Các cơ quan nhà nước có thể bắt đầu định hình các loại tài sản này từ bộ luật dân sự và đưa việc quản lý tài sản số vào khung pháp lý chung chứ không nên nằm riêng biệt trong một hoặc một vài luật chuyên ngành, ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) nhấn mạnh.
Trong phiên khai mạc sự kiện Tuần lễ blockchain Việt Nam (GM Vietnam 2023) diễn ra sáng 7/7 tại TPHCM, ông Phan Đức Trung đã có bài chia sẻ quan trọng về quy định và vận hành tài sản phi tập trung trước hàng nghìn khách mời trong nước và quốc tế.
Theo ông Trung, sự cấp thiết của việc cần có một khung pháp lý hoàn chỉnh nhằm quy định hoạt động của tài sản phi tập trung xuất phát từ quy mô thực tế của thị trường này. Cụ thể, theo số liệu báo cáo từ Boston Consulting Group (BCG), quy mô của thị trường tài sản mã hóa sẽ tăng 50 lần từ mức 0,6% GDP toàn cầu tại thời điểm hiện tại là năm 2023 lên mức 16.000 tỷ USD, tương đương 10% tổng GDP toàn cầu vào năm 2030.
Sự tăng trưởng ấn tượng này cho thấy những lợi ích rõ nét từ việc tokenization (token hóa) các tài sản thực tế như giúp tăng cường sự bảo vệ nhà đầu tư, tăng tính minh bạch cho thị trường, giảm thiểu rủi ro trong hệ thống tài chính, thúc đẩy sự đổi mới và thu hút dòng vốn.
Đặc biệt, tài sản phi tập trung (về quyền sở hữu) có một đặc tính rất mới mẻ là được giám sát bởi chính cộng đồng người dùng. Đây có thể coi là sự giám sát cao nhất, hiệu quả nhất giúp gia tăng tính minh bạch. Sự phát triển của tài sản phi tập trung cũng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hệ thống giao dịch ngang hàng (P2P), ông Trung lưu ý.
Tuy nhiên, trước làn sóng token hóa các tài sản, chính phủ các nước cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như Quy định còn chưa rõ ràng, thẩm quyền quản lý còn mơ hồ, vấn đề đáp ứng tiêu chuẩn AML/CFT (chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố) nan giải và rủi ro cho nhà đầu tư do sự biến động mạnh của thị trường.
Kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tài sản phi tập trung
Tính tới thời điểm hiện tại, nhiều chính phủ các nước đã ban hành khung pháp lý để quản lý tài sản này, trong đó có 3 quốc gia, vùng lãnh thổ được coi là tiên phong thúc đẩy tài sản phi tập trung gồm Liên minh Châu Âu, Hồng Kông và Hàn Quốc. Phần lớn các quy định liên quan tới sẽ có hiệu lực từ giữa năm 2024.
Trong đó, ông Trung đánh giá các quy định tại Hồng Kông có phần đầy đủ và hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp blockchain nhờ các quy định tập trung vào quản lý các sàn giao dịch, quản lý tài sản và quản lý các dịch vụ khác có liên quan đến tài sản phi tập trung (bao gồm cả truyền thông). Hiện VBA cũng đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với Hiệp hội Blockchain Hồng Kông và cử các luật sư đại diện tham gia thảo luận về việc hỗ trợ các doanh nghiệp thiết lập chi nhánh tại đặc khu này.
Còn tại Mỹ, sự tranh luận về việc các tài sản phi tập trung Bitcoin, Ethereum là chứng khoán hay hàng hóa vẫn chưa được ngã ngũ. Sự chồng chéo về quản lý giữa Uỷ ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) với Uỷ ban Giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) cùng với khung pháp lý không rõ ràng đã gây ra sự xáo trộn đối với thị trường, dẫn đến các vụ trách chấp giữa các nhà quản lý và doanh nghiệp như vụ kiện giữa SEC với hai sàn giao dịch là Binance và Coinbase.
Trong khi đó các tổ chức tài chính truyền thống lớn tại Mỹ đang cố gắng nộp đơn đăng ký quỹ ETF Bitcoin giao ngay những ngày gần đây đã gây ra biến động giá của các loại tài sản này. Nếu một quỹ ETF giao ngay được chấp thuận thì quyết định này sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với thị trường khi lần đầu tiên một tài sản phi tập trung được xác định là chứng khoán.
Tình hình quy định và vận hành tài sản phi tập trung tại Việt Nam
Tại Việt Nam, ông Phan Đức Trung đánh giá, thị trường tài sản phi tập trung đã tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ đối với lĩnh vực tài chính công nghệ (fintech) và bước đầu đã được nhiều cơ quan quản lý chú ý, nhưng vẫn còn đang thiếu khung pháp lý để quản lý thị trường còn mới mẻ này.
Bên cạnh sự phát triển nhanh chóng, cùng với điều kiện quy định lỏng lẻo, tình trạng tội phạm trên không gian blockchain cũng theo đó gia tăng, đặc biệt là việc tận dụng các yếu tố như phân quyền, ẩn danh và giao dịch xuyên biên giới, các hoạt động rửa tiền thông qua tài sản phi tập trung đang ngày càng mở rộng và khó kiểm soát.
Tính đến thời điểm này, dù nhiều vụ tranh chấp, tố cáo liên quan đến tiền mã hóa và tài sản số đã diễn ra nhưng mới chỉ có 2 vụ việc được tòa án thụ lý và xét xử. Trong đó, vụ gần nhất là vụ cướp 37 tỷ Bitcoin trên đường cao tốc và kẻ chủ mưu đã bị tuyên phạt tù chung thân. Tuy nhiên, các phán quyết đều không công nhận Bitcoin là tài sản vì chưa có khuôn khổ pháp lý chính thức để phân loại tài sản phi tập trung.
