Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa – vật lý – sinh học với sự đột phá của công nghệ số như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối (blockchain),…đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, tạo ra những tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng trong đời sống kinh tế – xã hội.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trọng tâm là thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số.
Kinh tế số Việt Nam đã được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế; công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Đặc biệt chúng ta đang chứng kiến sự phát triển nhanh và ứng dụng rộng rãi công nghệ blockchain trong các lĩnh vực quan trọng như tài chính – ngân hàng, thương mại điện tử, y tế, nông nghiệp, ..
Với khả năng chia sẻ thông tin minh bạch, bền vững và bảo mật cao, Blockhchain đang là một trong những xu hướng công nghệ đột phát, được sự quan tâm của chính phủ nhiều quốc gia, của các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp.
Trong số TOP 200 công ty, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dựa trên công nghệ blockchain, có 5 -7 doanh nghiệp do người Việt Nam thành lập. Hiện có khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo người Việt Nam trong lĩnh vực blockchain có vốn hoá trên 100 triệu USD. Những kỳ lân công nghệ Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường blockchain toàn cầu.
Với tiềm năng to lớn của công nghệ blockchain, chúng tôi nhận thấy số doanh nghiệp, nhà khoa học, các kỹ sư theo đuổi nghiên cứu, ứng dụng công nghệ blockchain ngày càng tăng, dẫn đến nhu cầu kết nối, chia sẻ và hỗ trợ ngày càng mạnh mẽ. Vì vậy, việc ra đời của Hiệp hội Công nghệ chuỗi khối Việt Nam là hết sức cần thiết và rất có ý nghĩa.
Trong thời gian tới đây, Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ quy tụ được những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đam mê hoặc đang hoạt động liên quan đến công nghệ blockchain ở Việt nam để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực để thúc đẩy nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ blockchain góp phần vào thực hiện chuyển đổi số quốc gia thành công, phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hiệp hội và các thành viên huy động nguồn lực, hợp tác hiệu quả với các viện nghiên cứu, trường đại học tại Việt Nam để cùng hình thành các dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực blockchain để cùng phát triển, làm chủ, tạo ra các sản phẩm công nghệ của Việt Nam tham gia được thị trường blockchain toàn cầu, cũng như phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực blockchain.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ chia sẻ tại Lễ ra mắt: “Chúng tôi rất mong muốn Hiệp hội Blockchain Việt Nam có phối hợp, hỗ trợ Bộ KH&CN và các bộ ngành liên quan khác trong xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý trong nghiên cứu phát triển, thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp dựa trên nền tảng công nghệ blockchain.
Về phía Bộ KH&CN, sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị có liên quan tích cực phối hợp với Hiệp hội trong các hoạt động của Hiệp hội. Rà soát hoàn thiện hành lang pháp lý của ngành KH&CN để tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain tại Việt Nam; cũng như sẽ xem xét, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ blockchain.
Hiện Bộ KH&CN đang triển khai Chương trình trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025 “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”, mã số KC-4.0/19-25, trong đó blockchain là một trong những công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 được chương trình này ưu tiên.