ngân hàng tư nhân. “Nếu bạn nhìn vào sự biến động trong hai năm qua, bạn có thể kiếm được nhiều tiền, nhưng cũng có thể mất rất nhiều tiền”, ông lưu ý.