Ở Việt Nam, giới trẻ lại càng quan tâm hơn khi một start-up của VN về NFT game là Axie Infinity đạt mức vốn hóa tỉ đô. Khắp nơi trên thế giới những sản phẩm NFT mới được bán với giá trên trời cũng liên tục xuất hiện trên phương tiện truyền thông. Điều gì khiến NFT trở nên hot như vậy, và liệu dưới góc nhìn của pháp lý, có bất cứ rủi ro nào không?
NFT có thể tạm hiểu là token không thể thay thế, tức độc nhất. Token chính là 1 dạng chuỗi số mã hóa được phát triển dựa trên một nền tảng blockchain, phổ biến nhất hiện nay là dựa trên Ethereum.
Khác với các sản phẩm số khác như tiền điện tử crypto, đồng tiền nào cũng giống nhau và có thể thay thế (fungible, đây là một thuật ngữ pháp lý), NFT như tên gọi của nó thể hiện: non-fungible có tính chất không thể thay thế, vì vậy NFT được ứng dụng để sáng tạo ra những sản phẩm kỹ thuật số độc nhất. Đó có thể là một vật phẩm/nhân vật trong một game hay metaverse hoặc là sản phẩm số hóa sáng tạo từ những thứ ngoài đời thật (tài sản hiện hữu gốc – physical underlying assets).
Với những đặc tính này, bên cạnh nền công nghiệp game NFT được trông chờ sẽ ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau, điển hình là nghệ thuật (phim ảnh, hội họa, nghệ thuật đương đại), thời trang, hoặc mã hóa các loại tài sản để chống lại vấn đề giả mạo, ví dụ mã hóa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Là một sản phẩm duy nhất (unique), NFT sẽ phát sinh những vấn đề pháp lý của riêng nó. Tuy nhiên, đây là một sản phẩm, ứng dụng còn rất mới nên những văn bản pháp lý có liên quan hoặc đề cập tới nó còn rất ít, sơ sài, thậm chí không tồn tại ở nhiều nước phát triển trên thế giới chứ không chỉ Việt Nam.
Dưới đây, chúng tôi liệt kê, phân tích, và đưa ra những câu hỏi xoay quanh các vấn đề pháp lý của NFT cũng như đề cập tới những chính sách và văn bản pháp lý có liên quan đến NFT của các nước khác và Việt Nam. Bài viết sẽ không đi sâu phân tích kỹ thuật (technical) mà trình bày dễ hiểu để những nhà đầu tư, những người trong lĩnh vực IT, những người không có kiến thức chuyên môn pháp luật (lay-person) cũng có thể hiểu và thấy thú vị.
1. Quyền sở hữu và quyền tác giả của NFT
Nếu bạn mua một vật phẩm game NFT, quyền sở hữu tuyệt đối của bạn với vật phẩm này là không cần bàn cãi. Tuy nhiên, vấn đề về quyền sở hữu đặt ra khi NFT gắn liền với tài sản vật lý, mà phổ biến là các tác phẩm nghệ thuật như tranh vẽ, bức ảnh, bản nhạc, video (gọi chung là NFT Art). Đây là một dạng tài sản đặc biệt – tài sản trí tuệ và luôn đi cùng với quyền tác giả (copyright).
Khác với tài sản vật lý thông thường, NFT thuần tuý là tài sản kỹ thuật số. Thậm chí tồn tại song song hai bản thể trong cùng một tài sản NFT nếu tài sản đời thực được số hoá, sau đó định danh chủ sở hữu bằng NFT – đó là bản thể gốc dưới dạng vật lý và bản thể kỹ thuật số. Vậy người mua thực chất sở hữu gì khi thu về một tài sản NFT, đặc biệt là NFT Art? Chúng ta cùng xem xét trên hai khía cạnh theo hai cách mà tài sản NFT được tạo ra: Một là “NFT hoá” tài sản gốc từ đời thực; Hai là khởi tạo tài sản NFT trực tiếp bằng kỹ thuật số.
