Các quy định AML (Anti-Money Laundering) nhằm ngăn chặn hành vi rửa tiền “bẩn” bất hợp pháp. Các hoạt động chống rửa tiền do Chính phủ và các tổ chức đa quốc gia như FATF quy định.
AML là gì?
AML (Anti-Money Laundering) là các quy định và điều luật dùng để ngăn chặn việc tẩu táng và rửa tiền bất hợp pháp. AML có liên kết chặt chẽ với hoạt động của Lực lượng đặc nhiệm Tài chính quốc tế (FATF) được thành lập năm 1989 để khuyến khích hợp tác quốc tế.
Ví dụ: mục tiêu của AML là các biện pháp nhắm vào hoạt động tài trợ khủng bố, gian lận thuế và buôn lậu quốc tế. Mỗi quốc gia quy định AML khác nhau, nhưng có một nỗ lực toàn cầu trong việc chia sẻ các tiêu chuẩn.
Công nghệ ngày càng phát triển, các phương pháp rửa tiền ngày một tinh vi. Vì vậy, các hành vi được cho là đáng ngờ sẽ được phần mềm AML cảnh báo. Các hành vi này bao gồm việc chuyển một số lượng tiền lớn, đưa tiền ra vào nhiều lần trong tài khoản. Việc kiểm tra chéo đối với người dùng trên danh sách theo dõi cũng được thực hiện.
AML không chỉ áp dụng đối với tiền mã hoá. Tất cả tài sản hoặc tiền pháp định đều có thể được giám sát và tuân theo các quy định của AML.
Phải mất một thời gian để các quy định bắt kịp sự phát triển của thị trường tiền mã hóa. Khi công nghệ blockchain liên tục đổi mới, các thủ tục AML cũng thay đổi thường xuyên cùng với các biện pháp mới cần được tuân thủ, tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng được xem là tích cực. Nhiều người yêu thích tiền mã hóa vì đánh giá cao tính ẩn danh và phi tập trung của nó. Vì lý do này, việc tăng cường quy định và tài liệu về danh tính của người dùng đôi khi được coi là đi ngược với bản chất của tiền mã hóa.
Sự khác biệt giữa AML và KYC là gì?
Xác minh danh tính (KYC) là một quy trình mà các tổ chức tài chính và nhà cung cấp dịch vụ phải thực hiện, như một phần của các điều luật AML. KYC yêu cầu người dùng gửi thông tin cá nhân để xác minh danh tính. Quá trình này tạo ra trách nhiệm giải trình cho bất kỳ giao dịch tài chính nào được thực hiện bởi người dùng.
KYC là một phần chủ động của AML và thuộc trách nhiệm giải trình của khách hàng. Điều này trái ngược với các phương pháp AML, đi theo hướng điều tra hành vi đáng ngờ theo một cách phản ứng.
Rửa tiền là gì?
Rửa tiền là hoạt động tội phạm biến các khoản tiền các khoản đầu tư hoặc tài sản tài chính từ bất hợp pháp trở nên hợp pháp. Số tiền bất hợp pháo này thường thu được từ các hoạt động phạm pháp như buôn bán ma túy, khủng bố và gian lận. Luật và quy định về chống rửa tiền khác nhau giữa các quốc gia. Tuy nhiên, tăng cường sự thống nhất về các quy tắc là mục tiêu của nhiều khu vực pháp lý và FATF.
Có ba giai đoạn rửa tiền:
- Sắp xếp: Đưa tiền “bẩn” vào hệ thống tài chính, chẳng hạn như kinh doanh bằng tiền mặt.
- Xếp lớp: Di chuyển đưa tiền bẩn vào tổ chức tài chính hợp pháp để khó theo dõi. Sử dụng tiền mã hoá như một cách để che giấu nguồn gốc của tiền “bẩn”.
- Hợp nhất: Sử dụng các khoản đầu tư hợp pháp và các kênh tài chính khác để đưa tiền “bẩn” vào nền kinh tế.
Tội phạm đang rửa tiền như thế nào?