Chính điều này đã gây ra nhiều khó khăn trong các hoạt động giao dịch và đầu tư của người dùng, từ đó hình thành nên những hành vi lợi dụng sự lỏng lẻo của pháp luật để lừa đảo trá hình.
Theo ông Trung, hai hành vi lừa đảo phổ biến hiện nay là lợi dụng niềm tin của tầng lớp dân trí thấp, kêu gọi đầu tư mua bán và chiếm đoạt tài sản. Loại thứ hai là những cá nhân có học vấn cao, đặt trụ sở doanh nghiệp tại nước ngoài nhưng chào bán sản phẩm tại thị trường Việt Nam, điển hình là KardiaChain Foundation (KF). Đối với KF, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã xác nhận đây là tổ chức phát hành token phi pháp. Ngoài ra còn nhiều tổ chức khác cũng đang hoạt động trá hình theo hình thức này.
Định hình tài sản phi tập trung bằng luật dân sự hiện hành
Với mục tiêu xây dựng môi trường blockchain minh bạch, lành mạnh, Hiệp hội Blockchain đã tổ chức nhiều Hội thảo xuyên suốt kể từ khi thành lập năm 2022 đến nay với nhiều cơ quan nhà nước và tổ chức nghề nghiệp như Viện lập pháp của Quốc hội, Hiệp hội Ngân hàng, Viện phát triển kinh tế số,… nhằm định hình các hướng đi mới cũng như góp ý trong quá trình xây dựng quy định, quản lý thị trường tài sản phi tập trung trong nước.
Đáng chú ý trong tháng 7/2023 này, Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo đặc biệt về phòng chống rửa tiền đối với tài sản phi tập trung. Sự kiện này nằm trong khuôn khổ thực hiện nghĩa vụ quốc tế về phòng, chống rửa tiền quốc tế do Lực lực đặc nhiệm hành động tài chính (FATF) ban hành, ông Trung cho biết thêm.
Còn ở thời điểm hiện tại, VBA kiến nghị các cơ quan nhà nước không nên chỉ chờ đợi vào một bộ luật mới hoàn toàn, thay vào đó cần định hình tài sản phi tập trung bằng các bộ luật dân sự hiện hành.
Cụ thể, theo ông Trung, tài phi tập trung cần được đưa vào Khung pháp lý chung (Legal framework) chứ không nên chỉ được quy định trong một hoặc một vài luật chuyên ngành (ví dụ như Luật các Tổ chức Tín dụng, Luật viễn thông…). Trong khung pháp lý chung đó, quyền sở hữu, tài sản và sở hữu trí tuệ,… liên quan đến tài phi tập trung là nội dung cơ bản cần xác lập rõ ràng hơn.
“Đó là cách tiếp cận về kinh tế – chính trị (về quyền sở hữu) từ hệ thống luật cũ từng bước (như Luật Dân sự) trong khi chờ đợi xây dựng và ban hành luật mới”, ông Phan Đức Trung nhấn mạnh.
Ông Trung cũng kiến nghị các cộng đồng tại Việt Nam cần mạnh dạn lên án, cảnh báo các tổ chức có hành vi bất minh, chia sẻ thông tin đến cộng đồng, chung tay xử lý những vấn đề phức tạp ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung. Từ đó, thúc đẩy thị trường tài sản phi tập trung tại Việt Nam tạo dựng niềm tin đối với các doanh nghiệp quốc tế và mở rộng quan hệ hợp tác.
Sau khi ra mắt “Cổng báo cáo các dự án có dấu hiệu lừa đảo”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã nhận về hơn 20 báo cáo, trong đó 70% dự án bị báo cáo là các nhà sáng lập tại Việt Nam. VBA cũng đã công bố “Bộ tiêu chuẩn nhận diện lừa đảo”, “Bộ tiêu chuẩn Bảo mật thông tin” và “Bộ tiêu chuẩn Đánh giá Xếp hạng Dự án” trên cổng thông tin https://blockchain.vn nhằm tạo ra một môi trường minh bạch, cạnh tranh lành mạnh cho ngành blockchain.
Tuần lễ Blockchain – GM Vietnam 2023 diễn ra vào ngày 7-8/7 tại TP Hồ Chí Minh đã đón hơn 2.000 lượt người tham dự, gồm các nhà phát triển, doanh nhân, nhà đầu tư cùng cộng đồng yêu thích blockchain. Sự kiện còn quy tụ các dự án đầu ngành như Animoca Brands, Ava Labs, Binance, Chainalysis, Circle, Coinbase, ConsenSys, Delphi Digital, Google, OKX, Tezos,…
Theo bà Jenny Nguyễn, Giám đốc vận hành Kyros Ventures, GM Vietnam sẽ mang đến một sân chơi giàu tính chuyên môn, tạo dấu ấn đậm nét về sự phát triển blockchain của Việt Nam và những trải nghiệm chưa từng có cho cộng đồng yêu công nghệ Việt Nam và quốc tế. Đây cũng là dịp để các nhà đầu tư, phát triển blockchain khu vực và thế giới cùng chia sẻ những sáng kiến mới. Từ đó, góp phần định hình tương lai của ngành công nghiệp tài sản kỹ thuật số, thúc đẩy mạnh mẽ công nghệ blockchain.