Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gia tăng – từ xung đột quân sự, đổ vỡ hiệp ước đến chiến tranh thương mại – một mặt trận mới đang dần hình thành: cuộc chạy đua kiểm soát tương lai của hệ thống tiền tệ toàn cầu. Không giống các cuộc đối đầu truyền thống, trọng tâm cạnh tranh lần này xoay quanh bản chất của đồng tiền – đặc biệt là ai sẽ nắm quyền dẫn dắt không gian tài sản số và tiền mã hóa trong kỷ nguyên kỹ thuật số.
Tính đến năm 2025, thế giới đang chứng kiến hai mô hình tiếp cận rõ nét. Một bên là Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, chủ trương đẩy mạnh chiến lược tích trữ tài sản mã hóa như Bitcoin và Ethereum, xem đây là tài sản chiến lược cấp quốc gia. Bên còn lại là Trung Quốc, theo đuổi lộ trình hoàn toàn trái ngược: phát triển đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC) – đồng nhân dân tệ số (e-CNY) – với cơ sở hạ tầng tập trung và được kiểm soát chặt chẽ bởi nhà nước.
Sự đối lập giữa hai hướng tiếp cận không chỉ phản ánh khác biệt về công nghệ, mà còn là biểu hiện của hai hệ hình tư tưởng tài chính: một bên hướng tới mạng lưới phi tập trung, không cần cấp phép và không do thực thể duy nhất kiểm soát; bên kia ưu tiên mô hình lập trình hóa dòng tiền dưới khuôn khổ quản trị nhà nước, phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô và kiểm soát tài chính xuyên suốt.
Chính sách tiền mã hóa của Mỹ năm 2025
Tháng 3/2025, Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp thành lập “Dự trữ Bitcoin Chiến lược”, trong đó khoảng 200.000 BTC – tương đương khoảng 18 tỷ USD tính đến tháng 4/2025 – được trích lập từ tài sản mã hóa tịch thu trong các vụ án hình sự. Số Bitcoin này không được phép bán ra thị trường mà sẽ được giữ dài hạn như một loại tài sản quốc gia phục vụ mục tiêu đảm bảo an ninh tài chính trong dài hạn.
Điểm đáng lưu ý là sáng kiến này không sử dụng ngân sách công, mà tận dụng tài sản bị thu giữ – một biện pháp tránh tạo áp lực chính trị đối với nguồn thu thuế. Đồng thời, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ được giao nghiên cứu phương án mở rộng kho dự trữ, với điều kiện không làm gia tăng thâm hụt ngân sách liên bang.
Cùng với Bitcoin, chính phủ Mỹ còn thiết lập “Kho dự trữ tài sản số” bao gồm các loại tài sản mã hóa khác như Ether (ETH), Solana (SOL), XRP và Cardano (ADA). Cũng được hình thành từ tài sản tịch thu, nhưng khác với Bitcoin – vốn có vai trò lưu trữ dài hạn – danh mục tài sản số này mang tính linh hoạt cao hơn: chính phủ có thể chủ động mua, bán hoặc nắm giữ tùy theo biến động thị trường và mục tiêu chính sách.
Mục tiêu dài hạn là nâng cao vai trò của Mỹ trong việc thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu cho tài sản số và tăng cường vị thế chiến lược trong không gian tài chính phi tập trung.
Chiến lược của chính quyền Trump còn bao gồm điều chỉnh chính sách thực thi pháp luật, bổ nhiệm các nhân sự có quan điểm tích cực với công nghệ blockchain vào các vị trí quản lý, và thúc đẩy đối thoại chính sách cấp cao.
Điển hình là hội nghị thượng đỉnh về tài sản mã hóa lần đầu tiên được tổ chức tại Nhà Trắng với sự tham gia của đại diện các sàn giao dịch, dự án blockchain và quỹ đầu tư. Đây là một bước đi biểu tượng nhằm công nhận vai trò của ngành tài sản mã hóa trong cấu trúc kinh tế hiện đại.
Ngoài ra, một số đề xuất gây tranh cãi cũng đã được đưa ra, như việc giải thể nhóm chuyên trách quốc gia về thực thi pháp luật đối với tài sản số thuộc Bộ Tư pháp. Dù gây tranh luận, động thái này thể hiện chuyển dịch chiến lược từ quản lý rủi ro sang thúc đẩy tăng trưởng ngành.
Đáng chú ý, dự luật có tên “BITCOIN Act” đang được xem xét, trong đó Bộ Tài chính Mỹ có thể được ủy quyền mua vào tối đa 1 triệu BTC – tương đương khoảng 5% tổng nguồn cung toàn cầu, trị giá ước tính hơn 88 tỷ USD.
Chiến lược e-CNY của Trung Quốc
Trái ngược với hướng đi của Mỹ, Trung Quốc triển khai mô hình tập trung hóa hoàn toàn, lấy e-CNY làm hạt nhân của chiến lược tài chính số quốc gia. Được phát triển từ đầu những năm 2010s và vận hành thí điểm tại nhiều đô thị, e-CNY hiện đã được sử dụng tại hàng chục thành phố lớn để thực hiện các giao dịch thường nhật như trả lương, thanh toán tiêu dùng, đi lại công cộng và giao dịch với các cơ quan nhà nước.