Có nhiều cách để thực hiện ba bước trên. Phương pháp truyền thống là tạo biên lai giả cho các dịch vụ sử dụng tiền mặt trong các cửa hàng, nhà hàng và các doanh nghiệp khác. Một cá nhân hoặc tổ chức sử dụng các doanh nghiệp làm bình phong để rửa tiền.
Tội phạm tạo ra các biên lai giả và thanh toán bằng tiền mặt “bẩn”, biến chúng thành thu nhập hợp pháp. Dòng tiền này sau đó được trộn trong các giao dịch hợp lý để khó phân biệt giữa hai loại.
Tuy nhiên, hiện nay các hoạt động rửa tiền đã chuyển dần sang dùng tiền số thay vì tiền mặt. Sự khác biệt này đã thay đổi các phương pháp được sử dụng để rửa tiền. Giờ đây, thậm chí còn có nhiều lựa chọn để giấu và rửa tiền “bẩn” hơn trước.
Ví dụ, bạn có thể trực tiếp chuyển tiền mà không cần sử dụng ngân hàng. Các mạng thanh toán như Paypal hoặc Venmo cung cấp thêm một lớp phủ cho những kẻ rửa tiền sử dụng và gây khó khăn cho các cơ quan quản lý giám sát.
Công nghệ ẩn danh như VPN và tiền mã hóa đang khiến tình hình trở nên khó khăn hơn khiến việc bắt một cá nhân tham gia hoạt động rửa tiền gần như là bất khả thi. Một phương pháp để chống lại điều này là theo dõi tiền mã hoá “từ đầu đến cuối”. Bằng cách lần theo dữ liệu trên blockchain đến một sàn giao dịch, bạn có thể truy ra các khoản tiền đã rửa từ một tài khoản tiền mã hoá trên sàn hoặc tài khoản ngân hàng dưới tên của một ai đó. Tuy nhiên, việc mua tiền mã hóa bằng tiền mặt hoặc thông qua các dịch vụ P2P khiến việc theo dõi sự ra vào của tiền bẩn trong hệ thống tài chính trở nên thách thức hơn.
Một phương pháp được ưa chuộng khác là sử dụng các trang web cờ bạc trực tuyến. Tội phạm gửi số tiền mà chúng muốn rửa vào một tài khoản cờ bạc trực tuyến. Sau đó, chúng tiến hành staking để làm cho tài khoản trông hợp pháp. Cuối cùng, chúng rút tiền ra và kết quả là chúng có được tiền sạch. Thông thường, điều này được thực hiện với nhiều tài khoản để không làm dấy lên nghi ngờ. Một tài khoản duy nhất có số tiền lớn có thể bị gắn cờ kiểm tra AML.
Các biện pháp đo lường AML hoạt động như thế nào?
Bạn có thể chia nhỏ các hoạt động cơ bản của cơ quan quản lý hoặc sàn giao dịch tiền mã hóa thành ba bước:
- Các hoạt động đáng ngờ, chẳng hạn như dòng tiền lớn ra hoặc vào sẽ tự động bị gắn cờ hoặc báo cáo. Một hành vi không nhất quán, chẳng hạn như tăng số lần rút tiền từ một tài khoản bình thường hoạt động thấp cũng là một ví dụ.
- Trong hoặc sau khi điều tra, khả năng gửi tiền hoặc rút tiền của người dùng sẽ bị dừng. Hành động này cắt đứt mọi hoạt động rửa tiền có thể xảy ra. Sau đó, điều tra viên lập Báo cáo Hoạt động Đáng ngờ (SAR).
- Nếu có bằng chứng về hoạt động bất hợp pháp, các cơ quan hữu quan sẽ được thông báo và được cung cấp bằng chứng. Nếu số tiền bị đánh cắp được tìm thấy, chúng sẽ được trả lại cho chủ sở hữu ban đầu khi có thể.
Các sàn giao dịch thường có cách tiếp cận chủ động với AML. Giám sát giao dịch và nâng cao trách nhiệm giải trình là hai công cụ quan trọng trong việc chống lại các âm mưu rửa tiền.
FATF là gì?
