Nhiều quốc gia đang hướng tới xây dựng Thành phố thông minh (Smart City) nhằm ứng dụng các công nghệ hiện đại để giải quyết những thách thức đô thị và tạo ra một cơ sở hạ tầng bền vững trước yêu cầu đô thị hóa.
Hậu Covid-19, nhu cầu phục hồi kinh tế và quản lý đô thị hiệu quả hơn được thúc đẩy, thế giới đang hướng đến công nghệ blockchain để xây dựng Thành phố thông minh nhằm giải quyết các thách thức của đô thị hiện đại.
Tuy nhiên để cung cấp các dịch vụ đô thị trong Thành phố thông minh hiệu quả, điều quan trọng phải đảm bảo việc trao đổi dữ liệu hiệu quả được thực hiện giữa nhiều bên liên quan khác nhau trong một thành phố. Blockchain có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội này và đáp ứng hiệu quả quản lý đô thị.
Blockchain cho phép những người tham gia mạng trao đổi dữ liệu với độ tin cậy và minh bạch cao mà không cần quản trị viên tập trung. Các thành phố có nhiều bên liên quan và việc trao đổi dữ liệu giữa các bên là điều cần thiết để cung cấp được các dịch vụ đô thị có tính tiện lợi cao.
Blockchain mang lại lợi ích gì đối với lĩnh vực Thành phố thông minh?
1. Tiếp nhận và trao đổi thông tin
Xây dựng một hệ sinh thái blockchain trao quyền truy cập và xác thực thông tin được chia sẻ cho tất cả các thành viên trong cùng một cộng đồng. Mỗi người dùng sẽ được cấp một mã định danh duy nhất trên nền tảng blockchain và có thể được truy cập thông qua các nền tảng khác (nếu cần).
Blockchain tạo ra nền tảng thu thập và chia sẻ một lượng lớn thông tin/dữ liệu được ghi nhận từ các thiết bị cảm biến internet vạn vật IoT, đảm bảo kết nối cơ sở hạ tầng thành phố, đồng thời hỗ trợ quản lý và giám sát quy trình vận hành của toàn bộ thành phố. Từ đó, ngăn chặn tấn công và thao túng dữ liệu trong quá trình kiểm tra, ghi nhận thông tin.
2. Tự động hoá quy trình, dịch vụ
Cải tiến cơ sở hạ tầng và dịch vụ điện tử để tự động hoá các ứng dụng công nghệ blockchain nhằm đảm bảo lợi ích của các bên trong quá trình đô thị hoá. Giúp bộ phận quản lý đô thị dễ dàng trưng cầu ý kiến và đưa ra các chính sách phát triển đô thị phù hợp với khả năng tiếp cận của tất cả người dân.
Blockchain sử dụng cơ chế hợp đồng thông minh để tự động thực hiện các hành động mà không cần sự can thiệp của con người khi các điều khoản và điều kiện đã được thiết lập thành công. Đây là công cụ hỗ trợ người dân tích cực tham gia vào các cam kết của họ với các dịch vụ của Chính phủ. Từ đó nâng cao tính trách nhiệm của các bên, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan công quyền.
3. Quản lý tài nguyên, năng lượng
Mục tiêu chính của năng lượng thông minh là tiêu thụ hiệu quả năng lượng sạch, chi phí thấp. Blockchain có tiềm năng tạo ra một môi trường linh hoạt hơn cho ngành năng lượng thông qua việc tạo thuận lợi cho sản xuất và tiêu thụ năng lượng ngang hàng.
Hệ sinh thái Thành phố thông minh có thể được hưởng lợi từ việc sử dụng blockchain để tối đa hóa hiệu quả năng lượng và cải thiện việc quản lý các nguồn năng lượng. Tính minh bạch có thể được mang lại cho các giao dịch năng lượng thông qua sử dụng blockchain để điều chỉnh chuyển đổi và phân phối năng lượng.
Công nghệ blockchain cũng được sử dụng để lưu trữ dữ liệu tạo ra từ hệ thống quản lý năng lượng giúp đo lường mức độ tiêu thụ của đô thị nhằm duy trì cung và cầu của năng lượng và tài nguyên ổn định. Từ đó tăng khả năng phân phối và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên dự trữ. Đảm bảo 100% thời gian hoạt động mà không cần phải dựa vào các đơn vị cung cấp.
4. Cải thiện hệ thống vận tải
Blockchain tạo nền tảng hiện thực hoá MaaS (Mobility-as-a-Service) kết nối hệ thống giao thông để cung cấp các dịch vụ di chuyển trong Thành phố thông minh, trao đổi với các nhà khai thác vận tải, đảm bảo lưu thông đường bộ thuận tiện. Dữ liệu trên blockchain cho phép người tham gia tiếp cận với các hệ thống giao thông hiện đại và hỗ trợ việc quản lý hiệu quả mạng lưới giao thông.
Blockchain có thể tích hợp với các thiết bị và hệ thống IoT để thu thập dữ liệu và theo dõi phương tiện vận tải cũng như lượng hành khách trong thời gian thực. Từ đó, cho phép các cơ quan vận tải tối ưu hóa chiến lược và lịch trình định tuyến, lập kế hoạch cho các nhu cầu khác nhau của hành khách và đạt hiệu quả cao hơn.
Tình hình tại Việt Nam
Có 41/63 tỉnh thành tại Việt Nam đã và đang xây dựng Đề án phát triển Thành phố thông minh. Mỗi tỉnh thành có mục tiêu dùng giải pháp đô thị thông minh để giải quyết các nhu cầu khác nhau. Có thể nói dự án triển khai Thành phố thông minh áp dụng blockchain vẫn đang trong giai đoạn thai nghén.
Để có những đột phá trong việc triển khai, cần ưu tiên nâng cao nhận thức của người dùng về công nghệ blockchain và tiềm năng ứng dụng của nó nhằm giải quyết bài toán thực tiễn về phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ đời sống của công dân trong thực tiễn.
PCB tổng hợp