Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo rủi ro hệ thống từ stablecoin, trong khi Mỹ coi đây là công cụ chiến lược để củng cố vị thế đồng USD trên trường quốc tế.
Một sự chia rẽ rõ rệt về chính sách liên quan đến stablecoin đang dần xuất hiện giữa hai bờ Đại Tây Dương, phản ánh quan điểm đối lập sâu sắc giữa các nhà hoạch định chính sách tại Anh và Mỹ. Trong khi chính quyền Washington tích cực thúc đẩy một khuôn khổ pháp lý nhằm khai thác tiềm năng chiến lược của stablecoin, London lại tỏ ra thận trọng, đặc biệt nhấn mạnh những rủi ro mang tính hệ thống có thể phát sinh từ loại tài sản này.
Phát biểu trên tờ The Sunday Times, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), ông Andrew Bailey, đã đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ rằng việc cho phép các ngân hàng tư nhân phát hành stablecoin có thể gây tổn hại đến sự ổn định tài chính và làm suy yếu chủ quyền tiền tệ quốc gia. Với vị trí Thống đốc BOE kiêm Chủ tịch Hội đồng Ổn định Tài chính (FSB), quan điểm của ông Bailey có sức ảnh hưởng lớn đối với tiến trình xây dựng các quy định toàn cầu.
Theo ông, BOE nên ưu tiên vào giải pháp token hóa tiền gửi ngân hàng thay vì tham gia vào cuộc chạy đua phát hành stablecoin tư nhân hoặc tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) cho bán lẻ.
Ngược lại, tại Mỹ, chính quyền Trump lại coi stablecoin là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược tài chính số. Trong Hội nghị thượng đỉnh về Tài sản số diễn ra vào tháng 3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent khẳng định stablecoin là công cụ quan trọng nhằm duy trì sức mạnh của đồng USD trên toàn cầu.
Lập luận của Washington xuất phát từ thực tế rằng các stablecoin với mô hình thế chấp vượt mức thường được bảo chứng bằng tài sản thanh khoản cao, chẳng hạn như tiền mặt hoặc trái phiếu chính phủ Mỹ ngắn hạn. Việc các công ty tư nhân token hóa những tài sản này sẽ thúc đẩy nhu cầu toàn cầu, đồng thời giảm bớt áp lực lạm phát đối với đồng USD.
Quan điểm này cũng nhận được sự ủng hộ từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell, khi ông kêu gọi xây dựng một chính sách thống nhất về stablecoin tại Mỹ. Tuy nhiên, chiến lược của Washington đang gặp sự phản đối từ các nhà hoạch định chính sách châu Âu, vốn xem các stablecoin neo theo USD là mối đe dọa tiềm tàng đối với sự ổn định của hệ thống tài chính EU và vị thế của đồng EURO trong các giao dịch quốc tế.
Sự bất đồng chính sách ngày càng sâu sắc này giữa hai đồng minh quan trọng đang báo hiệu một giai đoạn phức tạp mới trong việc định hình tương lai của stablecoin và thị trường tài sản kỹ thuật số toàn cầu.