Với quy định mới, các sản phẩm tiền mã hóa phải tuân thủ và vượt qua Cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) hoặc không sẽ bị coi là bất hợp pháp tại Indonesia. Quy định dự kiến có hiệu lực vào tháng 1/2025.
Sáng kiến này được đưa ra bởi Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tài chính (OJK) nhằm bảo vệ người tiêu dùng và giảm thiểu rủi ro liên quan đến tiền mã hóa. Theo đó, các công ty tiền mã hóa sẽ cần thông qua cơ chế sandbox để được cấp phép hoạt động tại Indonesia.
Ông Hasan Fawzi, Trưởng phòng Giám sát Công nghệ Tài chính, Tài sản Tài chính Kỹ thuật số và Tiền mã hóa OJK, cho biết: “Quy định này phù hợp với định hướng của OJK, đặc biệt là về bảo vệ và giáo dục người dùng. Chúng tôi hy vọng các cơ chế quản lý của mình sẽ tác động trực tiếp đến việc ngăn chặn các khoản đầu tư gian lận.”
Cũng theo ông, những quy định này cho phép các doanh nghiệp tiền mã hóa làm quen với các quy định và sự giám sát do OJK thực thi, đây là quan điểm của OJK từ đầu tháng này.
Regulatory Sandbox, hay còn gọi là “cơ chế quản lý thử nghiệm”, là một môi trường được thiết lập bởi cơ quan quản lý nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới mẻ, sáng tạo trong lĩnh vực Fintech khi chưa có quy định pháp luật cụ thể nào điều chỉnh.
Ngành công nghiệp này tại Indonesia hiện được giám sát bởi Cơ quan Quản lý Hàng hóa và Hợp đồng Tương lai (Bappebti), vì tài sản tiền mã hóa được phân loại là hàng hóa. Sau khi được giám sát bởi OJK, tiền mã hóa rất có thể sẽ được phân loại lại thành công cụ tài chính.