FSOC cảnh báo stablecoin dễ bị tổn thương bởi rút tiền hàng loạt, gây rủi ro hệ thống.
Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính (FSOC) trong báo cáo thường niên công bố ngày 6/12 đã tái khẳng định những rủi ro tiềm ẩn mà stablecoin gây ra cho hệ thống tài chính. Theo FSOC, các stablecoin, đặc biệt là những đồng chiếm thị phần lớn, dễ bị tổn thương trước làn sóng rút tiền hàng loạt, nhất là khi thiếu các tiêu chuẩn quản lý rủi ro toàn diện.
Báo cáo nhấn mạnh rằng thị trường stablecoin hiện tại đang chịu sự tập trung cao độ. Một tổ chức duy nhất nắm giữ tới 70% tổng giá trị thị trường, tương đương khoảng 205,48 tỷ USD. Mặc dù không nêu đích danh, nhưng với vốn hóa thị trường đạt 136,8 tỷ USD, tương đương 66,3% thị phần theo dữ liệu từ CoinMarketCap, Tether rõ ràng là cái tên được đề cập.
FSOC cảnh báo, nếu sự thống trị này tiếp tục mở rộng mà không có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, sự sụp đổ của Tether có thể gây ra cú sốc lan tỏa từ thị trường tiền mã hóa sang hệ thống tài chính truyền thống.
Những lo ngại về rủi ro thanh khoản không phải là không có cơ sở. Vào tháng 9/2023, Tether từng đối mặt với chỉ trích vì thiếu các kiểm toán độc lập, làm dấy lên mối quan ngại về khả năng xảy ra khủng hoảng thanh khoản tương tự như vụ sụp đổ của FTX. Thảm kịch TerraUSD (UST) vào tháng 5/2022 cũng là một bài học nhãn tiền: hơn 2 tỷ USD bị rút ra trong thời gian ngắn đã khiến đồng stablecoin này mất giá hoàn toàn, kéo theo hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng cho cả thị trường.
Báo cáo của FSOC cũng chỉ rõ rằng nhiều nhà phát hành stablecoin hiện hoạt động ngoài hoặc không tuân thủ các khung pháp lý quản lý toàn diện ở cấp liên bang. Việc thiếu minh bạch trong thông tin về tài sản dự trữ và phương thức quản lý đã làm suy giảm tính hiệu quả của kỷ luật thị trường, đồng thời gia tăng nguy cơ gian lận.
FSOC nhấn mạnh rằng để giảm thiểu rủi ro, các nhà lập pháp cần nhanh chóng ban hành một khung pháp lý liên bang nhằm quản lý toàn diện các nhà phát hành stablecoin. Khung pháp lý này phải đảm bảo các yếu tố then chốt như: giảm thiểu nguy cơ rút tiền hàng loạt, quản lý rủi ro thanh toán, bảo vệ người tiêu dùng và nhà đầu tư, cũng như duy trì tính toàn vẹn của thị trường.
Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang gấp rút xây dựng khung pháp lý cho stablecoin, CEO Tether, ông Paolo Ardoino, đã bày tỏ lo ngại về những quy định sắp tới của châu Âu. Theo ông, yêu cầu nắm giữ ít nhất 60% tài sản dự trữ tại các ngân hàng châu Âu có thể khiến các nhà phát hành stablecoin đối mặt với nguy cơ hệ thống.