1.1 NFT hoá tài sản gốc từ đời thực
Nhắc tới nghệ thuật là nhắc tới quyền sở hữu trí tuệ. Do chưa có pháp luật điều chỉnh NFT ở hầu hết các quốc gia, chúng ta cần tham khảo những quy định pháp luật liên quan trên thế giới về sở hữu trí tuệ (SHTT). Theo Luật Bản Quyền Mỹ (Copyright Law of the United States), tác giả là người tạo ra phiên bản gốc và đầu tiên của tác phẩm. Người này sở hữu quyền tác giả, trừ khi đồng ý chuyển giao quyền cho người khác bằng văn bản. Tác giả được độc quyền thực hiện sao chép, phân phối, sửa chữa, công bố tác phẩm. Đây cũng là cách tiếp cận quyền tác giả của nhiều nước trên thế giới bao gồm cả Việt Nam.
Đằng sau một tác phẩm NFT được số hoá từ đời thực, có ba thứ tài sản cùng tồn tại: Tài sản kỹ thuật số NFT (NFT digital asset); Tài sản gốc vật lý (physical underlying asset); và Quyền tác giả đi kèm tài sản gốc (copyright to the underlying asset). Vậy người mua có quyền sở hữu những tài sản nào?
Trước tiên, người mua sở hữu tài sản kỹ thuật số, mà bản chất chính là một bản sao được tạo ra nhờ mã hoá tài sản gốc. Nhờ công nghệ NFT mà bản sao này được coi là độc bản trên thị trường và quyền sở hữu của người mua cũng được xác thực. Tiếp theo, việc người mua có sở hữu thêm tài sản vật lý bên cạnh tài sản kỹ thuật số hay không tuỳ thuộc vào người bán (hay tác giả), và sẽ được chú thích rõ trong phần giới thiệu khi giao dịch. Cuối cùng, theo các quy định đã phân tích, quyền tác giả thuộc về người bán. Người bán vẫn độc quyền khai thác thương mại từ tác phẩm gốc, ví dụ như tạo ra các bản sao khác, thậm chí bán lại tác phẩm gốc cho một bên thứ ba.
Mua tác phẩm NFT tương tự mua tác phẩm vật lý ở chỗ, không có sự tự động chuyển giao quyền tác giả, trừ khi có thoả thuận khác giữa hai bên. Người mua có quyền sở hữu với bản sao NFT, nhưng không có bất kỳ quyền nào với tác phẩm gốc, càng không được tự động tạo ra những bản sao tiếp theo từ tác phẩm NFT – đây chính là giới hạn quyền sở hữu của người mua.
Đối chiếu với quy định tương tự trong Luật SHTT 2005 của Việt Nam: Quyền tác giả thuộc về người sáng tạo ra tác phẩm, bao gồm quyền nhân thân (đặt tên, đứng tên, công bố, bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm) và quyền tài sản (sao chép, phân phối,…). Bán tác phẩm NFT chỉ là bán bản sao dưới định dạng NFT, trong khi quyền nhân thân và quyền tài sản với tác phẩm gốc vẫn thuộc về tác giả. Người mua được sử dụng hoặc nhận chuyển nhượng hai quyền này chỉ khi đạt được thoả thuận với người bán. Cần lưu ý rằng ba trong số quyền nhân thân là đặt tên, đứng tên, và bảo vệ sự vẹn toàn của tác phẩm không được phép chuyển nhượng.
Một ví dụ ở Việt Nam minh hoạ cho phân tích trên là bức tranh Hoa Mai May Mắn của hoạ sỹ 14 tuổi Xèo Chu, được bán đấu giá thành công hơn nửa tỷ đồng trên sàn giao dịch Binance NFT đầu tháng 8 vừa qua. Theo đại diện của Binance NFT, bức tranh vẽ tay thuộc về Xèo Chu, người mua chỉ sở hữu bức tranh kỹ thuật số. Xèo Chu vẫn có thể tuỳ ý triển lãm, tặng, bán bức tranh vẽ tay. Việc người mua có sở hữu thêm tác phẩm vật lý bên cạnh tác phẩm NFT hay không tuỳ thuộc vào người bán. Nếu người mua đồng ý chỉ sở hữu tác phẩm kỹ thuật số, tác phẩm vật lý vẫn thuộc về nghệ sĩ. Sau cùng, Xèo Chu vẫn nắm quyền tác giả đối với bức tranh.
