Với mức phí giao dịch thấp, xuyên biên giới, đồng stablecoin Tether (USDT) đã trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế ngầm ở Campuchia, dù chính quyền đã chính thức cấm giao dịch loại tiền mã hoá này.
Theo SCMP, tại một số địa điểm ở Phnom Penh nơi người Trung Quốc thường xuyên lui đến, các biển hiệu quảng cáo dịch vụ trao đổi đồng Nhân dân tệ đổi lấy USDT hoạt động 24/24, đây là loại tiền mã hoá được ưa chuộng để luân chuyển dòng tiền vào ra khỏi Trung Quốc, sử dụng trong các hoạt động đánh bạc, cũng như thanh khoản cho các hoạt động lừa đảo trực tuyến ở khu vực Đông Nam Á.
Trong khi các sàn giao dịch tiền tệ chính thống tại Phnom Penh đang cung cấp dịch vụ và giải pháp giao dịch, nhằm tránh các quy định kiểm soát tiền tệ của Trung Quốc đối với cộng đồng người Hoa, USDT vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế ngầm rộng lớn tại Campuchia, và đang dần trở thành đối tượng bị giám sát chặt chẽ.
Vào tháng 11, Bộ Tư pháp Mỹ đã tịch thu gần 9 triệu USD liên quan đến các vụ lừa đảo trực tuyến, sau khi tiến hành điều tra các ví tiền mã hoá và sàn giao dịch. Tether Holdings, công ty phát hành USDT cũng thông báo, họ đã đóng băng thêm 225 triệu USDT liên quan đến các vụ lừa đảo trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á có tên gọi ‘pig butchering’.
SCMP báo cáo, chính phủ Mỹ và Tether không công bố cụ thể nơi họ truy vết tài sản, hoặc chủ các ví tiền mã hoá nhận tiền. Tuy nhiên, Đông Nam Á được xác định là trung tâm của hoạt động rửa tiền từ các trò chơi trực tuyến và các kế hoạch lừa đảo, đặc biệt là Lào, Myanmar và Campuchia.
Theo ông Ngô Minh Hiếu, Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Việt Nam và là chuyên gia bảo mật Hiệp hội Blockchain Việt Nam, “các đặc điểm phức tạp của tiền mã hoá đã tạo điều kiện lý tưởng cho các kế hoạch lừa đảo và hệ thống Ponzi, nhắm vào những nhà đầu tư thiếu kiến thức.”
Thậm chí, ngay cả những người điều hành sàn giao dịch tiền mã hoá và sàn giao dịch USDT trực tuyến tại Phnom Penh cũng thừa nhận, họ đang vận hành một dịch vụ tài chính ngầm song song trong một nền kinh tế đang phát triển. Một chủ sàn giao dịch nói: “Chúng tôi là một ngân hàng ngầm. Các câu hỏi về quyền riêng tư của khách hàng đôi khi không thể trả lời.”
Ngoài ra, trong số các nhà hàng, tiệm thời trang và tiệm cắt tóc dành cho cư dân Trung Quốc, có hơn 10 cửa hàng treo biển quảng cáo trao đổi tiền tệ bằng tiếng Trung, với mức giá khoảng 7 Nhân dân tệ cho mỗi USDT. Tuy nhiên, trước khi tham gia giao dịch, người ta luôn nhắc nhau về ‘rủi ro của tiền mã hoá tại Campuchia’.
“Rất nhiều người bị mất tiền trên điện thoại, bạn phải cẩn thận,” một nhân viên cho biết.
Chuyên gia Ngô Minh Hiếu cũng lưu ý, không có sự an toàn tuyệt đối trong thế giới tiền mã hoá đầy rối loạn này. “Việc hack các sàn giao dịch và ví tiền mã hoá cũng là một rủi ro đáng kể,” ông nói.
Mua bán thẻ SIM và dữ liệu cá nhân
Không thể ước tính phạm vi tác động của Tether vào nền kinh tế Campuchia. Tuy nhiên, trên phạm vi toàn cầu, hiện có khoảng 84 tỷ USDT đang lưu thông.
Các ngân hàng, sàn giao dịch và nền tảng công nghệ tại Campuchia đang phát triển mạnh mẽ. Những hứa hẹn về giải pháp số hóa mượt mà và đáng tin cậy cho vấn đề về dòng tiền được quảng cáo dễ dàng thông qua các phương tiện truyền thông xã hội và các kênh được mã hóa.
Một nền tảng tài chính đăng ký tại Campuchia, có tên Huione Pay, hoạt động như một ngân hàng trực tuyến, chấp nhận và giao dịch USDT với khách hàng thông qua các kênh Telegram, với hàng chục “nhóm giao dịch” khác nhau.
Nhiều cửa hàng còn chấp nhận USDT để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đa dạng, từ bán thẻ SIM di động đến quảng cáo và bán dữ liệu liên quan đến người Trung Quốc ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy vậy, việc xác định tính hợp pháp của các hoạt động này là một nhiệm vụ không dễ dàng. Một số cuộc trò chuyện được mã hóa cũng chỉ ra, USDT còn được chấp nhận ở hầu hết các khoản tiền gửi và giao dịch trong thương mại ngầm.
