Đại hội lần thứ nhất Hiệp hội Blockchain Việt Nam diễn ra ngày 16/05 đã bầu ông Phan Đức Trung, nhà sáng lập Diễn đàn Phổ cập Blockchain giữ cương vị Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội.
Ông Phan Đức Trung, sinh năm 1971, là nhà sáng lập Diễn đàn Phổ cập Blockchain, nơi chia sẻ kiến thức hàng ngày của cộng đồng đam mê blockchain và tiền mã hoá, đồng thời ông là Chủ tịch HĐQT tổ chức đầu tư Decom Holdings.
Trong buổi ra mắt, ông Phan Đức Trung đã chia sẻ về những mục tiêu trọng tâm của Hiệp hội trong nhiệm kỳ này. Đầu tiên, đơn vị muốn phát triển hội viên, tập trung nguồn lực, sức mạnh từ các công ty, nhân sự người Việt liên quan đến blockchain cho các nhiệm vụ.
Mục tiêu thứ hai là xây dựng tiêu chuẩn hội viên, được đánh giá là vấn đề quan trọng, bởi hành lang pháp lý ở Việt Nam hiện chưa có. Do đó, nhiều công ty khởi nghiệp tại Việt Nam phải dựa vào môi trường pháp lý nước ngoài nếu muốn gọi vốn lớn.
“Để có tiêu chuẩn hội viên này cộng đồng phải cùng tham gia xây dựng, dựa trên các cơ sở pháp lý. Cần tránh hiểu rằng Hiệp hội Blockchain Việt Nam thúc đẩy những hoạt động mà nhà nước không ủng hộ, gây ảnh hưởng đến uy tín”, ông Trung cho biết.
Mục tiêu thứ ba, theo ông Trung là hợp tác để thúc đẩy các ứng dụng blockchain tại Việt Nam thông qua việc kết hợp với những ngành nghề, hiệp hội khác.
Nhiệm vụ thứ tư là phổ biến kiến thức về blockchain đến số đông. Kế đến, ông Trung cho rằng cần thúc đẩy hành lang pháp lý, liên tục đóng góp, phản biện về các chính sách để tạo điều kiện cho công nghệ này phát triển. Cuối cùng, Hiệp hội sẽ tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút số vốn đầu tư vào lĩnh vực blockchain tại Việt Nam.
“Chúng tôi khẳng định cơ hội hợp tác quốc tế là rất lớn với lĩnh vực blockchain, nếu môi trường hợp tác quốc tế và chính sách thuận lợi, chúng ta sẽ đón được dòng vốn đầu tư rất lớn”, ông Phan Đức Trung nhấn mạnh.
Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức nhiều buổi hội thảo, nhằm tìm ra định hướng cho từng chương trình. Việt Nam có thể sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về blockchain, đây sẽ là cơ hội để chào mời những công ty lớn trên thế giới, cùng với đó là nguồn vốn đầu tư.
Ông Trung cho rằng nếu nhận thức blockchain chỉ giới hạn trong tài chính, có thể nhìn nhận sai rằng lĩnh vực này chống lại các sản phẩm tài chính truyền thống. Các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán có thể tham khảo để có lộ trình tiếp nhận các sản phẩm của ứng dụng blockchain.
Chính phủ đã có những chỉ đạo liên quan đến CBDC, nhưng Việt Nam vẫn đi chậm về nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực này.
Tiếp đến, Hiệp hội sẽ lên kế hoạch cho hành động liên quan đến tài sản số, việc chưa công nhận tài sản số theo chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) gây ra hệ lụy về mặt pháp lý. Từ đó, nhiều vụ tranh chấp, lừa đảo cũng không thể đưa ra pháp luật phân định.
“Tôi tin rằng việc tham gia công nghệ blockchain sẽ góp phần định hướng rất tốt về tài sản số cũng như IFRS”, ông Trung chia sẻ.
Chương trình hành động tiếp theo là thúc đẩy chuỗi khối trong doanh nghiệp nhằm mang lại công nghệ an toàn hơn so với chuỗi khối công khai, vừa có thể ứng dụng blockchain cho nhiều lĩnh vực như metaverse, Web3, thậm chí là thiết kế vaccine.
Cuối cùng là vấn đề về quản trị rủi ro, thông tin trong tài sản số. Đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng cần phối hợp giữa công nghệ an toàn thông tin và chính sách để đem lại sự an toàn cho tài sản số.
“Việc tấn công không chỉ là vấn đề công nghệ, mà còn về luật pháp, môi trường. Do vậy, chúng tôi tin rằng cần có những hội thảo kết nối đơn vị hành pháp, lập pháp với các đơn vị làm về an toàn thông tin”, ông Trung kết luận.