Tại một số địa phương như thành phố Thường Thục, công chức nhận lương mặc định bằng e-CNY. Tính đến cuối năm 2024, hơn 10 triệu thương nhân tại ít nhất 17 tỉnh, thành đã chấp nhận đồng tiền này như một phương tiện thanh toán chính thức.
Không chỉ dừng lại ở thị trường nội địa, Trung Quốc tích cực thúc đẩy e-CNY trong giao dịch xuyên biên giới. Thông qua các sáng kiến như Project mBridge – hợp tác với các ngân hàng trung ương của Thái Lan, UAE và Hồng Kông – e-CNY đang được thử nghiệm như một giải pháp thay thế hệ thống thanh toán xuyên quốc gia không phụ thuộc vào SWIFT hoặc các đồng tiền mệnh giá USD.
Khả năng vận hành offline qua công nghệ NFC hoặc Bluetooth, hỗ trợ hợp đồng thông minh và tích hợp trực tiếp vào hệ sinh thái thanh toán nội địa giúp e-CNY trở thành công cụ mang tính chiến lược kép: vừa tăng cường kiểm soát nội địa, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng.
Một ví dụ nổi bật là giao dịch dầu mỏ quốc tế đầu tiên của PetroChina bằng e-CNY thông qua Sàn giao dịch Dầu khí Quốc gia Thượng Hải vào tháng 10/2023. Tại Hồng Kông, công dân có thể mở ví e-CNY chỉ với số điện thoại và giấy tờ cá nhân, không cần tài khoản ngân hàng đại lục – một bước tiến lớn trong lộ trình quốc tế hóa đồng tiền này.
CBDC và tiền mã hóa: Hai hệ hình đối lập
CBDCs (Central Bank Digital Currencies) như e-CNY đại diện cho đồng tiền pháp định số hóa, do nhà nước phát hành và kiểm soát. Trái lại, tiền mã hóa như Bitcoin và Ethereum được vận hành trên mạng blockchain phi tập trung, không thuộc quyền điều hành của bất kỳ quốc gia nào.
Ưu điểm của CBDC:
- Hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô: Cho phép kiểm soát dòng tiền, thiết kế chính sách kích thích hoặc hạn chế tiêu dùng bằng cách lập trình giá trị tiền tệ.
- Tối ưu chi phí thanh toán: Giảm sự phụ thuộc vào hệ thống trung gian truyền thống.
- Tăng cường bao trùm tài chính: Người dân không có tài khoản ngân hàng vẫn có thể tiếp cận hệ thống tài chính thông qua ví CBDC.
- Chống rửa tiền và trốn thuế: Giao dịch minh bạch, có thể truy vết.
Hạn chế của CBDC:
- Rủi ro xâm phạm quyền riêng tư: Giao dịch có thể bị giám sát toàn diện bởi nhà nước.
- Tác động tiêu cực tới ngân hàng thương mại: Nếu người dân rút tiền khỏi ngân hàng để chuyển vào ví CBDC.
- Thách thức kỹ thuật và chính trị: Hạ tầng cần đảm bảo an toàn, mở rộng và được chấp thuận rộng rãi.
Ưu điểm của tiền mã hóa:
- Phi tập trung và không biên giới: Người dùng có thể giao dịch mà không cần trung gian.
- Quyền tự chủ tài chính: Người sở hữu kiểm soát toàn bộ tài sản.
- Bảo mật và minh bạch: Giao dịch được ghi vĩnh viễn trên sổ cái blockchain.
Hạn chế của tiền mã hóa:
- Biến động giá cao: Hạn chế khả năng sử dụng như phương tiện thanh toán ổn định.
- Rào cản pháp lý: Vẫn hoạt động trong vùng xám tại nhiều quốc gia.
- Vấn đề môi trường: Một số cơ chế như proof-of-work tiêu tốn nhiều năng lượng.
Khả năng cao là tương lai tài chính toàn cầu sẽ không nghiêng hoàn toàn về CBDC hay tiền mã hóa. Thay vào đó, một mô hình “hai tầng” có thể hình thành, nơi CBDC đảm nhiệm vai trò trong các giao dịch chính thống – như chi trả trợ cấp, thu thuế, điều hành chính sách – trong khi tiền mã hóa tồn tại song song như một lựa chọn tự do, linh hoạt và phòng ngừa rủi ro cho người dùng.
Tính đến đầu năm 2025, hơn 130 quốc gia đang nghiên cứu hoặc triển khai CBDC. Trung Quốc đi đầu với e-CNY, trong khi Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và Brazil cũng đang gia tăng tốc độ. Đồng thời, tài sản mã hóa vẫn tiếp tục gia tăng mức độ phổ cập và chấp nhận toàn cầu. Ví dụ, tại Argentina, Nigeria và Ukraine, tiền mã hóa đã trở thành phương tiện tài chính thay thế trong điều kiện kinh tế bất ổn.
Cuộc cạnh tranh giữa CBDC và tiền mã hóa không chỉ là một cuộc chiến công nghệ hay tài chính, mà còn là biểu hiện của mô hình tổ chức kinh tế trong tương lai: kiểm soát tập trung hay tự do phân tán. Quyết định cuối cùng – của người dùng, nhà hoạch định chính sách và thị trường – sẽ định hình lại toàn bộ trật tự tiền tệ toàn cầu trong những thập niên tới.