Một nghiên cứu gần đây từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, Châu Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê (LAC) đang dẫn đầu về áp dụng tài sản số, mang đến những bài học quý giá cho nhiều quốc gia. Trong khi El Salvador gây chú ý bằng việc hợp pháp hoá Bitcoin, các quốc gia LAC khác cũng có những bước tiến đáng kể trong việc giới thiệu tiền số của ngân hàng trung ương (CBDC) để tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống thanh toán cũng như cắt giảm chi phí giao dịch xuyên biên giới.
Bahamas là quốc gia tiên phong giới thiệu CBDC với đồng Sand Dollar vào năm 2020, Liên minh tiền tệ Đông Caribê (ECCU) và Jamaica cũng có các động thái tương tự. Trong khi dự án CBDC của Brazil đang ở giai đoạn thử nghiệm cơ chế Proof-of-Concept nâng cao, cũng như tăng cường khả năng “mã hóa tài sản” bằng cách biến các tài sản như bất động sản, cổ phiếu hay hàng hóa thành các đại diện kỹ thuật số để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển nhượng và tăng tính thanh khoản của chúng.
Đáng chú ý, bốn quốc gia Mỹ Latinh — Brazil, Argentina, Colombia và Ecuador — được xếp hạng top 20 quốc gia hàng đầu về việc áp dụng tài sản tiền mã hoá trên toàn cầu vào năm 2022, theo Chainalysis. Họ đang tìm kiếm những lợi ích mà tài sản số mang lại bao gồm chống lại các điều kiện kinh tế vĩ mô không chắc chắn trong nước, vượt qua các biện pháp kiểm soát vốn, cải thiện tài chính toàn diện cho những người dân không được sử dụng dịch vụ ngân hàng, thanh toán rẻ hơn và nhanh hơn, cũng như tăng cường cạnh tranh mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên việc áp dụng tài sản tiền mã hoá cũng đặt ra nhiều thách thức và rủi ro, đặc biệt là khi các quốc gia LAC có đặc điểm dễ bị tổn thương với lịch sử kinh tế vĩ mô thường bất ổn, uy tín thể chế thấp, cần dòng vốn lớn, tình trạng tham nhũng và các lĩnh vực kinh tế ngầm đang mở rộng. Khảo sát của IMF trong năm 2022 chỉ ra rằng, 12 trong số 19 khu vực tài phán đã có khung pháp lý đặc biệt hoặc đang trong quá trình xây dựng một khung pháp lý đối với lĩnh vực tài sản số.
Chấp nhận tiền mã hoá
Quy định về tài sản tiền mã hoá là khác nhau giữa các quốc gia LAC. Trong khi El Salvador đã đấu thầu hợp pháp Bitcoin và được luật pháp tuyên bố là công cụ thanh toán để giải quyết các giao dịch và nghĩa vụ tài chính — các quốc gia như Argentina và Cộng hòa Dominica đã cấm sử dụng tài sản tiền mã hoá do lo ngại về tác động của chúng đối với sự ổn định tài chính, nguy cơ thay thế hệ thống tiền tệ và tài sản, các hành trốn thuế, tham nhũng và rửa tiền.
Kinh nghiệm của El Salvador với Bitcoin cho thấy nhiều rủi ro khi áp dụng tài sản tiền mã hoá. Những loại tài sản dựa trên cung cầu này thường xảy ra các biến động giá đáng kể, ngay cả khi chúng được chính phủ hỗ trợ một cách công khai. Một cuộc khảo sát quốc gia năm 2022 cho thấy Bitcoin vẫn không phải là phương tiện giao dịch được chấp nhận rộng rãi ở El Salvador, bất chấp chính phủ đã tìm cách thúc đẩy áp dụng bằng các ưu đãi về chính sách và tài chính.
Trong khi đó, việc tìm cách áp dụng stablecoin một cách hiệu quả cũng đặt ra những thách thức, như đã được chứng minh bởi dự án thử nghiệm của Meta. Việc ra mắt ví blockchain Novi để cho phép người dân Guatemala thực hiện thanh toán trong nước và xuyên biên giới miễn phí đã trở nên phổ biến đến mức, các nhà quản lý cho rằng chúng đang đe doạ trực tiếp đối với đồng nội tệ của Guatemala. Vì vậy các biện pháp ngăn chặn đã được ban hành khiến Novi phải ngừng hoạt động vào năm ngoái, bên cạnh áp lực từ các nhà quản lý phương Tây phản đối Meta mở rộng hoạt động sang lĩnh vực tiền mã hoá.
Lời hứa của CBDC
Hầu hết các ngân hàng trung ương ở vùng LAC đang tìm kiếm các cơ hội để giới thiệu CBDC, với một số quốc đảo đã phát hành CBDC của riêng họ. Theo khảo sát của IMF với các quan chức chính phủ trong khu vực, một nửa số người được hỏi đang xem xét cả hai lựa chọn là CBDC bán lẻ (được thiết kế cho công chúng) và CBDC bán buôn (dành cho các tổ chức tài chính sử dụng).
Hầu hết những người được khảo sát xem CBDC như một biện pháp để tăng cường hệ thống thanh toán và mở rộng khả năng tiếp cận. Họ coi tài chính toàn diện và chủ quyền tiền tệ là những yếu tố quan trọng có lợi cho việc phát hành CBDC bán lẻ, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân không được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng, đồng thời loại bỏ nguyên nhân dẫn đến nhu cầu về tiền mã hoá cũng như các rủi ro liên quan đến chúng, trong bối cảnh việc cấm tiền mã hoá là một biện pháp không hiệu quả.
Ngoài các mục tiêu này, cá ngân hàng trung ương của ECCU và Bahamas cũng đã phát hành CBDC của riêng họ để tăng cường tài chính toàn diện cho cộng đồng ở các hòn đảo xa xôi và tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống thanh toán, trước các sự cố thiên tai và đại dịch. Việc tiếp cận chậm và sự gián đoạn trong việc tiếp cận CBDC ở các quốc gia này cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư nâng cao nhận thức công chúng, và xây dựng cơ sở hạ tầng mạnh mẽ để thúc đẩy việc áp dụng CBDC.
Quản lý rủi ro
Tài sản tiền mã hoá có những rủi ro khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh từng của quốc gia. IMF đã cung cấp hướng dẫn về các yếu tố chính của một phản ứng chính sách phù hợp để giảm thiểu rủi ro, trong khi vẫn tận dụng được những lợi ích tiềm năng của sự đổi mới công nghệ liên quan đến tài sản số.
Nếu được thiết kế tốt, CBDC có thể tăng cường khả năng sử dụng, khả năng chống chịu và hiệu suất của các hệ thống thanh toán, đồng thời tăng cường tài chính toàn diện tại khu vực LAC.
Mặc dù một số quốc gia đã cấm hoàn toàn tài sản tiền mã hoá do rủi ro của chúng, nhưng phương pháp này có thể không hiệu quả trong dài hạn. Thay vào đó, khu vực này nên tập trung vào việc giải quyết các yếu tố thúc đẩy nhu cầu tiền mã hoá, bao gồm nhu cầu thanh toán kỹ thuật số chưa được đáp ứng của công dân, cải thiện tính minh bạch bằng cách ghi lại các giao dịch tài sản tiền mã hoá trên hồ sơ thống kê quốc gia.
Theo IMF