Báo cáo của BIS và FSB phân tích tiềm năng và rủi ro của token hóa, nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và khung pháp lý toàn cầu trong bối cảnh thị trường đang ngày càng phát triển.
Ngay trước thềm cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước G20 tại Brazil (23-24/10), Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) và Hội đồng Ổn định Tài chính (FSB) đã công bố báo cáo phân tích về token hóa. Với vai trò chủ tịch G20 năm 2024, Brazil tiếp nối Ấn Độ trong việc đưa chủ đề tiền kỹ thuật số và token hóa vào chương trình nghị sự.
Theo BIS và FSB, token hóa vẫn là một công nghệ mới, chưa được ứng dụng rộng rãi và chưa được hiểu rõ đầy đủ. Cả hai tổ chức đều cho rằng công nghệ này mang lại cơ hội cải thiện hệ thống tài chính, nhưng đồng thời cũng đi kèm với những rủi ro tiềm ẩn.
Những thách thức bao gồm việc thiếu một định nghĩa thống nhất và sự không đồng bộ trong quá trình triển khai giữa các quốc gia, dẫn đến hạn chế trong việc áp dụng rộng rãi công nghệ này. FSB cảnh báo các vấn đề liên quan đến thanh khoản, không khớp kỳ hạn, đòn bẩy, chất lượng tài sản và rủi ro vận hành có thể ảnh hưởng đến hệ thống tài chính nếu không được quản lý chặt chẽ.
Trong khi đó, BIS lưu ý các rủi ro truyền thống như tín dụng, thanh khoản, quyền lưu ký và an ninh mạng, vẫn tồn tại trong môi trường token hóa. Những rủi ro đó có thể phát sinh theo những cách thức mới, đặc biệt khi cấu trúc thị trường thay đổi, ảnh hưởng đến vai trò của các trung gian tài chính.
Cả hai tổ chức đều nhận định, dù token hóa hiện chưa tạo ra rủi ro đáng kể đối với sự ổn định tài chính toàn cầu do quy mô thị trường chưa lớn, nhưng việc giám sát chặt chẽ là cần thiết khi các ứng dụng token hóa đang ngày càng phát triển. Theo dự báo của công ty tư vấn BCG, thị trường token tài sản thậm chí sẽ đạt 16.000 tỷ USD vào năm 2030, chiếm khoảng 10% GDP toàn cầu.
Bên cạnh các rủi ro, BIS và FSB cũng ghi nhận token hóa có thể mang lại nhiều lợi ích, như khả năng tăng cường tính minh bạch, an toàn và hiệu quả cho hệ thống tài chính. Tuy nhiên để phát huy tối đa tiềm năng này, hai tổ chức nhấn mạnh tầm quan trọng trong tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý và xây dựng các quy định phù hợp.
Các ngân hàng trung ương được khuyến khích nghiên cứu và chuẩn bị các biện pháp quản lý nhằm đảm bảo cho quá trình triển khai công nghệ này diễn ra một cách an toàn và có trật tự.
Trước đó, FSB đã đưa token hóa vào danh sách ưu tiên trong chương trình điều hành năm 2024, đồng thời kêu gọi xây dựng các khuôn khổ pháp lý toàn cầu về tài sản kỹ thuật số. Sáng kiến này phù hợp với xu hướng quản lý tiền mã hóa đã được Ấn Độ thúc đẩy trong nhiệm kỳ chủ tịch G20 năm 2023, và tiếp tục trong nhiệm mới của Brazil.
BIS, thông qua Innovation Hub cũng đang hợp tác với nhiều ngân hàng trung ương lớn như Ngân hàng Pháp, Ngân hàng Nhật Bản, Ngân hàng Hàn Quốc, Ngân hàng Mexico, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, Ngân hàng Anh, và Cục Dự trữ Liên bang New York trong dự án Agorá để thử nghiệm các dự án token hóa, mở ra hướng đi mới cho việc ứng dụng công nghệ này trong lĩnh vực tài chính.