Sau giai đoạn phát triển bùng nổ, các dự án GameFi đang trải qua thời kỳ khó khăn nhất. Tăng trưởng không như mong đợi, nhiều lùm xùm là lý do GameFi giảm thu hút.
GameFi chính là sự kết hợp của tài chính phi tập trung, non-fungible token (NFT) và các game online/offline dựa trên nền tảng Blockchain. Với các ứng dụng GameFi, người chơi hoàn toàn có thể kiếm được tiền và lợi nhuận thông qua việc bỏ thời gian chơi game.
Tuy nhiên GameFi dường như đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi bùng nổ mạnh mẽ vào giữa năm 2021, bên cạnh thị trường tiền điện tử đang sụt giảm mạnh. Phần lớn các dự án xây dựng Game trên nền tảng Blockchain đều đang hụt hơi, nếu không muốn nói chết lâm sàng.
Trong khi đó, Việt Nam là thị trường nhộn nhịp với khoảng hơn 90% dự án có nguồn gốc hoặc liên quan đến các nhà sáng lập người Việt. Gần đây nhất, đã có 3 dự án game do đội ngũ Việt Nam phát triển đi theo con đường tiêu cực này.
Ngoài lý do thị trường tiền điện tử suy giảm chung, điều gì dẫn đến sự tan hoang của xu hướng GameFi hiện tại, có hay không việc nhiều chủ dự án bỏ cuộc chơi, hay trắng trợn hơn là lừa đảo người dùng?
Những góc khuất cũng như nhận định về GameFi ở thời điểm hiện tại đã được thảo luận trong Talkshow số 19 do Diễn đàn Phổ cập Blockchain tổ chức với chủ đề: “GameFi Việt Nam – Báo động đỏ”.
Đánh giá thị trường GameFi hiện tại ở Việt Nam
Theo anh Cris D.Tran – Co-founder FAM Central, Managing Director Quỹ Khởi Nghiệp Quốc Gia Việt Nam, thị trường Việt Nam thực sự rất tiềm năng và được cho là có ‘số má’ không chỉ ở trong khu vực mà còn ở trên thị trường thế giới.
Cộng thêm yếu tố Axie Infinity đang làm tốt nhiệm vụ của ‘cánh chim đầu đàn’, tạo ra nhiều giá trị ở phía bên ngoài Việt Nam.
“Chúng ta có thể nhận thấy đang xuất hiện rất nhiều các dự án ‘ăn theo’, hưởng lợi từ con đường mòn đi trước, tạo nên một xu hướng: ai cũng có thể làm game và những mô típ làm game khá giống nhau”, anh Cris nói.
Còn với anh Hoài Nam – Founder UB Holdings: “Có nhiều ý kiến cho rằng GameFi đã hết trend hoặc chỉ nhất thời. Nhưng nếu quan sát từ lâu, game là mảng quan trọng trong hệ sinh thái Internet. Và chỉ GameFi sở hữu khả năng thu hút người dùng lên Blockchain với số lượng khủng”.
“Chính vì vậy, bằng mọi giá những ông lớn sẽ tìm cách kéo GameFi lên. Thậm chí FTX đã mở riêng một mảng dành cho game bởi vì họ hiểu GameFi là thứ duy nhất có thể tạo nên sức mạnh mass-adoption”, anh Nam tiếp tục.
Số lượng dự án ‘con sâu làm rầu nồi canh’ đang khá nhiều, nhưng thị trường Việt Nam vẫn còn những dự án đang làm tốt.
“Thực ra hiện trạng này đang khá nghiêm trọng. Nhiều đội ngũ tạo ra những bánh vẽ lớn, đủ to và hấp dẫn để thu hút nhiều người vào trong miếng bánh béo bở này”, anh Cris bổ sung.
“Khi nhìn vào một dự án cần nhìn vào đội ngũ sáng lập, đội ngũ backer, nhìn vào track-records của dự án đó. Đặc biệt thận trọng khi trong team không có một nhân tố nào từng có kinh nghiệm hay quá trình làm game thì xác suất thất bại rất cao”, anh Cris kết luận.
“Tương lai những game mạnh sẽ càng phát triển mạnh mẽ lên Metaverse. Những game yếu, không có cộng đồng sẽ dần biến mất khỏi thị trường”, anh Nam bổ sung.