Các chuyên gia bảo mật cho rằng sức hấp dẫn của USDT đối với các nhóm tội phạm ở Đông Nam Á là không thể bàn cãi.
“Theo một cách nào đó, các điều kiện hoạt động hoàn hảo cho tội phạm đã được tạo ra ở các khu vực biên giới và khu vực kinh tế đặc biệt tại đây”, theo Jeremy Douglas, đại diện Vùng của Văn phòng Báo cáo ma túy và Tội phạm Liên Hợp Quốc. Ông giải thích rằng, tiền mã hoá – đặc biệt là USDT giao dịch trên nền tảng TRON – được sử dụng mạnh mẽ bởi tội phạm trực tuyến, trong khi các chính quyền trong khu vực hiện không thể bắt kịp.
“Năng lực của các nhóm tội phạm điều hành trò chơi trực tuyến, lừa đảo, hoạt động rửa tiền và ngân hàng ngầm đang tiên tiến hơn nhiều so với hầu hết các cơ quan thực thi pháp luật ở Đông Nam Á”, Douglas lưu ý.
Vào ngày 08/12, chính phủ Mỹ, Anh và Canada đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 14 cá nhân và doanh nghiệp liên quan đến hoạt động lừa đảo trực tuyến và buôn người tại Campuchia, Lào và Myanmar. Danh sách bao gồm các doanh nghiệp đăng ký tại Campuchia như ZhengHeng Group Co Ltd, Heng He Casino, KB Hotel, Pacific Real Estate Management Co và Golden Sun Sky Co Ltd. Các cá nhân như doanh nhân người Campuchia, Hum Sovanny; hai công dân Trung Quốc tị nạn ở Campuchia là She Zhijiang và Dong Lecheng.
Vượt ngoài tầm kiểm soát
Ngân hàng quốc gia Campuchia đã áp dụng công nghệ blockchain nhằm cho phép thanh toán QR và chuyển khoản qua các ngân hàng được đăng ký. Tuy nhiên, tiền mã hoá đã bị cấm ở Campuchia từ năm 2017.
Meas Soksensan, người phát ngôn của Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia, cho biết, ông không được thông báo về cuộc điều tra đối với Tether do Mỹ tiến hành, và Ngân hàng Quốc gia Campuchia không thể đưa ra bình luận.
Tiền mã hoá đang lan rộng tại các sòng bạc ở Campuchia, những nơi chủ yếu dành cho người Trung Quốc để trốn tránh các lệnh cấm đánh bạc tại quê nhà – cũng như trên hàng loạt các trang web đánh bạc trực tuyến hoạt động ở quốc gia Đông Nam Á này. Trong khi hoạt động lừa đảo trực tuyến có giá trị hàng tỷ USD của Campuchia đã bùng nổ từ chính các sòng bạc ở thủ đô Sihanoukville và các khu vực tiếp giáp với Việt Nam, Lào và Thái Lan.
Trong một báo cáo vào tháng 9 về các sòng bạc và lừa đảo trực tuyến ở Đông Nam Á, Văn phòng Tội phạm và Ma tuý của Liên Hợp Quốc cho biết, tiền mã hoá đang ngày càng được sử dụng trong các luồng tài chính phi pháp. Ước tính có khoảng 7,5 tỷ USD đến 12,5 tỷ USD trong tổng số tiền bất hợp pháp đang lưu thông qua một quốc gia ở Đông Nam Á được giấu tên.
Dù Campuchia đã cấm ngành kinh doanh cờ bạc trực tuyến đang phát triển của mình vào năm 2020, nhưng các trang web vẫn dễ dàng tiếp tục hoạt động.
Ben Lee, đồng sáng lập của IGamiX Management and Consulting, công ty tư vấn về ngành công nghiệp trò chơi trong khu vực, nói rằng tiền mã hoá đã tích hợp vào ngành công nghiệp cờ bạc do tính đơn giản của việc chuyển tiền qua biên giới.
“Tôi nghĩ rằng hầu hết các chính phủ ở châu Á … không sẵn sàng cho sự phát triển này”, các sòng bạc quan tâm đến doanh thu hơn là bản chất của dòng tiền chảy qua nền tảng của họ”, ông nhận định.
Trong khi đó, Jonny Ferrari, một doanh nhân người Mỹ đã làm việc trong ngành công nghiệp cờ bạc ở Campuchia từ năm 2015, giải thích, USDT dường như là đồng tiền mã hoá được các doanh nghiệp cờ bạc trực tuyến lựa chọn để phục vụ thị trường Trung Quốc, nó còn cho phép tội phạm rửa tiền thông qua nhiều công ty bình phong.
“Không ai có đủ khả năng truy vết xa đến như vậy”, ông đánh giá.