Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng chấp thuận thuế 10% của Mỹ với điều kiện giảm thuế cho dược phẩm, chất bán dẫn và rượu, trước hạn chót 9/7.
Liên minh châu Âu (EU) đang thể hiện sự linh hoạt trong đàm phán thương mại với Hoa Kỳ bằng cách sẵn sàng chấp thuận kế hoạch thuế nhập khẩu 10% của Tổng thống Donald Trump đối với nhiều loại hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, EU đặt điều kiện Washington phải giảm thuế đối với các lĩnh vực chiến lược như dược phẩm, chất bán dẫn, rượu và máy bay thương mại, đồng thời yêu cầu miễn trừ hoặc hạn ngạch để giảm thiểu tác động từ các mức thuế cao khác.
Theo các nguồn thạo tin, EU đang thúc đẩy giảm thiểu tác động từ thuế suất 25% với ô tô và linh kiện ô tô, cũng như thuế 50% với thép và nhôm. Ủy ban châu Âu nhìn nhận đề xuất này nghiêng về lợi ích của Mỹ nhưng vẫn nằm trong phạm vi có thể đạt được thỏa thuận trước hạn chót ngày 9/7.
Các cuộc đàm phán đang diễn ra trong bối cảnh căng thẳng, khi Mỹ đe dọa áp dụng mức thuế 50% trên hầu hết hàng xuất khẩu từ EU nếu không đạt được thỏa thuận. Trump đã bảo vệ chính sách thuế diện rộng này như một phần chiến lược phục hồi sản xuất trong nước, tài trợ cho cắt giảm thuế dài hạn và ngăn chặn các hành vi thương mại mà ông cho là bất công đối với Mỹ.
Hôm thứ Năm, các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận về đề xuất thương mại mới từ Mỹ trong hội nghị thượng đỉnh tại Brussels. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen không loại trừ khả năng đàm phán thất bại, tuyên bố “mọi kịch bản đều đang được cân nhắc”. Thủ tướng Đức Friedrich Merz kêu gọi EU ký kết thỏa thuận “nhanh gọn và đơn giản”, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh Pháp sẽ không chấp nhận thỏa thuận thiếu cân bằng.
EU chuẩn bị kịch bản trả đũa và hợp tác chiến lược
Ủy viên Thương mại EU Maros Sefcovic sẽ dẫn đầu phái đoàn tới Washington trong tuần này để thúc đẩy đàm phán. Cả hai bên đều lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận tạm thời, cho phép đàm phán tiếp tục sau thời điểm hạn chót. Khung thỏa thuận dự kiến bao gồm các vấn đề thuế quan và phi thuế quan, cam kết mua hàng hóa chủ chốt của Mỹ, và các lĩnh vực hợp tác chiến lược trong tương lai.
EU muốn đảm bảo bất kỳ thỏa thuận nào đều phải đề cập đến thuế quan hiện hành cũng như các loại thuế mới tiềm tàng từ Mỹ. Brussels đang thúc đẩy chương trình giảm rào cản phi thuế quan, bao gồm các cơ chế mua sắm chung trong lĩnh vực LNG và trí tuệ nhân tạo, đồng thời bày tỏ sẵn sàng hợp tác sâu hơn trong các vấn đề an ninh kinh tế.
Theo ước tính của EU, Mỹ hiện đang áp thuế lên khoảng 380 tỷ euro (445 tỷ USD) giá trị hàng hóa xuất khẩu từ EU, chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của khối này sang Hoa Kỳ. Trong trường hợp đàm phán đổ vỡ, EU đã chuẩn bị gói thuế trả đũa trị giá 21 tỷ euro nhằm vào các mặt hàng nhạy cảm chính trị tại Mỹ như đậu nành từ Louisiana, gia cầm, xe mô tô và sản phẩm nông nghiệp.
Danh sách thứ hai trị giá 95 tỷ euro cũng đã được lên phương án, bao gồm máy bay Boeing, ô tô sản xuất tại Mỹ và rượu bourbon. Ngoài thuế quan, EU còn đang tham vấn về các phản ứng chiến lược phi thuế như kiểm soát xuất khẩu và hạn chế mua sắm công, nhằm vào các lĩnh vực Mỹ phụ thuộc đáng kể vào chuỗi cung ứng châu Âu.