Các quan chức từ Liên minh Châu Âu (EU) đã đồng ý về một khuôn khổ quy định mới mang tính bước ngoặt sẽ khiến đời sống của các nhà phát hành và nhà cung cấp dịch vụ trong thị trường crypto trở nên “khó khăn” hơn.
Stefan Berger, thành viên Nghị viện châu Âu – người được chỉ định để báo cáo về các thủ tục liên quan đến dự luật mới – đã đưa tin trên Twitter rằng một thỏa thuận “cân bằng” đã được thực hiện, điều mà sẽ khiến EU trở thành châu lục đầu tiên có quy định về tài sản crypto.
Được biết đến với tên gọi Markets in Crypto-Assets (MiCA), thỏa thuận tạm thời bao gồm các quy tắc cho các nhà phát hành tài sản crypto chưa được hỗ trợ, stablecoin, nền tảng giao dịch và ví chứa tài sản crypto.
Bruno Le Maire, Bộ trưởng Kinh tế, Tài chính và Chủ quyền Công nghiệp và Kỹ thuật số của Pháp tuyên bố quy định mang tính bước ngoặt “sẽ chấm thời kỳ miền tây hoang dã của crypto”.
Stablecoin gặp khó khăn
Sau sự sụp đổ nghiêm trọng của TerraUSD, quy định của MiCA nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng bằng cách “yêu cầu” các nhà phát hành stablecoin xây dựng một lượng dự trữ đủ thanh khoản.
Trong một chủ đề trên Twitter, Ernest Urtasun, thành viên của Nghị viện Châu Âu, giải thích rằng các khoản dự trữ sẽ phải được “tách biệt và cách ly về mặt pháp lý và vận hành” đồng thời phải được “bảo vệ đầy đủ trong trường hợp mất khả năng thanh toán”.
Người người trên cộng đồng Twitter đã bàn tán rằng quy định này là không thể thực hiện được, với khối lượng giao dịch hàng ngày trong 24 giờ của Tether (USDT) là 50,40 tỷ USD (48,13 tỷ Euro) và USD Coin (USDC) là 5,66 tỷ USD (5,40 tỷ Euro) tại thời điểm viết bài.
Ngoài ra, sẽ có nhiều khó khăn xuất hiện khi thực thi các quy tắc này đối với các loại stablecoin phi tập trung, chẳng hạn như DAI. Thỏa thuận trên được đưa ra cùng ngày khi Circle ra mắt đồng stablecoin được hỗ trợ bằng Euro – Euro Coin.
Bảo vệ người tiêu dùng
Các nhà cung cấp dịch vụ tài sản crypto (CASP) sẽ phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt để bảo vệ người tiêu dùng và có thể phải chịu trách nhiệm nếu họ làm mất tài sản của nhà đầu tư.
Urtasun giải thích rằng các nền tảng giao dịch sẽ được yêu cầu cung cấp báo cáo chính thức cho bất kỳ token nào không có tổ chức phát hành rõ ràng, chẳng hạn như Bitcoin và họ sẽ chịu trách nhiệm đối với bất kỳ thông tin sai lệch nào mà họ đưa ra.
Đồng thời, cũng sẽ có những cảnh báo cho người tiêu dùng về rủi ro mất mát liên quan đến tài sản crypto và các quy tắc về truyền thông tiếp thị công bằng.
Thao túng thị trường và giao dịch nội gián cũng là một trọng tâm, theo tuyên bố từ Hội đồng Châu Âu:
“MiCA cũng sẽ bao gồm các hình thức lạm dụng thị trường nào liên quan đến bất kỳ loại giao dịch hoặc dịch vụ nào, đặc biệt là hành vi thao túng thị trường và giao dịch nội gián”.
Thỏa thuận tạm thời cũng sẽ cho thấy các nhà cung cấp dịch vụ tài sản crypto (CASP) cần được ủy quyền để hoạt động ở EU, với CASPS sẽ được Cơ quan Thị trường và Chứng khoán Châu Âu (ESMA) giám sát trực tiếp. ESMA là một cơ quan quản lý thị trường chứng khoán độc lập ở EU, được thành lập vào năm 2011.
Liên quan đến NFTs, Ủy ban Châu Âu cho biết họ sẽ xem xét vấn đề này trong vòng 18 tháng tới và có thể đưa ra “đề xuất lập pháp tương xứng” để giải quyết những rủi ro của thị trường mới nổi này nếu thấy cần thiết.
Thỏa thuận tạm thời vẫn phải được Hội đồng và Nghị viện châu Âu thông qua chính thức.
Nguồn: Cointelegraph