Liên quan đến vấn đề pháp lý, anh Phil Trịnh – Local Director at Decomholdings Singapore cho biết, “GameFi là một xu hướng tương đối mới trong 1,2 năm gần đây, hiện tại ở Singapore mọi thứ vẫn được thả nổi, các cơ quan quản lý sẽ chờ và đánh giá thị trường, khi những dự án xấu, dự án không tốt lộ diện họ tìm cách xử sẽ xử lý”.
“Như đã biết Bitcoin đã tồn tại 13 năm, đến nay MAS – cơ quan quản lý tiền tệ tại Singapore mới bắt đầu có những văn bản chính sách đầu tiên cho thị trường tiền điện tử, vì vậy với GameFi cũng phải cần một thời gian theo dõi đánh giá”., anh Phil kết luận.
Với việc niềm tin vào thị trường GameFi đang bị bào mòn, liệu Play-to-Earn đã hết thời hay chưa, có khi nào hiệu ứng này sẽ kép sụp xu hướng GameFi từng được kỳ vọng rất nhiều.
Nhận định về vấn đề này, anh Nam cho rằng thời điểm hiện tại vẫn chưa có một mô hình tokenomics nào thực sự tốt. Thậm chí Axie Infinity gần đây đã phải bớt đi một lượng phần thưởng, để giảm lượng bán tháo mỗi ngày.
“PV (Present Value) về lâu dài sẽ chết, điều khắc sâu vào tâm trí cộng đồng là PV sẽ tạo ra token nhưng token không dùng để làm gì. Ai cũng nghĩ token đó sẽ lạm phát. Việc giải thưởng theo thứ bậc và xếp hạng sẽ là xu hướng trong thời gian sắp tới”, anh Nam nói.
Đồng quan điểm với anh Nam, anh Cris cho rằng GameFi sẽ không hết thời, mà sẽ biến chuyển và tiến hoá theo thời gian. Trong mùa GameFi 2021, anh đã quan sát thấy một số dự án chất lượng đến từ Việt Nam, họ đã có sự điều chỉnh về cả tokenomic và gameplay.
“Hàng loạt ông lớn game truyền thống sẽ có sự pha trộn với GameFi, họ sẽ đổ nhiều nguồn lực lên sàn đấu này. Xa hơn, nếu như xuất hiện thêm những ứng dụng về Metaverse (về cả phần cứng), lúc đó những game này sẽ có khoảng ‘đất diễn lớn hơn”, anh Cris tiếp tục.
“Có 2 hình thức game thu hút cộng đồng là cờ bạc và giải đấu. Axie hiện đang đi theo hình thức giải đấu”. Anh Nam bổ sung.
Có thể nói GameFi sẽ không mất đi mà biến chuyển thành mô hình mới. Những người mới tham gia sẽ thấy mô hình nàykhá giống Ponzi. Tuy nhiên đánh giá kỹ hơn, trong tương lai người chơi sẽ phải ‘bỏ chất xám’ nhiều hơn để kiếm được tiền, có nghĩa người chơi thực sự giỏi mới kiếm được tiền trong Play-To-Earn.
Lời khuyên cho các nhà phát triển game
Anh Phil cho rằng, trong giai đoạn thị trường downtrend, mọi thứ đều khó khăn. Tuy nhiên, đây là lúc thanh lọc những dự án kém chất lượng, vì những dự án này thường không sống sót qua mùa đông, bên cạnh đó những dự án sống sót, chắc chắn là dự án tốt.
“Nếu đã gọi được vốn thì hãy nghĩ đến con đường phát triển dài hơi, làm thế nào để sống sót qua mùa đông”, anh Phil nói.
Với anh Cris, một trong những vấn đề lớn của GameFi hiện tại không nằm ở chất lượng sản phẩm mà ở việc các dự án đang bị chới với trong giai đoạn khó khăn. Nguyên nhân trong đó có thể do vấn đề về tokenomics.
Một trong những lời khuyên đầu tiên cho những đội ngũ muốn làm game nghiêm túc là hãy tìm đến các đơn vị incubator chất lượng.
“Gần đây một số dự án không làm IDO mà chỉ bán NFT và một số đặc quyền chơi game nhất định. Khi đi theo hướng này các dự án sẽ không vấp phải những thử thách mà Axie Infinity đã trải qua”, anh Cris chia sẻ.
Điều này cũng sẽ mang lại uy tín cho dự án trong thị trường. Đặc biệt là ở thị trường có phần hơi ‘tranh sáng tranh tối’ như Việt Nam, việc có một đơn vị uy tín bảo vệ khá quan trọng.
