Ethereum đang tạo ra những thay đổi to lớn. Có lẽ điều quan trọng nhất là việc nó sẽ loại bỏ các “thợ đào”.
Khái niệm “thợ đào” được tiên phong bởi Bitcoin, họ là trung tâm của một hệ thống đảm nhiệm công việc được gọi là “Proof of work”, thuật toán này được cả Ethereum – nền tảng hỗ trợ Ether chấp nhận.
Tuy nhiên, Proof of work đang ngày càng bị chỉ trích vì các tác động tiêu cực của nó tới môi trường: lượng điện cần thiết cho các thợ đào Bitcoin hiện tương đương với lượng điện của cả đất nước Chile. Ngược lại, Proof of stake mà Ethereum dự định sẽ phát triển trong năm 2022 tới đây, sẽ xanh hơn và nhanh hơn. Phe ủng hộ nói rằng việc chuyển đổi sẽ tạo ra một sự khác biệt rõ ràng khác giữa Ethereum và Bitcoin – đó là “sự sẵn sàng thay đổi” để trở nên tốt hơn.
1. Hệ thống ‘Proof of’ dùng để làm gì?
Tiền điện tử sẽ không thể hoạt động nếu thiếu Blockchain – một công nghệ thực hiện nhiệm vụ duy trì sổ cái các giao dịch được sắp xếp theo thời gian. Điểm khác biệt so với các bản ghi bằng bút và giấy là sổ cái này được chia sẻ trên các máy tính trên toàn thế giới.
Blockchain đảm bảo rằng không ai có thể chi tiêu một token tiền điện tử nhiều hơn một lần bằng cách thao túng sổ cái kỹ thuật số. Các Blockchain hoạt động mà không có người giám hộ thứ ba (chẳng hạn như ngân hàng) chịu trách nhiệm về sổ cái: Cả hệ thống Proof of work và Proof of stake đều dựa vào các hành động của nhóm để tạo, xác thực và bảo vệ bản ghi tuần tự của Blockchain.
2. Điều đó được thực hiện như thế nào?
Trong mạng lưới chính của Bitcoin và Ethereum ngày nay, các giao dịch được nhóm thành “khối” được xuất bản lên “chuỗi” công khai, nhưng chỉ sau khi xác minh rằng công việc “Proof of work” được thực hiện.
Với phần mềm của Bitcoin, hoạt động này được thực thi bằng cách là hệ thống sẽ nén dữ liệu trong khối thành một câu đố mà chỉ có thể giải được thông qua hàng triệu phép tính thử-và-sai. Công việc này được thực hiện bởi các thợ đào – những người cạnh tranh để trở thành người đầu tiên đưa ra giải pháp và được thưởng bằng tiền điện tử miễn phí nếu các thợ đào khác đồng tình rằng nó hoạt động.
3. Hạn chế của Proof of work là gì?
Khi Bitcoin chỉ có giá trị bằng một đồng xu, việc khai thác ngày đó vô cùng rẻ. Nhưng sau này khi giá trị của đồng tiền tăng lên, một cuộc chạy đua đã được phát động, các thợ mỏ đổ xô rót tiền đầu tư vào tài nguyên với mục tiêu trở thành người giành được những đồng tiền đầu tiên.
Bitcoin thích ứng với sự gia tăng trong cạnh tranh này bằng cách nâng cao độ khó của việc tính toán và phân tích. Hệ quả dẫn đến việc tiêu thụ điện rất cao khiến cộng đồng bảo vệ môi trường đưa ra lời kêu gọi rằng mọi người hãy tránh xa Bitcoin.
Nó cũng dẫn đến sự thống trị của các khu trang trại khai thác tập trung khổng lồ, tạo ra lỗ hổng bảo mật mới cho một hệ thống được thiết kế để phi tập trung. Về lý thuyết, một Blockchain có thể được viết lại bởi một bên kiểm soát phần lớn sức mạnh khai thác.
4. Proof of stake là gì?
Ý tưởng đằng sau Proof of stake đang được Ethereum áp dụng là chuỗi khối của nó có thể được bảo mật đơn giản hơn nếu bạn cung cấp cho một nhóm người một tập hợp các biện pháp khuyến khích hợp tác.
Những người đặt cược 32 Ether (1 Ether tương đương 4.300 USD vào cuối tháng 11) sẽ có thể trở thành “validators” hay còn gọi là người xác nhận, trong khi những người có ít Ether hơn có thể trở thành người xác nhận cùng.
Người xác thực được chọn để sắp xếp các giao dịch vào một khối mới trên chuỗi khối Ethereum. Nếu một khối được chấp nhận bởi một ủy ban có các thành viên được gọi là “attestors” nghĩa là người chứng thực, thì người xác nhận khối đó sẽ được trao Ether. Nhưng nếu một người nào đó tìm cách chơi khăm hệ thống thì khả năng họ sẽ gặp rủi ro bị mất số tiền đã đặt cọc.
Hệ thống Proof of stake của Ethereum đã được thử nghiệm trên một chuỗi khối, được gọi là Beacon Chain, tách biệt với hệ thống Proof of work; cho đến nay số Ether trị giá 38 tỷ USD đã được đặt ở đó. Hai Blockchain dự kiến sẽ hợp nhất vào năm 2022.
5. Ưu điểm của Proof of stake là gì?
Việc chuyển giao sang Proof of stake được cho rằng sẽ cắt giảm mức sử dụng năng lượng của Ethereum, ước tính khoảng 45.000 gigawatt-giờ mỗi năm.
Xét về lượng khí thải carbon của nó, về cơ bản nó sẽ giống như bất kỳ hoạt động internet nào khác mà việc sử dụng năng lượng không liên quan gì đến việc vận hành một mạng máy tính, chứ không phải là một liên doanh giống như một tập hợp các nhà máy kỹ thuật số khổng lồ.
Việc chuyển sang Proof of stake dự kiến cũng sẽ làm tăng tốc độ của mạng. Điều này rất quan trọng đối với Ethereum, vốn là một nền tảng cho một loạt các giao dịch tài chính và thương mại.
6. Các lỗ hổng của Proof of stake là gì?
Proof of stake vẫn còn ít được thử nghiệm thực chiến hơn Proof of work – thuật toán mà tính bảo mật đã được xem xét kỹ lưỡng trong hơn một thập kỷ. Vì vậy, các lỗ hổng mới rất có thể sẽ được tìm thấy.
Những người ủng hộ Proof of stake lại cho rằng rủi ro xứng đáng với những gì sẽ đạt được qua những lợi ích môi trường và tốc độ giao dịch, cũng như từ việc đưa một nhóm người dùng rộng lớn hơn vào quy trình.
Nguồn: Bloomberg