Chủ tịch CFTC cảnh báo về rủi ro cho nhà đầu tư do thiếu khung pháp lý cho tiền mã hóa tại Mỹ, trong khi dòng vốn đổ vào tài sản số đạt 2,2 tỷ USD tuần qua.
Tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Công nghiệp Chứng khoán và Thị trường Tài chính (SIFMA) diễn ra ở New York ngày 21/10, Chủ tịch Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC), Rostin Behnam, đã lên tiếng cảnh báo về những thách thức nghiêm trọng mà cơ quan này đang phải đối mặt do sự chậm trễ trong xây dựng khung pháp lý cho ngành công nghiệp tiền mã hóa.
Ông Behnam nhấn mạnh rằng, nếu không có luật pháp rõ ràng, CFTC sẽ bị “trói tay” trong thực thi nhiệm vụ, khiến nhà đầu tư và người dùng tiền mã hóa tại Mỹ gặp rủi ro. “Nỗ lực xây dựng khuôn khổ pháp lý cho ngành tài sản số hiện vẫn đang đình trệ,” ông phát biểu, đồng thời cho rằng sự thiếu hụt quy định đang cản trở các nhà đầu tư tổ chức và làm chậm quá trình tích hợp công nghệ blockchain vào hệ thống tài chính truyền thống.
Kenneth Bentsen, Chủ tịch SIFMA, cũng bày tỏ sự thất vọng với tình trạng hiện tại. Ông cho biết ngành tài chính đang ngày càng lo ngại về sự thiếu minh bạch trong các vấn đề thực thi quy định liên quan đến tiền mã hóa. Các công ty môi giới đang e dè tiếp cận tài sản số vì lo sợ có thể phải đối mặt với các hành động xử phạt từ cơ quan quản lý.
Hy vọng từ cuộc bầu cử sắp tới
Cả Behnam và Bentsen đều hy vọng cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới có thể tạo ra bước đột phá, thúc đẩy Quốc hội và chính quyền mới nhanh chóng ban hành các quy định cần thiết cho thị trường tiền mã hóa. Một chiến thắng của Đảng Cộng hòa được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này. Dữ liệu từ CoinShares cho thấy các sản phẩm đầu tư dựa trên tài sản số đã thu hút 2,2 tỷ USD trong tuần qua, cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư vẫn đang tăng cao bất chấp những bất ổn về mặt pháp lý.
Tuy nhiên, không phải tất cả quan chức Mỹ đều ủng hộ việc quản lý thị trường tiền mã hóa. Neel Kashkari, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Minneapolis, cho rằng tiền mã hóa đang tiếp tay cho các hoạt động tội phạm, gây khó khăn cho công tác giám sát tài chính và sẽ không bao giờ trở thành một phần của hệ thống tài chính.
Theo Kashkari, thay vì được quản lý, tiền mã hóa nên bị cấm hoàn toàn. Ông dẫn chứng bằng một báo cáo của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Minneapolis, trong đó các nhà phân tích cho rằng Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác cần bị đánh thuế hoặc cấm nhằm duy trì cân bằng ngân sách quốc gia.
Kashkari còn khẳng định rằng Bitcoin không thể đóng vai trò như một phương tiện trao đổi hay kho lưu trữ giá trị như tiền tệ truyền thống, chủ yếu được sử dụng cho hoạt động phi pháp và không có giá trị nội tại. Tuy nhiên, thống kê từ Chainalysis cho thấy điều ngược lại. Theo đó, chỉ 0,34% tổng giao dịch tiền mã hóa trong năm 2023 liên quan đến hoạt động bất hợp pháp.
Bất chấp những ý kiến trái chiều, các quan chức Mỹ đang đặc biệt quan tâm đến việc quản lý thị trường tiền mã hóa, với trọng tâm là lĩnh vực stablecoin. Vai trò của stablecoin trong củng cố hệ thống tài chính thậm chí còn được Cục Dự trữ Liên bang công nhận.