1.2 Khởi tạo tài sản NFT bằng kỹ thuật số (Digitally native NFT)
Đối với tài sản tạo ra trên nền tảng kỹ thuật số sau đó được token hoá, sẽ không tồn tại tài sản gốc dạng vật lý. Thay vào đó có ba loại tài sản là: Tài sản kỹ thuật số NFT; Tài sản gốc ở dạng kỹ thuật số; và Quyền tác giả gắn liền với tài sản gốc. Có thể vận dụng quy tắc tương tự từ các quy định về SHTT của Mỹ hay Việt Nam. Để hình dung, chúng ta nhìn từ phiên bản NFT của Nyan Cat Meme, được bán đấu giá US$590,000 trên nền tảng crypto art vào tháng 2 vừa qua (2021). Người mua chỉ sở hữu bản NFT, trong khi tác giả vẫn giữ tác phẩm gốc kỹ thuật số (original meme) và quyền tác giả đi kèm (bao gồm các quyền như sao chép, phân phối tác phẩm meme gốc).
1.3 Phí bản quyền NFT (NFT royalty)
Ngoài để thoả mãn thú chơi sưu tầm, người mua sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn cho NFT còn nhằm mục đích đầu tư, tức là bán lại để thu về lợi nhuận (resale). Việc bán lại này đồng nghĩa người mua đang sử dụng quyền tác giả của người nghệ sĩ, mà cụ thể là quyền phân phối bản sao tác phẩm, nằm trong nhóm quyền tài sản theo Luật SHTT 2005. Để thực hiện quyền này, người nghệ sĩ (licensor) phải chuyển quyền sử dụng quyền tác giả cho người mua (licensee) thông qua một loại hợp đồng có tên hợp đồng li xăng (licensing agreement).
Một trong các khoản thanh toán hay gặp trong hợp đồng là phí bản quyền (royalty). Đây là khoản tiền mà licensee phải trả cho licensor, thường tính trên phần trăm doanh thu kiếm được từ việc sử dụng quyền tác giả. Một số nước trên thế giới, điển hình như Đức, cho phép tác giả liên tục hưởng lợi ích từ việc tác phẩm của họ được khai thác và tăng lên về giá trị (German Copyright Act). Điều này giải thích lí do tại sao tồn tại khái niệm NFT royalty, cho phép tạo ra thu nhập thụ động cho nghệ sĩ bằng cách nhận về một phần giá bán mỗi khi tác phẩm NFT được bán lại trên sàn giao dịch (secondary sales on marketplace).
Tuỳ thuộc mỗi sàn mà cách tính NFT royalty là khác nhau, thông thường rơi vào từ 5-10% giá trị của mỗi giao dịch bán lại. Giả sử nghệ sĩ tạo ra một bức tranh NFT trên sàn OpenSea và bán với giá 8 ETH, kèm theo 10% royalty. Tác phẩm sau đó được người mua bán lại cho một bên khác với giá 100 ETH. Ngay lập tức 10 ETH royalty sẽ được tự động chuyển vào ví của nghệ sĩ. Chừng nào người mua mới bán lại tác phẩm này, nghệ sĩ cũng tiếp tục nhận được 10% royalty, và quá trình này cứ như vậy lặp đi lặp lại.
Nếu chỉ bán tác phẩm vật lý, đa phần sau lần bán đầu tiên, tác giả rất khó kiểm soát thời điểm diễn ra cũng như giá trị của những lần bán lại tiếp theo. Nếu không phải tác phẩm gây tiếng vang lớn, nghệ sĩ hầu như ít có cơ hội kiếm thêm lợi nhuận từ những tác phẩm đã được bán đi. NFT royalty lúc này trở thành cơ hội lớn để gia tăng thu nhập và lợi nhuận cho nghệ sĩ.
