Khác với suy nghĩ của nhiều người rằng Blockchain là tiền ảo, công nghệ này đang được ứng dụng để giải nhiều bài toán thuộc các lĩnh vực khác nhau.
Trong Top 200 công ty về Blockchain lớn nhất thế giới, có tới 7 công ty đến từ Việt Nam. Việt Nam cũng nằm trong nhóm 5 quốc gia đi đầu về công nghệ Blockchain với chỉ số về chấp nhận công nghệ mới này cao gấp 5 lần tại Mỹ.
Blockchain đang được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực
Không chỉ trong lĩnh vực tài chính, Blockchain được ứng dụng ngay cả trong bầu chọn tại nhiều cuộc thi, điển hình như hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam.
Ông Mai Duy Quang – Phó chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) – cho biết: “Bởi vì đặc trưng của Blockchain là tính minh bạch cũng như tường minh nên những gì xử lý trên On-chain là không thay đổi, ví dụ như dùng để bầu chọn hay là truy xuất nguồn gốc”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Chủ tịch công ty IMG Education, Uỷ viên Hiệp hội Blockchain Việt Nam – cho rằng: “Người ta cứ đánh đồng Blockchain với Crypto với tiền ảo nhưng thực tế là nó đang được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn như dùng dữ liệu để quản lý bất động sản, quản lý hồ sơ của học sinh, bảng điểm chống sửa chữa hay thậm chí là trong lĩnh vực Logistic, quản lý hàng hoá…”.
Theo các chuyên gia, Blockchain cần được coi là một công nghệ với những đặc tính ưu việt riêng. Cùng với trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và dữ liệu lớn, Blockchain là chìa khoá thúc đẩy nhanh chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Mạnh Khôi – Tổng Giám đốc Koru Capital – khẳng định: “Blockchain cuối cùng cũng là một của công cuộc chuyển đổi số mà thôi, nó không thể đi ra ngoài sự vận hành của thị trường được”.
Theo báo cáo vừa phát hành của hãng nghiên cứu Markets and Markets, thị trường liên quan đến Blockchain tại Việt Nam dự kiến đạt giá trị gần 2,5 tỷ USD vào năm 2026, tăng gấp 5 lần quy mô so với năm 2021. Do đó, tiềm năng, dư địa và cơ hội rất lớn đang mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam.
Mặc dù vậy, việc phát triển công nghệ này là không dễ dàng khi nhiều dự án đang phải khởi nghiệp với pháp nhân nước ngoài, trong khi đó các doanh nghiệp trong nước lại rất khó cạnh tranh trước cơn bão giá nhân sự. Một hành lang pháp lý đầy đủ và một chiến lược phát triển phù hợp là rất cấp thiết để nắm bắt cơ hội này. Lợi thế rõ ràng sẽ vẫn chỉ là lợi thế nếu như không có những chính sách và cơ hội để người Việt có thể khởi sự Blockchain ngay trên sân nhà, và có thể đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách.
Doanh nghiệp Blockchain Việt muốn khởi sự trên sân nhà
Sky Mavis là một kỳ lân mới do người Việt sáng lập. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại đăng ký kinh doanh và đóng thuế tại Singapore do không đáp ứng được các quy định về kinh doanh ở trong nước.
Anh Nguyễn Thành Trung – Nhà sáng lập Sky Mavis, Chủ quản game Axie Infinity – chia sẻ: “Quy định khó nhất là ở Việt Nam không cho phép mua bán vật phẩm”.
Theo các chuyên gia, khác với Việt Nam, Singapore có một cơ chế đặc thù. Họ tách bạch rõ việc đăng ký kinh doanh, nộp thuế với khu vực hoạt động của doanh nghiệp.
Ông Trịnh Công Duy – Nhà sáng lập Bizverse, Trưởng lab Metaverse, Đại học Đà Nẵng – cho rằng: “Singapore là một mô hình khá là thú vị. Người ta tách bạch rất rõ đăng ký kinh doanh và hoạt động kinh doanh. Tức là họ cho phép doanh nghiệp Blockchain đăng ký kinh doanh ở Singapore nhưng một số hoạt động thì cũng bị cấm và doanh nghiệp vẫn có thể cung cấp dịch vụ tại những nơi, những quốc gia khác mà người ta chấp nhận”.
Theo đánh giá, việc giữ được các doanh nghiệp Blockchain trên sân nhà không chỉ giúp bổ sung nguồn thu lớn cho ngân sách mà còn giúp ổn định thị trường nhân sự đang ngày một nóng của công nghệ này.
Sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho Blockchain
Nếu ai cũng ra nước ngoài thì Việt Nam sẽ lãng phí nguồn lực và dòng vốn không nhỏ. Và vì thế, tại sự kiện ra mắt hiệp hội Blockchain Việt Nam vừa diễn ra, trước những ý kiến tham luận và nguyện vọng của cộng đồng công nghệ chuỗi khối, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết đang khẩn trương rà soát các quy định và sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý để ứng dụng và phát triển công nghệ này.
Ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ – nhấn mạnh: “Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ rà soát hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện phát triển Blockchain”.
Ông Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam – cho rằng: “Với việc ra đời hiệp hội, chúng tôi hy vọng đây là cầu nối giữa các cơ quan quản lý, tập hợp được một lực lượng về tiếng nói, lắng nghe được chính xác nhất, diễn giải các định hướng quản lý trong ngành nghề này”.
Hiểu đúng về Blockchain và các ứng dụng của nó, sớm có các quy định về thí điểm các mô hình Sandbox được kỳ vọng sẽ là nơi để cơ quan quản lý có thể quan sát, đánh giá tác động của Blockchain đối với nền kinh tế và hoàn thiện các quy định pháp luật trong tương lai.
Theo VTV