“Bên cạnh đó cần phải tìm cho mình một đội ngũ chất lượng. Một trong những vấn đề của các dự án Việt Nam hiện tại là không có Dev chất lượng trong đội ngũ, nên xảy ra một hiện tượng một anh Dev đang code 3 – 4 dự án game khác nhau”.
Anh Cris nhận định thị trường Việt Nam là một thị trường vô cùng khó tính. Chỉ cần chệch đường ray một chút, cộng đồng cũng đã có thể phản ứng dữ dội.
Việc con sâu làm rầu nồi canh đang là vấn đề nhức nhối ở thị trường Việt Nam, làn sóng tẩy chay trên thế giới đã nổ ra. Những khó khăn nối tiếp khó khăn là thách thức không nhỏ để các dự án chất lượng vươn mình ra biển lớn.
Nêu bật nguyên nhân của vấn đề này, anh Nam cho rằng tất cả đều do “đội ngũ quá tham lam, tinh thần để vẽ ra một dự án dài hơi chưa có. Thứ hai là cộng đồng vô cùng ‘toxic’, họ chỉ muốn rút tiền ra khỏi dự án khi pump mạnh mà không chịu tìm hiểu”.
Với anh Phil Trịnh, có thể thấy các dự án của Việt Nam đang nằm trong blacklist của thế giới, họ không có thiện cảm, và đầy sự hoài nghi. GameFi Việt Nam hiện phần lớn là những trò chơi game-mobile đơn giản, chưa có game nào thực sự được đầu tư đủ tầm.
“Trong thời điểm khó khăn hiện tại hi vọng sẽ có sự hợp nhất của GameFi. Bài toán là làm sao để các dự án Việt cạnh tranh với những ông lớn và phát triển lâu dài. Lúc đó, cộng đồng và các quỹ đầu tư sẽ có cái nhìn khác với các dự án của Việt Nam”, anh Phil kết luận.
Mặc dù đang trải qua nhiều thăng trầm, tuy nhiên nhiều chuyên gia đánh giá GameFi thật sự có tiềm năng. Điều này thúc đẩy các công ty truyền thống nhảy vào cuộc chơi.
Những công ty có vốn lớn đã dày dặn kinh nghiệm trong việc khai phá ra những vùng đất mới của thị trường. Họ luôn là người chờ đợi những diễn biến đầu tiên của thị trường để thanh lọc những rủi ro tiềm tàng.
“Tôi nghĩ rằng họ đi đúng một bài như vậy, và chắc chắn là những dự án nhỏ lẻ sẽ sớm biến mất”, anh Cris nhận xét.
“Mỗi công nghệ mới được triển khai đều yêu cầu một thời gian khá dài để được chấp nhận. Điển hình như smart-contract của Ethereum triển khai từ 2015-2016 nhưng phải đến 2020 mới sử dụng phổ biến. Các tổ chức lớn đang kiểm tra tính khả dụng và hiệu quả của công nghệ mới”, anh Nam nói.
“Thời điểm ban đầu sẽ rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia phát triển những game đơn giản. Qua những mùa lên xuống, cộng đồng sẽ dần tin tưởng vào tương lai lâu dài của GameFi”, anh Phil bổ sung.
“Khi nhận thấy sự ổn định, những nhà đầu tư lớn chắc chắn sẽ nhảy vào, bên cạnh đầu tư là những quy định về pháp lý. Cũng giống như Crypto, phải đến năm 2019, Singapore mới cấp phép cho ngân hàng DBS ra mắt sàn giao dịch DBS Digital Exchange”, anh Phil kết luận.
Có nên đầu tư vào GameFi/NFT vào thời điểm này nữa hay không?
Anh Nam cho rằng, “hiện tại, ngoại trừ những dự án nền tảng, L1,L2 thì đầu tư vào những dự án GameFi là siêu rủi ro”.
“Bởi lợi nhuận cao nên có thể xem những dự án GameFi NFT là một mất một còn. Đầu tư vào Crypto rất biến động và căng não. Cần tìm hiểu kỹ và quan trọng phải hiểu về dự án, có niềm tin nắm giữ vững chắc”, anh Nam chia sẻ.
Rõ ràng, thị trường này là một sự đánh đổi. Có tiền mà không có kinh nghiệm thì chúng ta sẽ mất tiền và có kinh nghiệm. Nếu có tiền và có kinh nghiệm thì sẽ kiếm thêm được nhiều tiền.
Thậm chí là khi có tiền, kinh nghiệm và cả kiến thức chuyên sâu thì những cá nhân đó không sớm muộn họ sẽ có được những thành công nhất định không chỉ trong thị trường Crypto mà còn ở những thị trường khác.