1.4 Hợp đồng thông minh (Smart contract)
Một NFT được tạo ra không tự động đi kèm với royalty. Royalty phải được ghi nhận như một điều khoản trong smart contract giữa bên mua và bên bán để được tự động thực thi.
Nói qua về smart contract, đây là bộ giao thức đặc biệt hoạt động dựa trên công nghệ blockchain, có khả năng tự động thực hiện thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng. Chỉ với internet, smart contract cho phép các bên thực hiện hợp đồng chính xác và nhanh chóng, không cần biết danh tính nhau, không cần gặp trực tiếp, cũng không cần sự can thiệp của bên thứ ba trung gian. Smart contract tương đương một hợp đồng pháp lý nhưng được ghi lại dưới ngôn ngữ lập trình.
Khi tác giả bán tài sản NFT cho người mua, smart contract được tự động hình thành giữa hai bên. NFT smart contract bao gồm các nội dung của hợp đồng mua bán NFT lẫn hợp đồng li xăng giữa tác giả và người mua. Trong đó xác định rõ giá bán tài sản NFT, có hay không sự chuyển giao quyền tác giả hoặc quyền sử dụng quyền tác giả, phạm vi quyền được chuyển giao, royalty,… Nhờ blockchain và smart contract mà cơ chế royalty cũng như nhiều điều kiện khác trong quá trình mua bán được thiết kế một cách tự động và chính xác.
2. NFT & chứng khoán
Do pháp luật ở hầu hết các quốc gia chưa điều chỉnh NFT nên cũng không có một địa vị pháp lý (legal status) chính thức nào dành cho NFT. Việc phân loại NFT vào nhóm chứng khoán (securities), tài sản mã hoá (cryptoasset), hay hàng hoá cho tới nay mới chỉ dừng ở mức suy luận dựa trên đặc điểm của NFT và cách thức giao dịch.
Tại Mỹ, nếu NFT được quảng bá như một công cụ tài chính mà người nắm giữ kỳ vọng thu về lợi nhuận khi giao dịch, thì NFT có khả năng bị coi là hợp đồng đầu tư (investment contract) – một loại chứng khoán theo pháp luật chứng khoán Mỹ. Việc phát hành NFT có thể cấu thành hành vi chào bán chứng khoán khi chưa đăng ký (unregistered securities offering). Tương tự là cách tiếp cận của Anh, cho rằng NFT nếu thỏa mãn các điều kiện của khoản đầu tư theo luật (regulated investment), thì việc giao dịch NFT cũng sẽ kéo theo các nghĩa vụ về đăng ký hay licensing.
Tại Việt Nam, ngay đến giá trị pháp lý của tiền mã hoá, tài sản mã hoá cũng không được pháp luật công nhận, thậm chí bị hạn chế việc sử dụng, giao dịch. Vì vậy khác với Mỹ hay Anh, NFT không có khả năng rơi vào bất kỳ loại chứng khoán nào theo Luật Chứng Khoán 2019. Việc phát hành và giao dịch NFT tại Việt Nam do đó không phải tuân theo các yêu cầu pháp lý chặt chẽ như đối với chứng khoán, song mặt trái là nhà đầu tư, người sở hữu cũng chưa được pháp luật bảo vệ quyền lợi một cách cụ thể.
3. Rửa tiền
NFT hiện đang nằm trong top những trend công nghệ mới và phổ biến nhất hiện nay. Tính mới này dẫn đến việc chưa có cơ sở (tiêu chuẩn) định giá chính xác cũng như chưa có thực tiễn thị trường về giao dịch NFT. Giá trị của NFT chủ yếu dựa trên niềm tin, sở thích, thị hiếu của người mua mà không ràng buộc bởi bất kỳ tiêu chuẩn nào. Nhiều người có thể bỏ ra hàng hàng triệu USD để sở hữu các tác phẩm NFT không quá đặc sắc về hình thức, thậm chí dễ dàng tạo ra từ phần mềm đồ họa cơ bản. Ví dụ chỉ một dòng tweet dài 20 ký tự dưới dạng NFT của CEO Twitter Jack Dorsey, nhưng từng được bán trị giá tương đương 2,9 triệu USD.