FATF là một tổ chức quốc tế do G7 thành lập nhằm chống lại hoạt động tài trợ cho khủng bố và rửa tiền. Bằng cách tạo ra một bộ tiêu chuẩn mà các chính phủ trên toàn thế giới phải tuân thủ, những kẻ rửa tiền ngày càng khó tìm được các khu vực phù hợp để hoạt động.
Hợp tác giữa các chính phủ cũng cải thiện việc chia sẻ thông tin và giúp dễ dàng theo dõi những kẻ rửa tiền. Hơn 200 khu vực pháp lý đã cam kết tuân theo Tiêu chuẩn FATF. FATF giám sát tất cả những người tham gia để đảm bảo họ tuân thủ các quy định bằng các đánh giá chung thường xuyên.
Tại sao KYC cần thiết trong thị trường tiền mã hoá?
Do tính ẩn danh, tiền mã hóa thường được sử dụng để rửa tiền bất hợp pháp và trốn thuế. Thực thi các quy định này giúp cải thiện danh tiếng tổng thể của ngành tiền mã hóa và đảm bảo thu được các khoản thuế thích hợp. Những cải tiến trong AML mang lại lợi ích cho người dùng tiền mã hoá hợp pháp, mặc dù nó đòi hỏi tất cả các bên phải bỏ thêm công sức và thời gian.
Theo Reuters, chỉ trong năm 2020, tội phạm tài chính đã rửa tiền thông qua tiền mã hóa với ước tính khoảng 1,3 tỷ USD. Tiền mã hóa dễ được sử dụng để rửa tiền vì một số lý do sau:
- Các giao dịch trong blockchain là không thể thay đổi. Khi bạn đã gửi tiền qua blockchain, chúng không thể được trả lại trừ khi chủ sở hữu mới gửi lại. Cảnh sát và các cơ quan quản lý không thể lấy lại tiền cho bạn.
- Tiền mã hóa cung cấp tính ẩn danh. Một số đồng tiền như Monero ưu tiên quyền riêng tư của các giao dịch. Ngoài ra, còn có các dịch vụ “tumbler ” xếp lớp tiền mã hoá thông qua các ví khác nhau để làm cho dấu vết của nó khó bị theo dõi.
- Việc quản lý và đóng thuế vẫn chưa được quy định rõ ràng. Các cơ quan thuế trên toàn cầu vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc đánh thuế tiền mã hoá một cách hiệu quả và bọn tội phạm đang khai thác điều này.
Ví dụ về rửa tiền
Các nhà chức trách đã đạt được một số thành công trong việc theo dõi và bắt những tên tội phạm rửa tiền bằng tiền mã hóa. Vào tháng 7/2021, cảnh sát Vương quốc Anh đã thu giữ khoảng 250 triệu USD tiền mã hóa được sử dụng để rửa tiền. Đây là vụ tịch thu lớn nhất từ trước đến nay ở Vương quốc Anh, đánh bại kỷ lục trước đó cũng của quốc gia này là 158 triệu USD chỉ vài tuần trước đó.
Trong cùng thời gian trên, 33 triệu USD đã bị chính quyền Brazil thu giữ trong một hoạt động rửa tiền tinh vi. Hai cá nhân và 17 công ty đã tham gia vào việc mua crypto nhằm che giấu các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp. Tổ chức tội phạm có liên quan đã thành lập các công ty vì mục đích này. Có một số sàn giao dịch tiền mã hoá đã cố ý hợp tác với các tổ chức tội phạm và không tuân theo các quy trình AML.
Tóm lại, mặc dù việc thực hiện AML làm kéo dài thời gian giao dịch tiền mã hóa, nhưng điều quan trọng là nó có thể giữ an toàn cho người . Thật không may, các chính phủ và tổ chức không thể loại bỏ tất cả các hoạt động rửa tiền, nhưng việc thực hiện các quy định chắc chắn vẫn đem lại lợi ích đáng kể. Công nghệ đang được cải thiện để phát hiện ra các trường hợp rửa tiền. Vì vậy, các sàn giao dịch tiền mã hóa đóng góp một phần quan trọng trong việc tìm ra tội phạm.
PCB Tổng hợp