Đồng quan điểm với anh Nam, anh Cris chia sẻ khi phân bổ sự tập trung nhất định vào các dự án GameFi, bản thân đã trải qua những bài học và cũng nhìn nhận được các tiềm năng ẩn mình của GameFi.
Game được xây trên Blockchain vẫn là ứng dụng có thể tập hợp người dùng mới nhanh nhất. Cần có góc nhìn đủ rộng, phân bố vốn đủ đều. Bởi vì xác suất dự đoán một dự án chín muồi về tất cả mọi thứ không quỹ nào có thể làm được.
“Điều quan trọng không kém trong đầu tư là không bao giờ vay tiền để đầu tư, không được để bản thân rơi vào trạng thái bị động”, anh Phil bổ sung.
Để nhận biết một dự án có phải là lừa đảo hay không là một việc vô cùng khó đối với những nhà đầu tư nghiệp dư, trừ khi chúng ta làm việc trong dự án đấy.
Anh Phil nhận xét rằng, “ngày nay các dự án lừa đảo cũng tinh vi hơn. Thậm chí, có những dự án từ đầu tính đi đường dài nhưng đến giữa đường, không biết vì một lý do nào đấy đội ngũ lại rugpull và trở thành một dự án scam, điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà đầu tư”.
“Quan trọng nhất khi đánh giá dự án là kiến thức research. “Khi tìm hiểu tổng quát Crypto, thì GameFi cũng là hình thức Crypto. Ở đây ứng dụng thêm NFT và tạo ra một hệ sinh thái”, anh Nam bổ sung.
Vì vậy khi tìm hiểu về một dự án nhất định phải tìm hiểu về đội ngũ. Những người đứng đầu không nhất thiết là phải đến từ Google, Facebook, có thể họ chỉ làm ở tầng senior, thực tập, nhưng cần phải biết họ là ai.
Anh Nam đánh giá 90% mọi thứ trong dự án xuất phát từ tokenomics.
Tuy nhiên anh Cris cho rằng việc giá token của một dự án không tốt thì không đồng nghĩa với việc đó là dự án scam. Còn nhiều yếu tố để phải xem xét, thậm chí có thể do tokenomics của dự án, hay thị trường chung suy giảm.
“Cần xác định được mô hình kinh tế của dự án có khả năng xảy ra lạm phát nhiều hay không, các hình thức NFT trong dự án như thế nào”, anh nói.
“Những vấn đề nhỏ cần xem xét đến trong dự án như sai chính tả, sai ngữ pháp, lỗi web, thông tin cơ bản không chính xác trên website. Những thứ này cũng góp phần ảnh hưởng đến sự chuyên nghiệp và chỉnh chu của dự án”, anh Phil bổ sung.
Bên cạnh những yếu tố về chuyên môn và niềm tin, hiện tại nhiều nhà đầu tư cho rằng GameFi là một hình thức Ponzi người sau trả tiền người trước.
Tuy nhiên, theo anh Cris đây không hẳn là mô hình Ponzi, nhưng bản chất mô hình Ponzi trong thế giới tài chính cũng rất có ích để bổ trợ thêm người dùng mới vào hệ thống. Chính vì thế, các dự án có kết hợp yếu tố Ponzi là bình thường.
Với anh Nam: “Nguyên tắc trong Ponzi là người sau trả cho người trước, nhưng nếu người sau đủ tin tưởng thì đấy không hẳn là scam. Việc người này lấy tiền của người kia là vấn đề tồn tại muôn thuở trong tài chính. Bởi ở đây tiền không tạo ra thêm được giá trị, nó di chuyển từ túi người này sang túi người kia, đơn giản chỉ là nhu cầu và kỳ vọng”.
“Không phải cứ đa cấp là Ponzi và ngược lại, hai định nghĩa này nên được chia tách. Ponzi phải tồn tại các lời hứa về lợi nhuận, ví dụ: hãy mua cái này đi, tháng sau nó sẽ tăng lợi nhuận lên vài chục lần”, anh Phil nhận định.
“Thường khi mọi thứ sụp đổ thì mới chứng minh được nó là Ponzi. Đặc điểm chung là mô hình không bền vững, hoặc không có yếu tố nào để giữ cho mô hình đó đủ mạnh mẽ và đến một lúc nào đó nó sẽ sụp đổ. Có người coi Ponzi là trò chơi tài chính, nhưng cũng có người coi đó là lừa đảo…”, anh kết luận.
Đình Đức – Kim Chi