Với đặc điểm dân số trẻ, tầng lớp trung lưu phát triển mạnh, cùng sự nhanh nhạy trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật số được thúc đẩy bởi các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay, Việt Nam đã và đang sẵn sàng cho mục tiêu số hóa toàn bộ nền kinh tế.
Vai trò và thách thức của Blockchain trong nền kinh tế số?
Thế giới đang bước vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt để chạy đua chuyển đổi số và xây dựng một nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Đây là mục tiêu mong muốn của các nước phát triển trên thế giới và cũng là cơ hội cho các nước như Việt Nam cùng bước vào một vạch xuất phát để cùng cạnh tranh ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới. Theo đó, Việt Nam cần đi thẳng vào các xu hướng công nghệ cao, tiên tiến nhất hiện nay của cuộc cách mạng 4.0 như AI, Blockchain, NFT, Machine Learning, thậm chí cả Metaverse.
Mặc dù công nghệ Chuỗi khối (Blockchain) và các tiềm năng của nó đã được giới thiệu rộng rãi trên thế giới trong hơn một thập kỷ vừa qua, trong gần mười năm đầu tiên (kể từ 2019), tính khả thi và ứng dụng thực tế của công nghệ này vẫn còn đang tiếp tục nghiên cứu về tính hiệu quả và tính minh bạch trong việc cung cấp dịch vụ công của chính phủ. Ở thời điểm này, hầu hết các dự án ứng dụng công nghệ blockchain vẫn ở giai đoạn thí điểm và chưa đạt được mức độ chấp nhận rộng rãi của người sử dụng. Thế nhưng, các quốc gia đều nhận thấy một trong những chìa khóa mở cửa nhanh nhất cho nền kinh tế kỹ thuật số chính là công nghệ Blockchain.
Chính vì vậy, công nghệ này đang từng ngày được khẳng định là tác nhân trọng yếu của nền kinh tế số, khiến các doanh nghiệp buộc phải định nghĩa lại các khái niệm cũ như tư liệu, tài sản, hợp đồng, mô hình doanh nghiệp, cổ phần… Ngoài ra, Blockchain còn hình thành các mô hình, cấu phần nền kinh tế mới như DeFi, Trao đổi vạn vật (exchange of things), kinh tế máy…
Trên cơ sở đó, Blockchain đang và sẽ thay đổi hoàn toàn phương thức kinh doanh – sản xuất hiện tại. Từ đó, hình thành vô số hình thái mới và quan trọng, kéo theo kết cấu xã hội, cách con người tương tác với nhau hay con người tương tác với vạn vật.
Tại Diễn đàn Tech Summit do VNExpress tổ chức vào tháng 1/2022, ông Trần Dinh, CEO của AlphaTrue cho hay: “Chúng ta có thể xây dựng ứng dụng blockchain, chuyển đổi số, nhưng cần lưu ý xây dựng thêm những ‘cây cầu’ ứng dụng để kết nối với nhau và phát triển cùng nhau. Chẳng hạn website có thể xây dựng thêm nhiều platform để mở rộng và kết nối các nền tảng công nghệ với nhau. Chính điều đó sẽ giúp rút ngắn khoảng cách giữa các doanh nghiệp dù truyền thống hay công nghệ hiện đại”.
Làm chủ công nghệ để tạo bước tiến vững chắc
Estonia được đánh giá là một trong những quốc gia được số hóa tiên tiến nhất trên thế giới. Đây là quốc gia tiên phong ứng dụng công nghệ blockchain trong quản trị, điều hành cũng như có xu hướng cởi mở trong việc đón nhận các đổi mới, sáng tạo. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ blockchain trong xây dựng chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công được đánh giá rất thành công. Ngoài ra, Estonia cũng thử nghiệm cung cấp các dịch vụ số khác trong nhiều lĩnh vực, như: văn phòng ảo; các dịch vụ tài chính; các dịch vụ ngân hàng; các hình thức thanh toán; các dịch vụ điện tử; nhập cư.
Chương trình Công nghệ Công dân mới của Cơ quan Quản lý Chính phủ Hoa Kỳ (GSA) gần đây đã khởi động chương trình Blockchain cho toàn Liên bang Hoa Kỳ và các doanh nghiệp quan tâm bằng cách sử dụng công nghệ trong chính phủ. Đây là thử nghiệm số để cải thiện tính minh bạch, hiệu quả và tin tưởng vào chia sẻ thông tin của chính phủ Hoa Kỳ.
Chúng ta có thể thấy rõ rằng, trước những áp lực thay đổi số và đưa ra quản lý phù hợp để theo kịp sự phát triển công nghệ không ngừng nghỉ của toàn thế giới, chúng ta đang đứng trước cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ cho cả Việt Nam và Quốc tế. Và ở thời điểm này, cách tiếp cận nghiên cứu ứng dụng Blockchain trong bối cảnh mới mang yếu tố quyết định.
Để thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong thời gian qua đã tập trung nghiên cứu, sáng tạo và làm chủ nhiều giải pháp công nghệ lõi, tạo ra các sản phẩm Make in Vietnam. Bằng chứng là những nền tảng công nghệ mới AI, Blockchain, các giải pháp sáng chế công nghệ lõi của doanh nghiệp Việt đã được cấp bằng ở Mỹ đến những chiếc máy tính bảng Xelex do các chuyên gia công nghệ người Việt làm chủ.
Thế nhưng, tại Việt Nam, hiện chưa có bất kỳ tổ chức được nào được Nhà nước công nhận chính thức là hiệp hội nghiên cứu và ứng dụng blockchain. Nhiều Câu lạc bộ, Liên minh hay Diễn đàn tự phát hay hoạt động dưới các Hội nghề nghiệp khác nhau được hình thành. Tuy nhiên, những tổ chức này vẫn bị điều chỉnh phục vụ nghề nghiệp của Hiệp hội chuyên ngành quản lý mà không thể chính danh cũng như tập hợp được các đơn vị chuyên sâu về hoạt động blockchain.
Với sự ra đời Hiệp hội chính thức của ngành công nghệ Blockchain sẽ tạo ra một cột mốc quan trọng đánh dấu bản đồ công nghệ của Việt nằm trên thế giới như một điểm cộng tăng thêm trong xếp hạng.
Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ là nơi hội tụ của những người quan tâm đến nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá, chuẩn hóa và khuyến khích ứng dụng công nghệ blockchain ở Việt Nam. Hiệp hội tạo môi trường phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam để nắm giữ công nghệ lõi blockchain nhằm cạnh tranh về công nghệ số với thế giới”, Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp Hội Blockchain Việt Nam cho biết.
Trong thời gian tới, nhiệm vụ của Hiệp hội Blockchain là cùng các hội viên sẽ góp phần thúc đẩy công nghệ Blockchain trên thế giới có dấu ấn gắn liền hình ảnh Việt nam nhiều hơn nữa, cũng như vai trò thúc đẩy, khai thác các cơ hội cũng như thế mạnh ngành công nghệ Việt nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này.