Đây chính là kẽ hở dẫn tới hoạt động rửa tiền (money laundering) – thông qua các giao dịch chuyển giá. Thị trường giao dịch NFT có thể đã và sẽ trở thành một phương tiện hữu hiệu để rửa tiền cho các hoạt động phi pháp.
Sự thiếu đồng bộ trong việc áp dụng eKYC (xác minh khách hàng) trên các nền tảng giao dịch NFT khác nhau dẫn tới khó xác định danh tính thật đằng sau mỗi tài khoản. Các tổ chức tội phạm có thể lợi dụng điều này, cùng lúc tạo ra nhiều tài khoản ẩn danh, sau đó giao dịch NFT qua lại giữa chính các tài khoản giả mạo, với số tiền bỏ ra lớn hơn giá trị thực của NFT rất nhiều lần. Sau mỗi giao dịch NFT thành công, khoản tiền phi pháp ban đầu đã biến thành tài sản hợp pháp, chính là khoản thanh toán cho NFT. Khoản tiền này được lưu trữ tại ví tiền mã hoá, từ đó chuyển sang tài khoản ngân hàng, sau cùng thâm nhập vào hệ thống lưu thông tiền tệ.
Với hoạt động rửa tiền truyền thống, tội phạm thường núp bóng các giao dịch thương mại (giao dịch tín dụng, mua bán hàng hóa, dịch vụ…). Nhờ cơ chế phối hợp kiểm soát và định giá tài sản chặt chẽ của nhiều cơ quan quản lý mà những giao dịch rửa tiền này sẽ bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên, giao dịch NFT chính là một hình thức rửa tiền mới mà các nhóm tội phạm cho là an toàn hơn, bởi chúng tránh được sự quản lý và kiểm soát từ nhà nước.
Ngoài ra, NFT còn có thể bị lợi dụng như một công cụ trốn thuế. NFT chủ yếu được giao dịch bằng tiền mã hóa như ethereum. Thu nhập mang về sẽ biến động theo giá trị của ethereum tùy từng thời điểm. Tức là không thể xác định chính xác giao dịch mua bán NFT sẽ mang về lỗ hay lợi nhuận cho nhà đầu tư để làm căn cứ tính thuế, nhất là trong hoàn cảnh thiếu khung pháp lý về thuế đối với tiền mã hóa, tài sản mã hoá tại nhiều nước trên thế giới. Đồng thời, vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát thông tin tài khoản giao dịch cũng như xác định danh tính người có thu nhập từ tiền mã hóa để truy thu thuế. Trong nhiều trường hợp, việc giao dịch NFT tạo ra lợi nhuận cho người bán lẫn người tạo ra NFT. Tuy nhiên việc thiếu cơ sở pháp lý và cơ chế quản lý để truy thu thuế trong các trường hợp này khiến hao hụt một lượng tiền khổng lồ lẽ ra có thể đóng vào ngân sách các quốc gia.
Tại Việt Nam, tiền mã hoá, tài sản mã hoá, và hiện nay là NFT đều chưa được pháp luật Việt Nam công nhận. Không những không được coi là tiền tệ hay tài sản, mà tiền mã hoá và tài sản mã hoá còn bị hạn chế sử dụng và giao dịch. Đối với NFT, thuật ngữ này còn quá mới để xuất hiện trong bất cứ chính sách hay văn bản pháp luật nào của nước ta. Vì vậy, pháp luật về phòng chống rửa tiền của Việt Nam, điển hình như Luật Phòng Chống Rửa Tiền 2012 sẽ chưa thể liệt kê những hành vi rửa tiền có liên quan đến NFT. Tương tự, NFT và các hoạt động giao dịch NFT bằng tiền mã hoá cũng không nằm trong phạm vi điều chỉnh của pháp luật thuế, do đó không làm phát sinh nghĩa vụ nộp thuế của các chủ thể liên quan. Việc không có pháp luật điều chỉnh và thiếu cơ quan quản lý hiện nay, về phía cơ quan nhà nước, sẽ phát sinh rủi ro tiềm ẩn về trốn thuế và rửa tiền.
PCB tổng hợp