Token hóa tài sản trong thế giới thực đang bước vào giai đoạn bùng nổ, đánh dấu sự chuyển dịch rõ rệt từ khái niệm lý thuyết sang ứng dụng thực tiễn, khi hàng loạt định chế tài chính toàn cầu triển khai các dự án sử dụng blockchain ở quy mô hàng tỷ USD.
Tuần qua, BlackRock – nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới – đã nộp hồ sơ đăng ký một lớp cổ phiếu mới cho quỹ BlackRock BLF Treasury Trust Fund (TTTXX), sử dụng công nghệ sổ cái phân tán (DLT). Cổ phiếu DLT này phản ánh quyền sở hữu trong quỹ trị giá 150 tỷ USD và ban đầu chỉ được phân phối thông qua BlackRock Advisors và Ngân hàng New York Mellon (BNY).
Đồng thời, nền tảng Libre thông báo kế hoạch token hóa 500 triệu USD trái phiếu của Telegram thông qua Quỹ Trái phiếu Telegram (TBF), cho phép sử dụng như tài sản thế chấp on-chain. Đáng chú ý nhất là thương vụ token hóa RWA trị giá 3 tỷ USD do MultiBank Group triển khai cùng công ty bất động sản MAG (UAE) và nhà cung cấp hạ tầng Mavryk – được xem là dự án đơn lẻ lớn nhất trong lĩnh vực token hóa tài sản thực đến nay.
Theo ông Eric Piscini, Giám đốc điều hành Hashgraph, làn sóng này được thúc đẩy bởi ba yếu tố chính: khung pháp lý rõ ràng hơn tại các thị trường lớn, công nghệ đã sẵn sàng mở rộng quy mô, và sự nhập cuộc mạnh mẽ của các tổ chức tài chính hàng đầu. Ông dẫn chứng BlackRock, Citi và Franklin Templeton – đơn vị đã tiên phong token hóa quỹ thị trường tiền tệ trên blockchain công khai.
Quan điểm này cũng được chia sẻ bởi ông Marcin Kazmierczak, đồng sáng lập RedStone, khi cho rằng các công bố gần đây chứng minh token hóa đã vượt khỏi giai đoạn thử nghiệm và đang được triển khai thực tế. Sự tham gia của các định chế lớn góp phần hợp pháp hóa ngành, đồng thời khuyến khích dòng vốn và các doanh nghiệp còn do dự nhập cuộc.
Một phần động lực đến từ tín hiệu ôn hòa hơn trong chính sách quản lý tại Mỹ. Dưới thời Tổng thống Donald Trump – người cam kết đưa Mỹ trở thành “thủ đô tiền mã hóa của thế giới” – giới lập pháp và cơ quan hành pháp đã có xu hướng nới lỏng hơn. Gần đây, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) đã rút hoặc trì hoãn nhiều vụ kiện liên quan đến tài sản số, trong khi Bộ Tư pháp (DOJ) giải thể đơn vị chuyên trách về crypto, cho thấy thay đổi trong ưu tiên giám sát.
Về mặt công nghệ, ông Felipe D’Onofrio – Giám đốc công nghệ của Brickken – nhận định sự phát triển của ví điện tử cùng áp lực tăng hiệu quả và thanh khoản trong thị trường vốn truyền thống là những yếu tố thúc đẩy token hóa RWA trở thành lựa chọn hấp dẫn.
Ethereum hiện chiếm vị trí trung tâm, với hơn 4,9 tỷ USD trong tổng số 6,5 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ được token hóa, theo dữ liệu từ RWA.xyz. Tuy nhiên, các mạng lưới chuyên biệt như Canton Network, Plume hay Ondo Chain đang nổi lên như những giải pháp thay thế, đặc biệt trong các mô hình có yêu cầu bảo mật cao hoặc tuân thủ pháp lý nghiêm ngặt.
Ông Herwig Koningson – CEO của Security Token Market – cho rằng: “Điều quan trọng không phải là blockchain nào được chọn, mà là blockchain đó có đáp ứng đúng chức năng hay không.” Đây là lý do nhiều tổ chức truyền thống lựa chọn các hệ thống blockchain có cấp phép (permissioned) hoặc DLT riêng.
Dù tiềm năng tăng trưởng rất lớn – với dự báo quy mô thị trường RWA toàn cầu có thể đạt từ 4.000 đến 30.000 tỷ USD, thậm chí 50.000 tỷ USD vào năm 2030 – lĩnh vực này vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Các rào cản chính bao gồm sự phân mảnh của hạ tầng blockchain và sự thiếu nhất quán trong khung pháp lý giữa các khu vực. Tuy vậy, với đà gia nhập mạnh mẽ của các tổ chức tài chính hàng đầu cùng tiến bộ công nghệ và sự hoàn thiện pháp lý, token hóa RWA đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mang tính bước ngoặt.