Bất chấp những lợi ích công nghệ blockchain và tiền mã hóa mang lại, nhiều công ty tổ chức ở châu Á vẫn còn e ngại khi áp dụng chúng.
Khi tài sản kỹ thuật số chuyển đổi từ một thị trường ngách thành một hạng mục đầu tư thay thế với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, những sự thất bại của các tổ chức lớn như FTX , Three Arrows Capital, Voyager Digital và gần nhất là BlockFi đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của công chúng về ngành. Điều này làm nổi bật sự cần thiết của các quy định và giải pháp an toàn.
Năm 2021 chứng kiến sự quan tâm và tham gia ồ ạt của nhiều cá nhân, tổ chức vào không gian tiền mã hóa. Các quỹ phòng hộ, các nhà cố vấn đầu tư và nhiều công ty đã giao dịch số tiền khổng lồ trị giá hàng nghìn tỷ USD. Chỉ tính riêng trên Coinbase, số tiền giao dịch năm 2021 đã đạt 1,14 nghìn tỷ, tăng gần 10 lần so với 120 tỷ USD của năm 2020.
Tuy nhiên, 2022 lại là năm khá trầm lặng với ngành công nghiệp tiền mã hóa khi lần lượt đối mặt với sự sụp đổ của các ông lớn trong ngành. Điều quan trọng cấp bách hơn cả có lẽ là việc xác định khung pháp lý phù hợp với tài sản kỹ thuật số.
Nhìn khắp khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (APAC), có rất nhiều lợi thế về thể chế. Việt Nam là quốc gia đi đầu ở Đông Nam Á trong việc chấp nhận tiền mã hóa, nhưng chính phủ vẫn chưa công nhận tiền mã hóa là một dạng tiền tệ hợp pháp. Do đó, các tổ chức tài chính Việt Nam hiện vẫn hoàn toàn bị cấm xử lý chúng.
Ở khía cạnh khác, các khu vực pháp lý như Hồng Kông và Singapore cũng đang nỗ lực để tạo ra các khuôn khổ pháp lý, đảm bảo tiền mã hóa có thể được sử dụng một cách an toàn. Các quốc gia như Nhật Bản đã có khung pháp lý cho stablecoin, trong khi các quốc gia khác như Úc và Ấn Độ đang làm rõ các vấn đề về thuế liên quan đến đầu tư tiền mã hóa – một bước quan trọng để đảm bảo tính hợp pháp của chúng trong hệ thống tài chính.
Nghiên cứu của Accenture tiết lộ, hơn một nửa số người giàu ở châu Á nắm giữ tiền mã hóa trong danh mục đầu tư, nhưng hai phần ba các công ty quản lý tài sản ở châu Á không có kế hoạch cung cấp bất kỳ hình thức đề xuất tài sản kỹ thuật số nào mà chỉ nhắm vào hoạt động lưu ký của tài sản kỹ thuật số.
Những thay đổi về quy định ở Hồng Kông và Singapore có thể sẽ đóng vai trò thúc đẩy sự quan tâm của các tổ chức đối với tiền mã hoá trên khắp khu vực APAC. Nhưng điều quan trọng phải xem xét một số rào cản đối với việc áp dụng cho đến nay.
Những lo ngại về bảo mật
Sự thiếu rõ ràng xung quanh các quy định cũng như những lo ngại về bảo mật tài sản là rào cản ngăn việc áp dụng công nghệ blockchain và tiền mã hóa một cách rộng rãi, nhưng mọi thứ đang bắt đầu thay đổi.
Sự rõ ràng về quy định rất quan trọng trong sự phát triển của bất kỳ thị trường tài chính nào, đặc biệt đúng với tiền mã hoá. Với quy trình cấp phép nghiêm ngặt cho các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP), các quốc gia như Singapore có thể được coi là đi đầu khi nói đến quy định về tiền mã hóa. Các giao dịch kinh doanh liên quan đến tiền mã hóa đều được nêu rõ trong Đạo luật dịch vụ thanh toán, một đạo luật nhằm cung cấp các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng và điều chỉnh các hệ thống thanh toán ở Singapore.
Singapore đã thông qua Dự luật thị trường và dịch vụ tài chính để tinh chỉnh các yêu cầu của quy định đối với tiền mã hóa và các dịch vụ tài chính khác. Ngoài ra, Hồng Kông cũng đang hướng tới cho phép các nhà bán lẻ đầu tư vào tiền mã hóa và cung cấp các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ.
