Theo báo cáo của cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s Investor Service, những đột phá gần đây đã gia tăng tiềm năng của các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sổ cái phân tán (DLT) khi áp dụng vào thị trường tài chính.
Moody’s cho biết, việc kết hợp chúng vào các mô hình kinh doanh có thể tốn chi phí cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và cần đầu tư đáng kể, nhưng sẽ giúp giảm chi phí và cải thiện tính thanh khoản của thị trường theo thời gian.
Cụ thể, AI có khả năng giảm chi phí hoạt động cho các tổ chức tài chính bằng cách tự động hóa các tác vụ thủ công. Trong khi DLT có thể cải thiện hiệu quả của thị trường, hiện đại hóa hệ thống thanh toán và thúc đẩy tài chính toàn diện, từ đó giảm dần chi phí, đặc biệt là đối với các công ty phát hành nhỏ.
Quản lý bộ phận tài sản số và DeFi tại Moody’s, Vincent Gusdorf tin rằng, những tác động của công nghệ mới lên nền kinh tế và tài chính tổng thể, bao gồm cả những thay đổi về chính sách và chiến lược mà chúng đang thúc đẩy sẽ rất tích cực.
Báo cáo cũng chỉ ra, trái phiếu mã hoá đang trở nên phổ biến trên thị trường toàn cầu khi giảm chi phí giao dịch và giúp thị trường vốn dễ tiếp cận khách hàng, tăng tính thanh khoản trên thị trường thứ cấp. Đáng chú ý, Ngân hàng trung ương Hồng Kông đã đưa ra kết luận tương tự sau đợt phát hành lô trái phiếu mã hóa trị giá 100 triệu USD vào đầu năm nay.
Ngoài ra, công nghệ DLT cũng cho phép một số doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội gia tăng doanh thu nhờ khai thác và thâm nhập các thị trường mới.
Tuy nhiên báo cáo lưu ý, chúng sẽ khác nhau rất nhiều tùy theo quốc gia, khu vực, công ty và người lao động, với một số ảnh hưởng do sự gián đoạn của công nghệ gây ra. Việc sử dụng các công nghệ mới này trong tài chính có thể đem tới làn sóng thay đổi tích cực, nhưng chúng cũng có những mặt rủi ro nếu không được quản lý hợp lý như các nguy cơ thách thức chính quyền, trốn thuế, rửa tiền hay khủng bố.