Sự kết hợp giữa những quy định rõ ràng và các cuộc đối thoại mang tính xây dựng cởi mở giữa các bên liên quan khác nhau ở các khu vực tài phán như Hồng Kông và Singapore hy vọng sẽ giúp các tổ chức tin tưởng hơn vào loại tài sản này. Quan trọng hơn, các dấu hiệu về cách đối xử với tài sản kỹ thuật số ở Hồng Kông và Singapore — cả hai đều đang trải qua quá trình tham vấn và sẽ có kết quả vào cuối năm nay — hy vọng sẽ khuyến khích các quốc gia châu Á khác làm theo.
Những lo ngại về bảo mật tài sản có thể được giảm bớt khi các tổ chức làm việc với các nền tảng tài sản kỹ thuật số sử dụng công nghệ độc quyền để lưu trữ tài sản một cách an toàn, để đảm bảo tiền của khách hàng không bao giờ bị xáo trộn. Khi các tổ chức hợp tác với những người giám sát một cách an toàn, niềm tin vào lĩnh vực này sẽ tăng lên.
Tiềm năng công nghệ blockchain
Ngoài việc xem tiền mã hóa như một loại tài sản đầu tư, công nghệ blockchain cốt lõi của tiền mã hoá cũng ngày càng thu hút được sự quan tâm của nhiều tổ chức bởi những tiềm năng lớn. Đây được xem là làn sóng đổi mới tiếp theo trong lĩnh vực tài chính.
Blockchain đã được chứng minh sẽ giúp giải quyết các vấn đề tồn tại lâu dài trong hệ thống tài chính, chẳng hạn như làm giả, double-spending và lỗi giao dịch. Nó cũng có thể tối ưu hóa và mang lại hiệu quả về chi phí cho các chức năng như vay và cho vay, quản lý tài sản thế chấp và thanh toán.
Ngoài tiền mã hóa, blockchain còn mang lại sự chuyển đổi về cách người dùng tương tác với tiền, tuy nhiên cần một nỗ lực lớn của ngành tài chính để xây dựng “đường ray” tương lai cho ngành.
Hầu hết các tổ chức tài chính cũ đều không phải công ty công nghệ. Mặc dù đã có rất nhiều đổi mới trong vài thập kỷ qua như chuyển khoản ngân hàng và các chức năng hỗ trợ khác, nhưng những sự thay đổi này chủ yếu là nằm ở khâu thiết kế nhằm để duy trì sự ổn định và an ninh trong hoạt động. Điều đó giải thích tại sao các tổ chức này tiếp cận chậm và cẩn thận khi xây dựng công nghệ mới.
Để nhận ra tiềm năng của blockchain trong khi duy trì sự ổn định của thị trường, các tổ chức tài chính cần hợp tác với các công ty công nghệ có chuyên môn trong lĩnh vực tài sản kỹ thuật số nhằm thay đổi cách tiếp cận cũng như các cấu trúc quy định mà các tổ chức cần để tuân thủ.
Tầm nhìn cho tương lai
Các công ty đang sở hữu tiền mã hóa như một sản phẩm đầu tư cần luôn tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt và tập trung vào tiềm năng của công nghệ blockchain để chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ mình khỏi những sự cố tương tự đã xảy ra trong năm 2022.
Không chỉ giúp các tổ chức được hưởng lợi từ công nghệ blockchain cũng như tìm kiếm lợi nhuận từ các khoản đầu tư vào tiền mã hóa, việc đổi mới và áp dụng công nghệ blockchain còn trao quyền cho người dùng nhiều hơn.
Nhìn lại 20 năm qua, thật khó để tưởng tượng tác động của internet và điện thoại thông minh tạo ra đối với cuộc sống hàng ngày. Tương tự, công nghệ blockchain và tiền mã hóa cũng đang ở giai đoạn đầu trong quá trình chuyển đổi hệ thống tài chính trở nên minh bạch, hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Có niềm tin rằng blockchain sẽ là chất xúc tác cho một hệ thống tài chính toàn diện, loại bỏ các rào cản đối với những người dùng không có tài khoản ngân hàng có thể tham gia và hưởng lợi từ các dịch vụ tài chính.
Người dùng ở châu Á rõ ràng dễ chấp nhận tiền mã hóa, thị trường châu Á chiếm 43% hoạt động tiền điện tử toàn cầu, với 296 tỷ USD giao dịch từ tháng 6/2020 đến tháng 6/2021.
Ngành công nghiệp blockchain dường như đang có lộ trình điều tiết rõ ràng hơn để tồn tại và bảo vệ tài sản kỹ thuật số của các tổ chức áp dụng. Vấn đề hiện tại là thời gian trước khi những nhà đầu tư tổ chức tại châu Á tham gia vào nền kinh tế blockchain.